>> Kiều Mai Sơn

Phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bà Đặng Bích Hà là Phó Giáo sư Sử học. Song có lẽ, người học trò cũ của Giáo sư Đặng Thai Mai, đỉnh núi của điêu khắc thế giới, đã biết người con gái đầu của thầy mình từ nhỏ rất thông minh, bà Điềm Phùng Thị - và nhiều người khác - kỳ vọng hơn ở Đặng Bích Hà với một sự nghiệp riêng. Còn đối với bà Đặng Bích Hà, điều ấy không quan trọng. Bà Đặng Thị Hạnh chia sẻ: “Về ý nghĩa cuộc đời, chị Hà là nơi nương tựa cho anh Văn trong mọi điều kiện”.

Ngoài 90 tuổi đời, gần 70 năm gắn bó, từ sau ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi xa, bà Đặng Bích Hà dường như sống trong một thế giới riêng, thanh thản và xa vắng. Tính cách của bà, như người em gái Đặng Anh Đào chia sẻ, vốn là người sôi nổi và hay nói.

Năm 1928, ông bà Đặng Thai Mai sinh con gái đầu lòng, đã đặt tên là Đặng Bích Hà. Theo bà Đặng Thị Hạnh: “Tên của chị tôi có nghĩa là “ráng biếc”. Cái tên này, nằm trong một hệ khác hẳn với những cô em gái kế tiếp đều thuộc hệ hoa: Đặng Thị Hạnh, Đặng Thanh Lê, Đặng Anh Đào. “Có lẽ vì chị tôi là đứa con duy nhất của ba mẹ tôi sinh ra ở chính quê nội và ba tôi chắc đã nghĩ tới những ráng đẹp mà ba tôi thường ngắm vào các buổi ban mai trên bầu trời quê nhà”, bà Hạnh kể lại.

Lên 6 tuổi, Bích Hà cùng cha mẹ chuyển hẳn ra Hà Nội. Trong số những người bạn của gia đình, có Võ Nguyên Giáp, lúc này đang là học sinh trường Lycée Albert Sarraut, vài năm sau đó trở thành sinh viên Đại học Đông Dương khoa Luật, đồng thời là giáo sư Sử học trường tư thục Thăng Long. Hiền hậu giống mẹ nhưng Bích  Hà không thiên về nội trợ, cô chỉ đọc sách và mơ được sống một cuộc đời mạo hiểm, khác với các thiếu nữ thời ấy.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (nay là Tổng Bí thư – Chủ tịch nước) thăm và chúc thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Năm 2011, kỷ niệm 65 năm ngày thành hôn, khi các em mua bánh gato đến mừng, bà Hà vui vẻ kể : “Có lẽ câu tỏ tình đầu tiên của anh Văn với chị là “ Sau này anh sẽ cưới Hà bằng một đĩa xôi với một con gà”. Anh nói thế vào một lần đèo xe đạp cho chị đi chơi lung tung”. Đó là lần đi chơi đến Septo, nơi Võ Nguyên Giáp tập võ. Lúc ấy, Đặng Bích Hà mới 7 tuổi.

Có lẽ, đó là một câu nói vui đùa mà bà Bích Hà  đã nhớ trong vô vàn những kỷ niệm .Vào năm 1940, Võ Nguyên Giáp bí mật rời khỏi Việt Nam, sang Trung Quốc hoạt động cách mạng. Ông trở về Hà Nội năm 1945 khi Cách mạng tháng Tám thành công, làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lúc này, Đặng Bích Hà vừa tốt nghiệp Tú tài Triết học trường Lycée Albert Sarraut, gia đình dự định cho cô sang Pháp du học.

“Cũng rất êm ả là tình yêu giữa anh Văn và chị tôi”. Đó là nhận xét của một người em gái bà Hà. Sự trở về của những nhà cách mạng như Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, luôn khiến ngôi nhà riêng của ông bà Đặng Thai Mai rộn ràng vì được đón người thân. Trong ký ức của bà Đặng Anh Đào, Võ Nguyên Giáp khi đó đến nhà với nụ cười sáng ngời, đôi mắt nâu và cặp lông mày “võ tướng”. Lúc này Võ Nguyên Giáp đang phải gánh chịu mất mát lớn, người vợ - người đồng chí Nguyễn Thị Quang Thái đã mất trong nhà tù Hỏa Lò năm 1944.

Nhà văn Thanh Hương, một người bạn thiếu thời của bà Bích Hà kể cho tôi nghe: “Anh Văn có khi ở lại nhà thầy Đặng Thai Mai mấy ngày liền. Anh còn dạy Hà học và hướng dẫn Hà đọc sách. Buổi tối, các em đi ngủ hết, anh Văn và Hà vẫn ngồi lại bên bàn đọc sách và trò chuyện. Một đêm, đã khuya lắm, đột nhiên thầy Mai trở dậy thấy đèn phòng ngoài còn sáng, đi ra. Thầy ngạc nhiên thấy anh Văn và Hà còn ngồi trò chuyện bên bàn. Thầy nhắc con gái: “Hà ơi, đi ngủ đi, khuya rồi, để anh Văn còn đi nghỉ”.

Ngạc nhiên biết bao khi thấy anh Văn quay lại, nói với thầy Mai bằng tiếng Pháp: “Taisez - vous. Ne nous dérangez pas” (Để yên nào. Xin đừng quấy rầy bọn tôi).

Bạn đọc chớ ngạc nhiên khi thấy cách xưng hô này. Võ Nguyên Giáp và Đặng Thai Mai là bạn vong niên nên hai người thường nói với nhau bằng tiếng Pháp, đối đãi rất thân mật . Kể cả sau này, khi đã là bố vợ, con rể, Võ Nguyên Giáp vẫn gọi Đặng Thai Mai là “anh”. Hơn 20 năm mới trở lại công viên Thúy Hồ, Côn Minh (Trung Quốc), Võ Nguyên Giáp gửi tấm ảnh kỷ niệm bố vợ, có bút tích: “Thân tặng anh Mai. 11.1961. Văn”.

“Tôi chưa bao giờ hỏi Hà, nhưng tôi nghĩ có lẽ đêm ấy là lần đầu tiên anh Văn tỏ tình với Hà. Năm ấy Hà 18 tuổi, anh Văn 35 tuổi”, nhà văn Thanh Hương nói thêm.

Mối tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân Đặng Bích Hà vốn êm ả. Chính vì vậy, người em gái liền kề cũng không để ý đến thời điểm chị mình đã lập gia đình. Vài chục năm sau, những người em gái mới biết hôn lễ của anh chị mình được tổ chức chỉ ba tuần trước ngày Toàn quốc kháng chiến năm 1946.

Ít người biết hôn lễ được tổ chức rất đơn giản ở  một ngôi nhà trên phố Hàng Bài. Chị Võ Hòa Bình  có lần kể với tôi, lễ cưới  diễn ra tại  phòng khách của ngôi nhà dành cho Hiệu trưởng, trong khuôn viên trường THCS Trưng Vương hiện nay - khi đó cụ Đặng Thai Mai ở và làm việc tại ngôi nhà này. Tham dự lễ cưới có bác sĩ Trần Duy Hưng – Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội, làm chủ hôn và bà Nguyễn Thị Thục Viên (nữ đại biểu quốc hội đầu tiên của Thủ đô), một người thân của gia đình.

Gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại chiến khu Việt Bắc

Khi đang còn đương chức cho đến khi về nghỉ hưu, lúc nào Đại tướng cũng rất bận rộn, vậy mà chưa năm nào Đại tướng quên ngày cưới. Hàng năm, cứ đến ngày 27 tháng 11, Đại tướng lại nhờ các con gái mua một bó hoa hồng nhung - loài hoa mà bà Bích Hà rất thích -  để tặng vợ.

Có lần, người nghệ sĩ nhất trong số những người con gái của học giả Đặng Thai Mai nói với tôi rằng, những ngày vẻ vang, cũng như gian khổ - cả về tinh thần - chị Hà luôn  là chỗ dựa bình yên của anh Văn”.

Cho dù sự nghiệp riêng của mình, khi là một nhà giáo giảng dạy Lịch sử ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, khi làm nghiên cứu viên ở Viện Đông Nam Á, những công việc rất khiêm nhường âm thầm, bà Đặng Bích Hà vẫn thấy đó là sự nghiệp cao quý.

Hòa bình lập lại ở miền Bắc, bà Đặng Bích Hà học tiếp đại học. Sau thời gian giảng dạy đại học, bà sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh. Dường như con  đường học vấn của bà luôn có sự trắc trở. Trong nước chống xét lại. Bà trở về, dang dở sự nghiệp nghiên cứu.

Các em gái bà đều là những nhà nghiên cứu văn học nổi danh. Vậy mà, gặp phải điều gì khó, lại đến hỏi bà, nhờ bà giải thích giúp. Với bạn bè cũ, bà vẫn giữ tình cảm nồng hậu trước sau không thay đổi. Nhà văn Thanh Hương nhận xét: Là một “đại phu nhân” của thời bình, vợ một nhân vật lừng danh khắp năm châu bốn biển, Hà vẫn là người phụ nữ trí thức Việt Nam vô cùng chân thành và giản dị. Tôi sung sướng và cảm thấy tự hào là chưa hề nghe ai nói điều gì không tốt về Hà. Hà không hề ở trong danh sách những “phu nhân” kệch cỡm, hãnh tiến, hay lọc lõi khôn ngoan chuyên dựa vào thế và lực của chồng để mưu cầu lợi lộc cho gia đình, con cái mình. Đôi khi tôi có cảm giác Hà còn giản dị “lười xười” hơn cả chúng tôi, những bạn bè bình thường cùng trang lứa.

Hơn 5 năm sau ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi xa, phu nhân Đặng Bích Hà thường rất ít nói.  Đôi khi, bà chỉ hát những bài hát xưa. Bà Đặng Anh Đào có lần tới thăm chị. Hai chị em cùng khe khẽ hát bài “La Normandie” (vùng Normandie).  Bài hát nhắc tới  những hình ảnh đẹp và thơ mộng của một miền quê, kết thúc bằng lời hứa rằng một ngày một ngày nào đó, sẽ trở về thăm quê hương của mình....

Đồ họa: Lâm Nhựt | Ảnh: Tư Liệu Gia Đình, Trần Hồng

Báo Thanh Niên
08.03.2019

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.