Món quà của đất

10/02/2021 13:00 GMT+7

Lương y Nguyễn Tăng Công mua hẳn một nửa ngọn đồi để gầy dựng nên vườn thuốc nam, có lẽ lớn nhất tỉnh Đồng Nai, và chữa trị miễn phí cho hàng ngàn bệnh nhân mỗi năm.

Một nhà văn đàn anh nói với tôi: “Người nào mà mình quá quen thuộc, rất khó viết về họ!”. Tôi thân lương y Nguyễn Tăng Công từ dạo còn đi dạy học, nhiều năm qua, tôi viết hàng trăm bài báo, truyện ngắn, bút ký nhưng chưa viết được dòng nào về anh.
Dạo ấy, anh em giáo viên và những người yêu thơ thường tụ tập vườn nhà anh vào những đêm trăng uống trà, ngâm thơ. Trà anh trồng trong vườn, hoa lài, hoa ngâu trong vườn, mọi thứ có sẵn, chỉ cần qua đôi tay khéo léo của chị Tư, chén trà ngào ngạt hương vị đồng quê đặc biệt. Ngồi trong vườn nhà anh có cảm giác người mình được ướp hương. Mùi thơm nhẹ nhàng của hàng trăm loài hoa quyện với hương găn gắt của các cây thuốc nam tạo ra một vùng không gian thoát tục, khiến cho khách thơ có cảm giác như lạc vào vườn địa đàng.
Ngày đó, tôi là một giáo viên trẻ mới ngoài hai mươi nhưng lọt được vào “tao đàn” của nhóm anh là vì nhờ trí nhớ của tuổi trẻ, tôi thuộc vài chục bài thơ của các thi nhân tiền chiến, nên được mời để đọc cho các anh nghe. Trong thời đại mọi người tất bật vì nhịp sống hiện đại, mà còn có những con người ban ngày “cày sâu cuốc bẫm” đêm về tụ tập đọc thơ quả là chuyện lạ. Chúng tôi coi anh là một người khác thường vì anh đã dám bỏ khoản tiền lớn dành dụm nhờ nghề làm thuốc mua hẳn một nửa ngọn đồi. Lúc bấy giờ, với số tiền ấy người ta có thể mua hàng chục mẫu cà phê thu mỗi năm hàng trăm triệu. Từ đó, hội “tao đàn vườn” dời lên gần với chị Hằng hơn một chút.
Trên ngọn đồi ấy, anh trồng hàng trăm loại cây thuốc nam và nhiều kỳ hoa dị thảo mà anh chị cất công sưu tầm từ Nam chí Bắc. Lạ thật! Cây thuốc mọc tự nhiên trong rừng lớn vùn vụt mà đem về chăm nom, nó lại đỏng đảnh, èo uột không chịu lớn, khiến hai vợ chồng anh mất ăn mất ngủ nhiều đêm, tìm cách chăm bón nuôi dưỡng. “Gái có công, chồng chẳng phụ!”. Sau nhiều ngày nghiên cứu, anh chị cũng bắt cây lớn theo ý người. Bây giờ, đồi Tư Công (dân trong vùng gọi thế) là vườn thuốc nam, có lẽ lớn nhất tỉnh Đồng Nai, với nhiều hoa thơm cỏ lạ. Hàng trăm cây quế Trà My, bồ hòn, mã tiền, ươi, thi nhau vươn mình xanh tốt. Sinh thời, giáo sư Đỗ Tất Lợi, nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam về lĩnh vực y dược dân tộc, về thăm đã tỏ ra kinh ngạc. Giáo sư động viên: “Anh chị nên tiếp tục giữ gìn phát huy vốn quý của dân tộc, để các nhà khoa học có điều kiện về nghiên cứu”.
Trên ngọn đồi ấy, anh còn cho xây một nhà chữa trị bệnh nhân bằng thuốc nam miễn phí. Mỗi năm có hàng ngàn bệnh nhân đến đây. Thú thật, tôi là người không tin mấy vào chuyện chữa bệnh theo kiểu uống lá cây nhưng chơi với anh lâu, thấy anh nghiên cứu rất công phu và khoa học, dần dần anh thuyết phục được tôi. Anh tâm sự: “Mấy ngàn năm nhân dân ta sống nhờ những cây cỏ quanh mình, bây giờ nó mai một thì tiếc quá. Tôi làm việc này chỉ hy vọng nó trở thành địa chỉ cho những sinh viên theo ngành y học dân tộc có nơi nghiên cứu. Mong rằng những cây thuốc quý không bị nền văn minh xóa đi như số phận của các loài vật được đưa vào Sách Đỏ”.
Khi cây thuốc lớn, ngọn đồi rợp bóng quế, bóng tùng, anh dựng một ngôi nhà lá trên đỉnh đồi để làm nơi nghỉ ngơi cho bạn bè đến vãn cảnh. Một ngôi nhà làm toàn bằng tre, nứa, dây mây, không hề có một cây đinh nào. Đưa chúng tôi đi tham quan ngọn đồi, Nguyễn Tăng Công nói: “Con người có thể phụ thiên nhiên, nhưng thiên nhiên không bao giờ phụ con người, mà con người thì không thể tách rời thiên nhiên. Vì vậy, chúng ta cần quay về với thiên nhiên anh ạ. Những cái mà chúng ta có được là món quà của đất đã ban tặng!”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.