‘Một bộ phận EU có lập trường riêng với Nga’

07/01/2015 16:29 GMT+7

(TNO) Lời kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga của Tổng thống Pháp cho thấy một bộ phận EU hiện đã có lập trường riêng, và năm 2015 có thể chứng kiến sự giảm căng thẳng trong mối quan hệ Nga – EU.

(TNO) Lời kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga của Tổng thống Pháp cho thấy một bộ phận EU hiện đã có lập trường riêng, và năm 2015 có thể chứng kiến sự giảm căng thẳng trong mối quan hệ Nga - EU, theo Itar-Tass.

‘Một bộ phận EU đã có lập trường riêng đối với Nga’ 1Cờ Liên minh châu Âu - Ảnh: Reuters
Rạng sáng nay 7.1, giới quan sát chính trị vừa đưa ra các đánh giá về tình hình châu Âu sau lời kêu gọi Liên minh châu Âu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga của Tổng thống Pháp Francois Hollande hôm 5.1.
Itar-Tass dẫn lời Aleksei Pushkov, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga) cho hay lời kêu gọi vừa qua của Tổng thống Pháp là bằng chứng rõ nhất cho thấy đã có một bộ phận các nước trong cộng đồng chung thật sự có tiếng nói của riêng mình trong vấn đề trừng phạt Nga.
“Lời kêu gọi của Tổng thống Pháp có thể đồng nghĩa với việc một số nước EU bắt đầu đứng trên lập trường riêng của mình về vấn đề khủng hoảng và viễn cảnh tương lai ở Ukraine”, ông Pushkov nói.
Trong năm 2014, lập trường cứng rắn với Nga chiếm đa số trong nội bộ Liên minh châu Âu. Điều này có thể giải thích được thông qua việc Thủ tướng Đức Angela Merkel thay đổi thái độ từ ôn hoà sang cứng rắn trong vấn đề khủng hoảng Ukraine.
Song, với tiếng nói dẫn đầu của ông Hollande, viễn cảnh căng thẳng giữa EU và Nga trong năm 2015 có thể thay đổi. “Lời khẳng định và kêu gọi của ông Hollande minh chứng cho việc nhiều nước EU đã có thái độ ôn hoà hơn đối với Nga và thái độ này đã dần bắt đầu chiếm ưu thế”, ông Pushkov cho biết.
Theo ông Pushkov, Pháp là nước tiên phong trong việc tìm kiếm con đường xuống thang căng thẳng giữa EU và Nga.
‘Một bộ phận EU đã có lập trường riêng đối với Nga’ 2Tổng thống Pháp Francois Hollande - Ảnh: Reuters
Tổng thống Pháp Francois Hollande hôm 5.1 lên tiếng kêu gọi các nước phương Tây dừng việc đe dọa Nga bằng lệnh trừng phạt, nếu vẫn đang có tiến triển trong tiến trình hoà bình ở Ukraine, theo tờ New York Times. Ông Hollande nói thêm cuộc khủng hoảng ở nước Nga thực tế không đem lại lợi ích nào cho Liên minh châu Âu (EU).
"Tôi không đồng tình với chính sách làm cho mọi việc xấu đi để đạt được mục đích. Tôi nghĩ phải ngừng các lệnh trừng phạt ngay bây giờ", tờ New York Times dẫn lời Tổng thống Pháp nói trên đài phát thanh France Inter vào hôm qua 5.1.
Cũng theo ông Hollande, quan điểm của Moscow đang bị hiểu lầm. "Ông Putin không hề muốn thôn tính miền đông Ukraine, tôi chắc chắn điều đó, chính ông ấy nói với tôi như vậy", Tổng thống Pháp cho biết thêm.
"Những gì ông ấy muốn chỉ là duy trì sức ảnh hưởng của Nga và Ukraine sẽ không gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ý tưởng của Putin là không để một quân đội nào hiện diện sát biên giới nước Nga", ông Hollande nói thêm.
Theo hãng tin RT, có thể thấy Châu Âu đang cảm nhận rõ lệnh trừng phạt nhằm vào Nga tác động tới chính họ như thế nào. Mỹ không giao dịch thương mại nhiều với Nga như Châu Âu nên tác động của lệnh cấm vận với Mỹ không lớn. Trong khi đó, EU lại phụ thuộc khá nhiều vào thương mại với Nga.
‘Một bộ phận EU đã có lập trường riêng đối với Nga’ 3Các nước châu Âu chịu tác động từ lệnh trả đũa của Nga - Ảnh: Reuters
Việc Nga áp đặt các biện pháp trả đũa cấm vận về thương mại thực phẩm với nhiều nước Châu Âu đã khiến nông dân các nước này lao đao. Hiệp hội nông nghiệp lớn nhất của Pháp, Liên minh các nhà điều hành nông nghiệp quốc gia từng cho biết, lệnh cấm của Nga có thể đẩy Châu Âu vào một cuộc khủng hoảng thị trường. Trên thực tế, trước khi áp lệnh trừng phạt, Hà Lan, Đức, Ba Lan là những nhà cung cấp thực phẩm lớn nhất Châu Âu vào Nga, theo RT.
Vấn đề 2 tàu sân bay Mistral mà Nga đã đặt hàng Pháp cũng gây khó khăn cho quốc gia EU này. Việc không bàn giao, hoặc bàn giao chậm tàu cho Nga, sẽ khiến nước Pháp tốn hàng tỉ USD để bồi thường. Điều này dĩ nhiên không có lợi gì cho Pháp.
Quan hệ giữa Nga và EU đã xuống ở mức thấp nhất kể từ sau chiến tranh lạnh. Các lệnh trừng phạt được đưa ra không những gây thiệt hại cho Nga, làm nền kinh tế xứ sở bạch dương chao đảo và bước vào thời kỳ khó khăn, mà còn gây tác động tới kinh tế thương mại của các nước EU. Khi nhận ra sự thật này, người ta trông chờ EU có sự thay đổi lập trường riêng và có hành động cụ thể để bảo vệ chính các nền kinh tế thành viên của mình trong năm 2015.
Tuy vậy, ông Aleksei Pushkov cho rằng còn quá sớm để nói về sự thay đổi trong chính sách của EU đối với Nga, vì không phải ngẫu nhiên mà Brussels đưa ra tuyên bố rằng lập trường của ông Hollande là trên cương vị Tổng thống Pháp chứ không phải quan điểm chính thức của EU. Ông Pushkov nói thêm rằng: “Tôi nghĩ Liên minh châu Âu sẽ chưa đưa ra chính sách về lệnh trừng phạt trong năm 2015”, theo Itar-Tass.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.