Mong ước của thầy cô dạy trẻ khuyết tật

Vũ Thơ
Vũ Thơ
15/11/2018 08:22 GMT+7

Không đề xuất, kiến nghị gì cho riêng mình, các giáo viên tiêu biểu dạy học sinh khuyết tật tham dự buổi gặp gỡ với lãnh đạo Bộ GD-ĐT ngày 14.11 chỉ có những mong muốn để trẻ em khuyết tật được dạy dỗ và chăm sóc tốt hơn.

Tham dự buổi gặp mặt có Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc, Bí thư T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long Nguyễn Đình Tâm, cùng các đại diện các vụ, cục thuộc Bộ GD-ĐT, đại diện các ban, đơn vị T.Ư Đoàn và 48 thầy cô giáo tiêu biểu dạy học sinh khuyết tật tham dự chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2018.
[VIDEO] Chuyện hai người mẹ của những “đứa con” khuyết tật
Thiếu giáo trình, sách giáo khoa
Thầy giáo Võ Duy Quang, Trường nuôi dạy trẻ khiếm thính tỉnh Lâm Đồng, cho biết hiện toàn quốc có số người khiếm thính rất đông, trong khi đó không có giáo trình giảng dạy chuyên biệt. Đồng thời, trẻ khiếm thính chỉ được tham gia học tập tại trường tiểu học, chưa có các trường ở cấp học cao hơn đón nhận. “Đề nghị Bộ GD-ĐT có những chủ trương, tạo điều kiện để trẻ khiếm thính được học tập ở các cấp học cao hơn”, thầy Duy Quang nói.
Cô Nguyễn Thị Liễu, Trung tâm giáo dục dạy nghề tỉnh Nghệ An, cũng cho biết hiện tài liệu giảng dạy và sách giáo khoa dành cho trẻ khuyết tật rất ít và mới có kênh hình chứ chưa có kênh chữ. “Chúng tôi phải tự dịch từ kênh hình sang kênh chữ và mới chỉ có được 3.750 từ, còn quá ít so với lượng từ ngữ mà cuộc sống của người khiếm thính cần sử dụng. Chúng tôi mong muốn Bộ GD-ĐT phối hợp với cơ quan nghiên cứu phát triển ngôn ngữ ký hiệu để phù hợp với xã hội hiện nay và sau này”, cô Liễu bày tỏ. Ngoài ra, cô Liễu cũng mong muốn Bộ GD-ĐT quan tâm, tổ chức các hội thảo chuyên môn nghiệp vụ để giáo viên có thêm phương pháp giáo dục các trẻ khiếm thính.
Cô Phạm Thị Thu Thanh, giáo viên Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM), cũng lo lắng về việc tới đây Bộ GD-ĐT thay chương trình, sách giáo khoa thì sẽ là một thách thức đối với công tác giảng dạy trẻ khiếm thị. “Chúng tôi lại phải mua sách về và đánh lại từng con chữ thành chữ nổi. Vì vậy, rất mong Bộ có cách hỗ trợ để có sách giáo khoa mới cho học sinh khiếm thị một cách thuận lợi hơn”. Đồng thời, cô Thanh đề nghị Bộ GD-ĐT cần có lộ trình đưa chương trình giáo dục trẻ khuyết tật vào đào tạo cho sinh viên các trường sư phạm. “Với sinh viên ngành sư phạm không thuộc ngành giáo dục đặc biệt, nên đưa giáo dục đặc biệt như một môn học trong quá trình đào tạo để trang bị thêm kiến thức về dạy trẻ khuyết tật”, cô Thanh đề xuất.
Dạy nghề chưa phù hợp với nhu cầu xã hội
48 gương thầy cô giáo đã được bình xét để tuyên dương
Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2018 do T.Ư Hội Liên hiệp thanh niên VN phối hợp với Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB-XH và Tập đoàn Thiên Long tổ chức. Chương trình tuyên dương các thầy cô giáo đang dạy học sinh khuyết tật trong cơ sở giáo dục chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và trung tâm bảo trợ xã hội thuộc Bộ LĐ-TB-XH, Bộ GD-ĐT. Sau 2 tháng kể từ khi phát động (25.7 - 25.9), 48 gương thầy cô giáo đã được bình xét để tuyên dương.
Cô Trần Thị Tín Nghĩa, Trường dạy trẻ khuyết tật Cần Thơ, cho biết do điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, mảng dạy nghề chỉ có may và thủ công mỹ nghệ nên đầu ra chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường, sau khi học xong các em không có việc làm. “Mặt khác, nhu cầu học tập của học viên về những ngành nghề hiện nay đã thay đổi. Các em muốn học nghề xã hội có nhu cầu và phù hợp với khả năng như spa, làm móng... Vì vậy, đề nghị Bộ GD-ĐT có chủ trương để các học sinh khuyết tật được học các ngành nghề theo nhu cầu của xã hội và có sự phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp để tạo cơ chế giúp đỡ các em sau đào tạo có công việc phù hợp với ngành nghề”, cô Nghĩa bày tỏ.
Cô Phạm Thị Thu Thanh phản ánh hiện nhiều học sinh học nghề xong không được nhận vào làm việc. Khi đến các cơ quan, tổ chức xin việc thì đều bị từ chối. Vì vậy, cô Thanh đề nghị cần có chính sách để sau khi học sinh khuyết tật học nghề xong thì có cơ quan tiếp nhận làm việc.
Đáng lưu ý, cô Thanh cũng cho biết, hiện những người khiếm thị không làm được thẻ ATM do quy định của ngân hàng không cho phép. “Người khuyết tật cũng muốn sống tự lập, cần có thẻ tiết kiệm và cất giữ tiền trang trải cho cuộc sống. Vì vậy, tôi mong muốn họ được hỗ trợ để có thể giống như người bình thường”, cô Thanh nói.
Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết đã ghi nhận những kiến nghị của các thầy cô giáo và sẽ quan tâm khắc phục trong thời gian tới. “Giáo dục đặc biệt đòi hỏi sự kiên trì, hy sinh của các thầy cô. Đối tượng của giáo dục đặc biệt là những trẻ gặp khó khăn, vì vậy sự hy sinh của các thầy cô là rất lớn”, ông Phúc nói.
Nhiều nỗ lực từ tình yêu với học sinh
Chiều cùng ngày, 48 giáo viên tiêu biểu đã được Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tiếp đón tại Phủ Chủ tịch.
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Phó chủ tịch nước ghi nhận, trân trọng tình thương yêu, tâm huyết của các thầy cô giáo với trẻ khuyết tật trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” và trên khắp cả nước. "Cần phải nói rằng, dạy một đứa trẻ bình thường đã khó, dạy trẻ đặc biệt càng khó hơn. Hơn nữa, còn phải dạy làm người, dạy nghề cho những trẻ em có sự khiếm khuyết, điều này cần rất nhiều sự nỗ lực và tình yêu với học sinh. Chính nhờ các thầy cô giáo đã giúp cho nhiều người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng, khiến cho xã hội ta văn minh hơn, nhân văn hơn. Rất cảm ơn các thầy cô giáo đã cùng với ngành giáo dục để giảng dạy, chăm lo cho trẻ em", Phó chủ tịch nước nói.
Phó chủ tịch nước mong rằng, các thầy cô giáo tiếp tục bám trường, bám lớp, tiếp tục gần gũi, chia sẻ để các em phục hồi chức năng, có kỹ năng để hòa nhập với cộng đồng.
Xã hội càng trân trọng người thầy
Hằng ngày, các giáo viên kiên trì, chịu khó, tận tụy dạy dỗ từng em với những nghiệp vụ chuyên biệt, những áp lực trong công việc này không hề nhỏ. Bên cạnh đó, các thầy cô còn chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, những sinh hoạt khác nhau của mỗi em với tình yêu thương to lớn của những người cha, người mẹ. Khó có ngôn từ để diễn tả hết sự tận tâm, vất vả và tình yêu của họ. Công việc dạy trẻ có hoàn cảnh đặc biệt thật sự mang nhiều ý nghĩa cao đẹp. Chính các thầy cô giáo đã xoa dịu những thiệt thòi và đem lại cơ hội hòa nhập với cộng đồng cho các học trò kém may mắn.
Suốt 4 năm qua, Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” luôn sáng bừng vì tình cảm thầy trò tròn đầy, nghị lực phi thường và sự tận tâm của các thầy cô giáo. Chính các thầy cô giáo “cắm bản”, thầy cô nơi biển đảo, thầy giáo quân hàm xanh và thầy cô dạy các học trò kém may mắn đã kể thêm những câu chuyện cao đẹp về nghề giáo. Nhờ họ, xã hội càng trân trọng người thầy và tiếp nối truyền thống tôn sự trọng đạo tốt đẹp.
Nguyễn Đình Tâm
 
Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.