TNO

Món Tết miền Nam đều trông cậy vào củ kiệu tôm khô

27/01/2015 00:00 GMT+7

Sẽ là “khủng hoảng” khó tưởng tượng nếu ăn Tết ở Sài Gòn mà lại không dưa món, củ kiệu tôm khô.

Sẽ là “khủng hoảng” khó tưởng tượng nếu ăn Tết ở Sài Gòn mà lại không dưa món, củ kiệu tôm khô.

>> Cuộc 'cách mạng' của bánh chưng
>> Lung linh đặc sản Tết ở Sài Gòn

 Món Tết miền Nam đều trông cậy vào củ kiệu tôm khô 1
Theo cách của nhiều gia đình Sài Gòn, dĩa củ kiệu tôm khô là một món riêng - Ảnh: Giang Vũ

Trước cả hội tảo mộ, lặt lá mai, hái dưa hấu… hình ảnh Tết đến sớm nhất đối với mọi gia đình người Việt Nam là những bó củ kiệu, củ hành, củ cải được các bà, các chị mang từ chợ về để chế biến thành những món được gọi chung là dưa món. Một trong những món được ưa thích nhất của các gia đình người miền Nam phải nói là củ kiệu.

Vùng cung cấp củ kiệu lớn nhất ở Việt Nam có lẽ là Bình Định, Khánh Hoà, Đồng Tháp… Cứ bắt đầu vào tháng chạp là ở các chợ đầu mối Sài Gòn ùn ùn đưa củ kiệu về các chợ nhỏ.

Nhìn những bành củ kiệu bự tổ chảng như mảng cỏ lớn được đưa ra bán, ít ai hình dung được là chỉ sau ít ngày, đám cỏ lấm lem bùn đất đó sẽ hoá thân thành món củ kiệu trắng tươi trong hũ thuỷ tinh của mỗi gia đình.

Việc chế biến món củ kiệu cũng chẳng có gì công phu nhưng công đoạn ngâm nước tro, cắt, lột, phơi nắng củ kiệu cũng không thể nói là dễ dàng.

Một người đàn ông nói: “Ra tiệm mua củ kiệu làm sẵn thì ăn không vừa miệng, còn ăn của vợ làm thì lại sợ tiếng bả rên kể công đau lưng mỏi vai.” Đúng là ai có ngồi tách từng lớp vỏ của kiệu mỏng dính để có từng củ kiệu trắng tươi mới biết là “ăn chua” thế nào.

Theo sách thì củ kiệu vị đắng, tính ấm, làm ấm bụng, tán khí kết, khỏi đầy hơi, bổ thận khí, mạnh dương, còn có tác dụng lợi tiểu, chữa chứng bệnh đái rắt, nếu ăn đều thì chịu được rét lạnh, bổ khí, điều hòa nội tạng cho béo khỏe.

Hỏi ra chẳng mấy ai quan tâm đến chuyện ăn nên thuốc của củ kiệu, chỉ thấy nhà nhà, người người khoái khẩu là ăn tới, nhất là dân nhậu lại càng ăn để đưa cay cho tới luôn.

Người ta nói các món dưa món ở Việt Nam là một “phát minh” của người nghèo để nuốt trôi bữa cơm thiếu thốn đồ ăn, có người phủ nhận, họ cho rằng mấy tay nhà giàu bữa ăn thịt cá ê hề rất cần dưa món kích thích thêm khẩu vị mà tận hưởng món ngon thế gian.

Món Tết miền Nam đều trông cậy vào củ kiệu tôm khô 2
Thật khó mà tả hết vị ngon chảy nước miếng của món củ kiệu
tôm khô - Ảnh: Giang Vũ
 

Nhưng có lẽ chỉ riêng món củ kiệu - dưa hành trong ba ngày Tết là đạt được sự đồng thuận cao nhờ hiệu quả trong việc giúp cả dân giàu, người nghèo “hoá độ” được thịt mỡ, bánh chưng và cả “núi” những món ngon khác trong ba bữa tết.

Nói về mâm cơm ngày Tết Việt Nam, ai cũng nói đến những món được tôn vinh là quốc hồn quốc tuý nhưng dám chắc là không ai không đưa đũa gắp món củ kiệu tôm khô.

Khác với người miền Bắc ăn dưa món kèm bánh chưng, người miền Nam không ăn củ kiệu với bánh tét bao giờ. Theo cách của nhiều gia đình Sài Gòn, dĩa củ kiệu tôm khô là một món riêng. Một dĩa củ kiệu tôm khô có rắc thêm một lớp đường cát trắng, có khi thêm vài lát hột vịt bắc thảo.

Món này phụ nữ, trẻ con có thể ăn chơi nhưng với cánh đàn ông ưa bia rượu lại là món đưa cay ngày tết thượng hạng vì khoái khẩu và dễ nuốt, đến nỗi, nhiều tay bợm nhậu đi chúc tết, nốc rược bia suốt cả ngày mà trong bụng chỉ có củ kiệu, tôm khô. Tay bợm này nói rằng: Quý vị có thấy các món ta nào lại hạp rơ với bia tây bằng tôm khô củ kiệu chưa?

Thật khó mà tả hết vị ngon chảy nước miếng của món củ kiệu tôm khô. Thật kỳ lạ, món củ kiệu vốn là một món đồ chua nhưng khi ăn vào lại có vị ngọt nồng nàn, ăn kèm với vài con tôm khô, nhất là tôm bạc đất sẽ được thêm vị ngọt bùi từ thịt tôm, nếu để ngấm lâu một chút vào vị giấm có trộn đường thì lại thêm vị ngọt khó tả, rồi chấm một chút tương có ớt xắt lại thêm vị ngọt mặn, ngọt cay. Kể ngần đó vị ngọt vẫn chưa đủ, nếu không cảm nhận được tổng hoà mùi thơm khó tả có một không hai của món củ kiệu tôm khô.

Dù ngày nay, cánh bác sĩ thông qua báo chí vẫn cố khuyên người ta tránh ăn các món lên men để phòng ngừa bệnh ung thư, nhưng nhiều nhà nghiên cứu cho rằng cây kiệu có từ thời các vua Hùng và do một nàng Mỵ Nương có tên là Kiệu tìm ra, nên từ đó loại cỏ thơm này có tên là kiệu.

Không ai biết cứ liệu trên có đúng hay không, dù người ta có quyền hồ nghi, nhưng sẽ là “khủng hoảng” khó tưởng tượng nếu ăn Tết ở Sài Gòn mà lại không dưa món, củ kiệu tôm khô.

Trần Tiến Dũng 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.