Moscow ở phía trước mũi tàu: Trên quê hương Thành Cát Tư Hãn

Đỗ Hùng
Đỗ Hùng
10/06/2018 09:06 GMT+7

Hôm tôi đến, Ulan Bator chào đón bằng ánh nắng dịu dàng. Ngày hôm sau, khi tôi vừa chui ra khỏi chăn đã phải rụt lại: bên ngoài đang 5 độ C. Miền thảo nguyên này thật khó lường.

Buổi sáng đầu tiên ở Ulan Bator, bà chủ nhà chuẩn bị cho tôi cháo yến mạch ăn với nho khô và thức uống là suutei tsai. Đây mới chính là món trà sữa mặn của người Mông Cổ, khác hẳn loại đóng gói hòa tan mà tôi có dịp thử trên chuyến tàu đêm đi từ Zamin Uud.
“Anh có mấy ngày ở đây? Nếu sắp xếp được thời gian, anh nên đi công viên quốc gia Gorkhi-Terelj”, bà gợi ý. Bà chỉ tượng Thành Cát Tư Hãn cưỡi ngựa trên một tài liệu quảng bá du lịch: “Đây là bức tượng to nhất thế giới. Anh có thể leo lên vai ông ấy, đi dọc cánh tay ông ấy”. Rất hấp dẫn, nhưng tôi nghĩ, trước hết, phải đi thăm Ulan Bator.
VIDEO: Ulaanbaatar - Thủ đô Mông Cổ lạnh giá
Khởi nguyên, dân du mục không chọn cho mình một nơi cố định nào để làm thủ đô. Họ cứ di chuyển hết nơi này đến nơi kia, thế rồi về sau, việc cứ “bê” thủ đô đi loanh quanh đâu đó trên thảo nguyên không còn phù hợp nữa khi mà thủ đô phải khoác lên nhiều vai trò, nhiệm vụ mới. Thế là người ta cố định lại một chỗ, là Ulan Bator bây giờ. Ulan Bator ban đầu cũng không phải là Ulan Bator. Tên Ulan Bator mang nghĩa “Anh hùng Đỏ” chỉ được chính thức sử dụng kể từ khi Mông Cổ chịu sự ảnh hưởng của Liên Xô và Quốc tế Cộng sản.
Vòng quay lịch sử quả thật là éo le. Vài thế kỷ trước, Thiết Mộc Chân trỗi lên từ một thủ lĩnh bộ tộc đã thống nhất tất cả các tộc du mục vùng sa mạc và thảo nguyên. Từ đó, ông ta và những người kế thừa của mình đưa quân chinh phạt một dải từ châu Á tới tận Đông Âu. Chinh phục tới đâu, ông lập nên các hãn quốc tới đó. Cơ mà ông này có lẽ quản trị không tốt, thành ra sau khi ông vừa rút đi, các hãn quốc bắt đầu một quá trình “đồng hóa ngược”, đó là người cai trị Mông Cổ vốn là thiểu số bị chính các sắc dân bản địa đồng hóa. Đến khi Thành Cát Tư Hãn và các vị kế thừa xuất chúng của ông qua đời, đế chế Mông Cổ, gồm đại hãn quốc và các hãn quốc, dần lụi tàn theo gió bụi thời gian. Sau này, đế quốc Mông Cổ hùng mạnh thuở xưa co lại về vùng đất “Ngoại Mông” với chỉ chưa đầy 3,5 triệu người của ngày hôm nay.
Moscow ở phía trước mũi tàu: Trên quê hương Thành Cát Tư Hãn1
Khu nhà lều ở ngoại ô Ulan Bator Ảnh: Đỗ Hùng
Không chỉ co lại, họ còn bị đô hộ hoặc chịu ảnh hưởng của nước ngoài. Sau thời nhà Thanh cai trị đến thời Trung Hoa dân quốc gây ảnh hưởng, tiếp đó Bạch Vệ Nga cũng tấn công vào đầu thế kỷ 20, người Mông Cổ do Sukhbaatar lãnh đạo, tận dụng sự hỗ trợ của Liên Xô, đứng lên giành độc lập và đi theo con đường xã hội chủ nghĩa. Từ đấy, họ chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Liên Xô, từ đường sắt khổ rộng 1.520 mm đến chữ viết. Chữ viết Mông Cổ vốn là chữ viết kiểu sâu róm mà tôi đã có dịp gặp khi ở Nội Mông, nhưng kể từ năm 1946 đã chuyển qua hệ chữ Cyrillic (kiểu Nga). Gần 30 năm trước, khi Liên Xô tan rã, Mông Cổ bắt đầu trở lại với kiểu chữ truyền thống nhưng hầu như không thể được. Chữ viết phổ biến nhất hiện nay của họ vẫn là kiểu chữ Cyrillic. Chữ viết truyền thống Mông Cổ hiện sử dụng nhiều ở vùng Nội Mông bên Trung Quốc. Tên thủ đô Ulan Bator cũng là cách phiên âm cũ, chính thức hiện nay thì phải là Ulaanbataar.
Buổi trưa, tôi ra quảng trường trung tâm chơi. Bà chủ nhà Narantuyaa thấy thế dặn: “Anh nhớ cẩn thận kẻo bị móc túi nhé”. Tôi ngạc nhiên: “Ồ, có chuyện đó à”. Bà giải thích thực ra cũng không phổ biến đâu, để ý một chút sẽ ổn.
Quảng trường mang tên lãnh tụ Sukhbaatar, đến nay vẫn còn tượng ông cưỡi ngựa rất oai phong ngay vị trí trung tâm. Có một quãng thời gian dài, ông được an táng trong lăng tại chính quảng trường này. Đến thời “hậu Liên Xô”, ông được hỏa táng theo nghi lễ đạo Phật, còn chỗ từng là lăng của ông thì người ta xây lên tượng Thành Cát Tư Hãn rất to, màu đen, ngồi tại vị trí có thể ngắm một phần Ulan Bator ở thung lũng trước mặt. Bên phải và bên trái ông là tượng Oa Khoát Đài và Hốt Tất Liệt.
Oa Khoát Đài là vị đại hãn kế thừa nổi bật nhất sự nghiệp bành trướng của Thành Cát Tư Hãn; còn Hốt Tất Liệt được nhớ tới trong vai trò là người lập nên nhà Nguyên. Quay lại với những biểu tượng thời đại hãn quốc Mông Cổ cho thấy một sự trở về dân tộc tính, cũng là sự tưởng nhớ quá khứ đã mất không gì cứu vãn được.
Trên quảng trường Sukhbaatar, tôi bắt gặp những đứa trẻ Mông Cổ cưỡi lạc đà điện, ngựa điện chạy tung tăng. Chúng là con cháu của Thiết Mộc Chân đấy, có điều tương lai của chúng chắc chắn không phải là cưỡi ngựa tung hoành thảo nguyên. Tương lai của chúng được định theo một số hướng cơ bản: học hành đỗ đạt - ở Mông Cổ hoặc du học (chủ yếu là Trung Quốc) - và lập nghiệp tại những đô thị như Ulan Bator. Lũ trẻ con này chắc không cần biết tượng ba ông to đùng trên kia, hoặc tượng lãnh tụ Sukhbaatar cưỡi ngựa giữa quảng trường này là ai. Chúng chỉ biết khi mệt thì đòi ba mẹ mua kem hoặc những xâu thịt nướng thơm lừng, được nướng ngay giữa quảng trường. Thịt ở đây chủ yếu là dê, gà, bò, cừu. Ngựa là bạn, là kẻ đồng hành của dân du mục nên hiếm khi người ta giết thịt.
Buổi chiều, với sự sắp xếp của bà chủ nhà, tôi đi thăm vùng ngoại ô, nơi dân du mục vẫn sống trong lều. Hôm đi tàu từ Zamin Uud lên, tôi đã ngạc nhiên với hình ảnh này: những túp lều màu trắng nằm sát những tòa nhà kiên cố đang mọc lên ngày một nhiều trong cơn lốc đô thị hóa của Ulan Bator. Đây vốn là vùng đất cắm trại của dân du mục, sát các triền núi trọc, thế rồi sự phình to của đô thị Ulan Bator trong khoảng 20 năm qua đã xóa nhòa ranh giới giữa lều trại và nhà bê tông. Chúng đan xen, “cài răng lược” vào nhau. “Người ta thường hình dung cuộc sống ung dung tự tại của dân du mục thảo nguyên. Nhưng ở đây, dân sống trong lều đối diện với đủ thứ vấn đề, đặc biệt là nước sinh hoạt và tình trạng ô nhiễm”, bà chủ nhà Narantuyaa nói.
Buổi tối hôm sau, Ulan Bator lạnh 5 độ C, tôi ra ga để đón tàu đi Sukhbaatar, thành phố mang tên vị lãnh tụ năm xưa. Thành phố này ở sát biên giới với Nga, nơi đây có nhà ga xe lửa cuối cùng trên đất Mông Cổ trước khi vào Nga. Bà chủ nhà Narantuyaa xuống bắt taxi cho tôi, giá 5.000 tugrik, tương đương gần 50.000 đồng cho quãng đường 3 km.
Tàu Ulan Bator - Sukhbaatar chạy xuyên đêm giữa miền thảo nguyên và núi đồi. Ở miền này có nhiều rừng thông, suối và hồ, không khô cằn như sa mạc Gobi ở miền nam. Thời tiết lạnh giá miền cao nguyên cũng giải thích vì sao tàu nội địa Mông Cổ không trang bị máy điều hòa mà hôm trước tôi thắc mắc. Sau khi uống trà nóng và ngắm miền bắc Mông Cổ chìm dần vào bóng đêm, tôi ngủ một giấc cho tới khi được cô phục vụ đánh thức dậy. Tàu tới ga Sukhbaatar lúc 4 giờ 5 phút khi bên ngoài đã sáng rõ. Tôi xuống ga, hỏi đường ra cửa khẩu thì mấy anh chạy xe dịch vụ ở đó kêu 800 ruble, tôi nhẩm tính đâu tầm 300.000 đồng VN. Lúc đầu tôi tưởng anh ta chỉ chở tôi qua cửa khẩu trên đoạn đường tầm 25 km, không ngờ sau khi làm thủ tục, anh ta chở tôi cùng 2 người phụ nữ Mông Cổ lớn tuổi tới tận thành phố Ulan-Ude, thủ phủ Cộng hòa Buryatia thuộc Nga, trên chiếc xe 5 chỗ. Quãng đường dài 260 km, tính ra giá 300.000 đồng là rất rẻ, không biết anh ta kiếm lời được bao nhiêu từ cuốc xe này.
Sau những ngày của sa mạc, núi đồi và thảo nguyên, tôi đã đặt chân tới được nước Nga. Từ đây, hành trình xuyên Siberia, xuyên qua những cánh rừng taiga mênh mông bất tận đang vào mùa đâm chồi nảy lộc sẽ bắt đầu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.