Mối tình đầu với con trai tỉ phú đất Phan Rang

10/04/2007 22:46 GMT+7

Nếu đeo chiếc nhẫn nhận hột xoàn của Bạch công tử Georges Phước sẽ không khỏi làm buồn lòng Hắc công tử Bạc Liêu. Nhược bằng đeo chiếc do Hắc công tử tặng sẽ làm mất vui người còn lại. Hay là đeo cả hai chiếc?

Không, Yvette Trà không chọn chiếc nào để đeo hết, mà cô đã "lạnh lùng" ném cả hai vào một cuộc chơi. Đó là trận bài bạc đỏ đen, cầm cố rồi bán tháo cả hai món quà kia, rốt cuộc trút sạch túi vào sòng bạc khét tiếng là "lò đốt tiền" của thầy Bảy Phương chỉ trong một đôi ngày sau đó. Cũng vậy, nhiều món quà có trị giá lớn do những tay chơi đa tình trong giới phong lưu Sài Gòn cũ tặng cho cô đã chóng "đến và đi" như đã kể. Mỗi lần đứng lên, phủi tay rời sòng bạc, cô Ba nói đại khái: tiền của như bụi đất - tình nghĩa mới thiên thu (chứ không phải thiên kim)! Vậy với cô, tình nghĩa khó quên nhất trong "tình sử" đời mình là ai? Đó là Toàn. Toàn, quê tận Phan Rang, sao lại có thể với tay hái lấy đóa hoa đẹp nhất Sài Gòn lúc ấy đang còn lăn lóc vô danh giữa đám "bụi hồng" trước khi nổi tiếng?

Để trả lời, hãy tạm lùi một chút, vào ngày bé Trà lên 9, ngoại mất, má đem Trà từ Cần Giuộc lên Sài Gòn, ở gần chợ Bến Thành trong một hẻm nhỏ đường D'Espagne (tức đường Lê Thánh Tôn ngày nay). Hằng ngày Trà bán chả giò kiếm chút tiền còm. Còn má Trà bán hàng rong trên chuyến xe lửa Sài Gòn đi Phan Thiết, người quen mặt thường gọi "bà Tám". Và "con bà Tám" (tức Trà) dần dà trở thành một thiếu nữ tuy không được học hành, không đủ tình thương che ấm, không có tiền bạc giắt lưng, nhưng có kho tàng vô giá do trời ban là nhan sắc và bắt đầu lộ những đường nét gợi cảm khi Trà bước đến tuổi 14. Ở tuổi này, cô như một đóa hoa hàm tiếu chưa kịp nở đã bị bướm ong trầm trồ, vây đón. Má Trà vội vã đem Trà gả cho một quan ba người Pháp tuổi đã trên 30 (lúc này Trà mới được đi học chút đỉnh). Rồi cuộc hôn nhân đầu đời ép uổng kia sớm tàn nhanh khi anh quan ba mãn hạn về lại Pháp ngay năm sau, không đoái hoài gì đến Trà nữa. Vậy là ở tuổi 15 Trà trải qua "một đời chồng", trở về ở với má, tiếp tục bán hàng rong cho đến ngày gặp Toàn.

Toàn là con trai cưng của một tỉ phú người Hoa, gốc ở Hải Nam. Ba Toàn đã có một đời vợ bên Trung Quốc, khi sang lập nghiệp trên đất Việt ông lấy thêm ba người vợ nữa, mỗi người có một cơ ngơi riêng không ai chịu "làm bé" ai. Một trong ba người ấy là má Toàn quê quán Quy Nhơn, chung sống với ba Toàn ở Phan Rang, chuyên nghề mua bán hải sản đắt tiền như yến sào, vi cá, bào ngư, với chi nhánh đặt tận Chợ Lớn nên Toàn ra vào thường xuyên.

Trong một chuyến đi Toàn tình cờ gặp Trà đang bươn bả ngoài phố đã ngẩn ngơ trước sắc đẹp của cô hoa khôi tương lai nên nhiều lần viết thơ tỏ tình nhờ người đưa tới. Nhận lá nào, Trà đều đưa má đọc, không giấu. Má Trà có lẽ dò hỏi biết gia thế của Toàn nên bà không ngăn cản và ngầm ý chấp thuận. Quá si mê Trà nên chỉ trong vòng đôi tuần sau cuộc gặp lần đầu, Toàn đã cùng ba má đem lễ vào Sài Gòn làm đám cưới với Trà. Trà lại sang ngang một lần nữa ở tuổi trăng rằm và theo chồng về Phan Rang ở. Chính những ngày tháng chung sống mặn nồng làm nảy nở trong Trà tình cảm "bền ghi như thiết thạch" với Toàn. Nhưng được hai năm, vốn con nhà giàu, được chiều chuộng nhất nhà, Toàn đi vào đường bồ bịch lăng nhăng, nay yêu người này mai thương người nọ làm Trà phát ghen. Can chồng mãi không được, Trà trốn đi, nhưng bị bắt về lại. Mẹ chồng của Trà người nhân hậu, đối xử tử tế, khuyên Trà không nên bỏ đi nữa. Trà cũng muốn thế, song nếp sống phong tình của Toàn vẫn không đổi nên cô viết thư cho má kể mọi chuyện.


Trước khi đeo đuổi Hoa khôi Trần Ngọc Trà, Hắc công tử có người tình trong thời gian du học bên Pháp (phải) và đứa con trai là kết quả của mối tình ấy (trái) - Ảnh tư liệu do anh Nhơn, con trai công tử Bạc Liêu cung cấp

Má Trà hồi âm gửi gia đình Toàn than nhớ con gái nên nhà chồng đồng ý để Trà về Sài Gòn thăm. Ra khỏi "chiếc lồng son" dè đâu Trà lại rơi vào cảnh cũ, lại bị má đánh đòn bằng củi gậy, dẫu đã "hai đời chồng" và đã lên 17. Trước tình cảnh đó, Trà muốn tìm về "mái nhà xưa" với Toàn. Cô lên tàu đến Phan Rang, nhưng bước lạc xuống ga Mường Mán, không tiền không bạc đành ghé ở tạm tại nhà một tài phú người Hoa đang trông coi chi nhánh của hãng buôn bên chồng. Hay tin, Toàn vào kiếm, mừng rỡ gặp mặt Trà, đưa Trà đi ăn tiệm và ra chợ mua một lượt 10 cây lãnh đen để Trà tha hồ may đồ mặc. Cử chỉ âu yếm và săn sóc của Toàn như muốn chuộc lỗi với người vợ trẻ. Rồi vợ chồng dắt nhau vô lại Sài Gòn xin má Trà bỏ qua chuyện lùng nhùng giữa họ, nhưng má Trà sẵn mối oán giận "hạng đàn ông đoản hậu" nên gạt phăng, dọa là:

- Nếu mày quay lại với thằng Toàn tao sẽ giết mày!

Thất vọng, Toàn để lại cho Trà đôi bông tai nhận hột xoàn rồi buồn bã quay về Phan Rang một mình. Sau này, khi kể cho một vị có tiếng trong làng văn Sài Gòn nghe, cô Ba Trà đã tự bạch: "Tôi gặp không biết bao nhiêu (người đàn ông) mà đếm, nhưng anh Toàn, tôi còn nhớ mãi không quên" - vì với Trà, đó là mối tình đầu đúng nghĩa. Và vị học giả nghe lời tự bạch kia chính là cụ Vương Hồng Sển -  người tự nhận mình đã say mê cô hoa khôi Trần Ngọc Trà từ lúc còn học trường Chasseloup Laubat (nay là trường Lê Quý Đôn) ra sao? (Còn tiếp)

Hồng Hạc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.