Một cuộc chơi mới của Trương Nghệ Mưu

23/12/2003 10:34 GMT+7

Có thể coi Anh hùng (*) là một phim giải trí cũng được, bởi vì trong vòng gần hai tiếng đồng hồ trước mắt chúng ta lần lượt hiện ra biết bao cảnh tượng với những đường nét và sắc màu kiều diễm, giữa kim khí và lụa là, giữa cương và nhu, giữa động và tĩnh. Cái đáng giá nhất của phim này, theo tôi ở chỗ những người làm ra nó đã thể hiện được những giá trị văn hóa truyền thống của Trung Quốc, đậm đặc màu sắc Trung Quốc không lẫn vào đâu được.

Trong lịch sủ Trung Hoa cổ đại không có ông vua nào bị nhiều người mưu sát như Thủy Hoàng Đế nước Tần. Để đi đến thống nhất được thiên hạ, thu giang san về một mối, đã có biết bao máu chảy đầu rơi dưới luỡi kiếm của ông vua tàn bạo này. Bởi vậy sử xưa đã ghi lại không biết bao nhiêu vụ mưu sát Tần Thủy Hoàng mà điển hình nhất là vụ mưu sát không thành của Kinh Kha.

Các nhà điện ảnh Trung Quốc đã không bỏ qua sự kiện này và đã khai thác triệt để trong phim Hoàng đế và tên sát nhân của đạo diễn Trần Khải Ca (với Củng Lợi trong vai người tình của Kinh Kha) rồi tiếp đến trong một bộ phim truyền hình nhiều tập với Lưu Hiểu Khánh thay chỗ của Củng Lợi. Có thể nói cả hai phim nhựa lẫn video đều thành công tưởng không có gì phải bàn thêm. Ấy vậy mà lần này Trương Nghệ Mưu lại khai thác đề tài này một lần nữa trong bộ phim mới nhất của mình: Phim Anh hùng hiện đang ra mắt khán giả VN trên màn ảnh Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Chương Tử DiThoạt đầu người xem có thể hơi khó theo dõi câu chuyện bởi những hồi tưởng, rồi hồi tưởng trong hồi tưởng chồng chéo lên nhau. Nhưng càng xem câu chuyện càng sáng tỏ dần để lộ ra những ý tưởng tác giả muốn gửi gắm tới người xem. Bức thông điệp của tác giả phim là: Vì nghĩa lớn, mang lại lợi ích cho muôn người (thiên hạ) thì sự đau khổ của mỗi con người không nghĩa lý gì. Cũng có thể có người không đồng tình với bức thông điệp này bởi đã có và còn sẽ có những tên bạo chúa nhân danh nghĩa lớn mà gây biết bao tội ác cho con người. Nhưng thôi, ta không nên đi sâu tranh luận chuyện đó làm gì, bởi vì trong phim còn có khối điều lý thú khác để ta chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn.

Trước hết là những nét đặc sắc trong văn hóa của người Trung Hoa. Xem phim võ thuật của Trung Quốc đã nhiều nhưng đến phim này tôi mới hiểu được sự tương đồng trong Thư pháp và Kiếm pháp của người Trung Hoa cổ, rằng sức mạnh của Kiếm pháp lại nằm trong Thư pháp! Như Vô danh nói với vua Tần: “Thư Pháp và Kiếm pháp có ranh giới rất mong manh. Sự kỳ diệu nằm ở khả năng lĩnh hội của con người”.

Hay như Lão già chủ Thư quán nói dưới làn tên như mưa của binh lính Tần: “Các ngươi hãy nhớ, dù mũi tên của Tần có cứng tới đâu, có thể phá thành của chúng ta, nhưng không thể làm mất đi cái tên nước Triệu. Các người phải học cho được cái nghĩa tinh túy của chữ viết nước Triệu”.

Khi vua Tần hỏi tại sao nước Triệu có được sức mạnh đó thì Vô danh liền cắt nghĩa: “Vì bọn họ có sức mạnh từ Thư pháp”. Tàn Kiếm đã có lần tâm sự với Vô danh: “Kiếm thuật và Thư pháp đều có cùng nguyên lý. Ta cùng Phi Tuyết hàng ngày luyện chữ là muốn lĩnh hội được kiếm pháp từ trong thư pháp để tăng cường công lực”.

Những cảnh Tàn Kiếm (do Lương Triều Vỹ đóng) luyện thư pháp xen lẫn với những cảnh đấu kiếm vô cùng ngoạn mục là những pha cực kỳ hấp dẫn của phim. Cảnh Phi Tuyết (do Trương Mạn Ngọc đóng) đọ sức với Như Nguyệt (do Chương Tử Di đóng) trong khu rừng phong mầu vàng rực rồi ngả sang dần mầu đỏ máu thực sự là một bữa tiệc cho con mắt thưởng ngoạn của người xem.

Tài nghệ võ thuật của các diễn viên Lý Liên Kiệt (vai Vô danh), Lương Triều Vỹ (vai Tàn Kiếm) cùng Trương Mạn Ngọc, Chương Tử Di đáng được trao huy chương vàng về môn wushu tại bất cứ cuộc tranh tài thể thao quốc tế nào. Không thể không nói đến ống kính điêu luyện của nhà quay phim Christophe Doylle (đã từng quay các phim gần đây như Tâm trạng khi yêu Người Mỹ trầm lặng).

Có thể nói Trương Nghệ Mưu cùng Doylle đã chơi một cuộc chơi màu sắc và chuyển động, và cuộc chơi này thật lắm công phu. Riêng cảnh Phi Tuyết đấu kiếm cùng Như Nguyệt trong rừng phong đạo diễn họ Trương đã bắt hàng trăm người đi nhặt những chiếc lá rụng, nhuộm vàng, rồi lại nhuộm đỏ theo yêu cầu của từng cảnh quay.

Như trên tôi đã nói, đây là một cuộc chơi của đạo diễn lừng danh họ Trương sau bao nhiêu cuộc chơi khác kể từ Cao lương đỏ cho đến Đèn lồng trên cao, Thu Cúc đi kiện, Không thiếu một em, Đường về nhà v.v... Cuộc chơi nào ông cũng để lại cho người thưởng ngoạn những ấn tượng khó quên, và không có cuộc chơi nào giống cuộc chơi nào.

(*) Khởi chiếu tại Hà Nội và TP HCM từ ngày 23/12/2003.

Đặng Nhật Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.