Môn văn không chỉ cần cho ngành y

17/10/2014 09:35 GMT+7

Một cuộc tranh luận của các trường đại học y, dược bàn về phương án tuyển sinh vừa diễn ra và dư luận thực sự bất ngờ khi có ý kiến đề xuất sử dụng môn văn trong xét tuyển.

Một cuộc tranh luận của các trường đại học y, dược bàn về phương án tuyển sinh vừa mới diễn ra tại hội nghị Hội đồng Hiệu trưởng các trường Y Dược Việt Nam ngày 10.10 vừa qua. Dư luận thực sự bất ngờ khi có ý kiến đề xuất sử dụng môn văn trong xét tuyển.

>> Bộ trưởng Y tế báo cáo Quốc hội các vụ tiêu cực trong ngành
>> Bộ trưởng Y tế: 'Chúng tôi hết sức đau xót, khổ tâm và day dứt
>> Bộ trưởng Y tế đã từng vi hành ở bệnh viện công

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tham dự hội nghị này cũng ủng hộ đề xuất trên và khẳng định "chắc nịch": môn văn rất cần cho cán bộ ngành y, giúp việc nói năng lưu loát, diễn đạt văn bản rõ ràng, đúng ngữ pháp.

Tôi hơi bất ngờ khi nghe thông tin này.

on - thi - dai - hoc
Học sinh lớp 12 ôn thi đại học - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Ngẫm lại, tôi có thể hiểu và chia sẻ với Bộ trưởng Y tế khi bà kể rằng, việc môn văn lâu nay bị xem nhẹ trong nhà trường và xã hội dẫn tới hệ lụy "nhiều chuyên viên ở Bộ (Y tế) soạn thảo công văn sai ngữ pháp". Hơn thế, bà Tiến còn hài hước cho rằng, sẽ "rất dễ đứt mạch máu não khi đọc nguyên bản những văn bản này".
Đó là một thực tế được người đứng đầu ngành y thừa nhận. Có điều, liệu việc viết sai ngữ pháp và thiếu tính nhân văn ở sinh viên ngành y có liên quan trực tiếp đến năng lực, cũng như y đức của bác sĩ sau này, như một số ý kiến tại hội nghị hay không, cần phải suy nghĩ thêm.

Bởi thực tế, tình trạng cán bộ viết sai chính tả, sai ngữ pháp, nói năng, diễn đạt kém lưu loát… không chỉ xuất hiện trong ngành y mà còn xuất hiện ở rất nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác trong xã hội. Nếu vậy, ắt còn rất nhiều ngành nên "noi theo" ngành y: đề xuất phải thi thêm môn văn để khỏi viết sai chính tả, sai ngữ pháp và để diễn đạt cho dễ hiểu hơn.

Nhiều năm qua, một thực tế rất đáng quan ngại là môn văn đã không được học sinh coi trọng, thậm chí giáo viên cũng vậy. Học sinh thường tập trung nhiều vào các môn khoa học tự nhiên nên khối C quả rất buồn tẻ vì không mấy ai đăng ký dự thi.

Câu chuyện dẫn tới sự lo lắng về y đức trong ngành y đang xuống cấp và những ý kiến cho rằng đã tới lúc nên đưa môn văn vào xét tuyển đối với khối thi ngành y, để hy vọng y đức từ đó khá lên, chỉ là cách nói trong hoàn cảnh đạo đức xã hội đang có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng, khiến những nhà giáo và các nhà quản lý ở ngành y lấy làm lo lắng.

Đành rằng, văn học chính là nhân học - như các bậc tiền nhân vẫn nói. Song văn học không thể là cứu cánh để từ đó, y đức sẽ được cải thiện, nếu các bài văn học sinh đang học trong các trường hiện nay chưa đủ tác động và đủ xúc cảm để có thể hoàn thành sứ mệnh quá lớn đó.

Đành rằng, nếu có ý thức để học tốt môn văn, các em sẽ có tâm hồn hơn, nhân văn hơn và sẽ có cách nhìn con người, đặc biệt là nhìn người bệnh, một cách nhân bản hơn, tình người hơn. Nhưng thực tế, theo quy định hiện hành, không thể buộc các em thi vào các trường y, dược phải thi thêm một môn ngoại lệ, “trái khối” so với các ngành học khác.

Mặc dù vậy, những ý kiến xuất phát từ một hội nghị giáo dục của ngành y nói trên rất đáng để chúng ta phải suy nghĩ một cách nghiêm túc về vai trò của bộ môn văn học trong sứ mệnh hình thành nhân cách cao đẹp ở mỗi con người. Có thể rút ra một điều: Đã đến lúc cần hiểu đúng và nhận thức rõ vai trò của môn văn trong cơ chế thị trường xô bồ khiến con người trở nên thực dụng như hiện nay. Tôi nghe những thế hệ cha anh mình nói lại rằng, ngày xưa, nếu ai đã học hết bậc tiểu học thì rất hiếm khi viết sai chính tả; nếu học hết bậc trung học thì rất khó tìm ra người viết sai ngữ pháp với những câu cú tối nghĩa. Còn hôm nay, câu chuyện Bộ trưởng Kim Tiến nêu lên từ dẫn chứng trong ngành y cũng chính là câu chuyện chung đang phổ biến ở mọi ngành, mọi chốn. Đó là điều rất đáng suy ngẫm.

Trong một xã hội văn minh, nếu muốn con người có lối sống nhân bản hơn, cũng cần nhìn lại một cách nghiêm túc những ý kiến đề xuất tại hội nghị của ngành y đã nêu ở trên để có một cuộc cách mạng trong việc dạy và học văn ở các trường phổ thông. Một khi đã làm được cuộc cách mạng đó, sau cả chục năm nữa, tôi tin rằng chúng ta sẽ bớt đi nỗi lo như ngành y đang phải lo lắng về y đức cho bác sĩ, hoặc ngành này, ngành kia lo lắng cán bộ của mình viết sai chính tả, câu cú thì tối nghĩa...

Hành Thiện (*)

(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một nhà báo sống tại Hà Nội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.