Một cuộc đời - Kỳ 1: Cánh chim trong xóm nhỏ (*)

18/04/2006 22:42 GMT+7

Thành phố Đà Nẵng có một con đường mới mở mang tên Trương Chí Cương. Tôi hơi bất ngờ vì giữa bộn bề tính toán, Thành ủy vẫn nhớ đến cuộc đời một con người ở xóm tôi.

Nhà tôi và nhà ông gần nhau, hằng ngày ông thường đút ống tre qua rào nhà tôi lấy nước giếng về ươm kén. Hình ảnh Trương Kiểm mặc bộ áo quần trắng đứng trước cổng nhà vào một buổi sáng mờ sương luôn in đậm trong tôi: Một thanh niên có thân hình cân đối, có cái nhìn xa xăm, nhưng không ẩn nét mơ màng, dù làng quê tôi có những buổi sớm mờ sương gợi cảm.

Đâu đây vẫn còn vang lên mồn một giọng nói ấm áp của ông: "Mày đi viết được đó, tau ưng. Bây giờ người đi làm chính trị nhiều rồi!", giữa chiến trường ác liệt Duy Xuyên cách đây gần 40 năm. Kèm theo lời khuyên là năm trăm đồng tiền Sài Gòn nhét vào túi tôi.

Trương Kiểm học không nhiều. Cơm không đủ ăn. Ngày ngày tất bật vật lộn với cuộc sống kiếm kế sinh nhai, đêm đêm khắc khoải suy tư về thân phận người dân nghèo mất nước. Lúc này anh mới tốt nghiệp tiểu học. Tiếp tục ngồi bên xa quay giúp mẹ, hay làm ông giáo dạy tư kiếm cơm đây?

Đồng chí Trương Chí Cương, tức Trương Công Thuận (1919-1975)

Sinh quán xã Xuyên Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam

Năm 1936, tham gia phong trào dân chủ

Năm 1937, được đứng vào tổ chức Đoàn Thanh niên dân chủ và hoạt động trong Hội Tương tế ái hữu

Năm 1939, bị thực dân Pháp bắt. Sau đó được ra tù

Năm 1941, gia nhập vào Đảng Cộng sản Đông Dương

Tháng 3. 1942, bị thực dân Pháp bắt và bị kết án 12 năm tù khổ sai

Tháng 3.1945, ra tù, Trương Chí Cương tiếp tục hoạt động gây cơ sở cách mạng ở Phú Yên

Tháng 8.1945, tham gia chỉ đạo khởi nghĩa giành chính quyền và được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy và là Phó chủ tịch UBND Cách mạng tỉnh Phú Yên, Ủy viên Ủy ban quân chính Nam phần Trung bộ.

Năm 1946, được cử làm Bí thư tỉnh ủy Ninh Thuận, đồng thời là ủy viên Phân ban cực Nam Trung bộ

Năm 1950, làm Bí thư Ban cán sự cực Nam, đồng thời là đại diện Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Trung bộ

Năm 1951, được bầu vào Liên khu ủy Liên khu V và phụ trách nhiều chức vụ trong Đảng: Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận, Bí thư ban cán sự miền Tây tỉnh Quảng Nam,  Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam.

Năm 1959, là Ủy viên Ủy ban Thanh tra Chính phủ

Năm 1961, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng

Năm 1975: Hy sinh

Đồng chí Trương Chí Cương đã được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh hạng ba, Huân chương kháng chiến hạng nhất, Huân chương Quyết thắng hạng nhất

Một hôm có người tình cờ hỏi ông:  "Em năm nay mấy tuổi? - Dạ mười lăm! - Em có biết kẻ nào ngồi trên đầu, trên cổ dân mình không? - Dạ thằng Tây! - Thông minh lắm! Hất nó đi!". Ba tiếng rất khẽ "hất nó đi" như gió thoảng, nhưng chàng thanh niên mới 15 tuổi vừa được khai tâm đã lập tức nhập tâm. Ông hàng xóm mở lớp dạy hè, thu gom bọn trẻ tiếp tục "khai tâm mớm ý". Ông linh cảm thấy thế nào mình cũng bị Tây bắt lại. Quả nhiên không bao lâu sau đó ông bị bắt đày đi "an trí" Buôn Ma Thuột.

Làng xóm vẫn tiếng xa quay đều đều, vẫn ngày ngày sấp ngửa với chợ Chùa. Và nhóm trẻ ở đây đã bắt đầu nhen lên ngọn lửa lòng quyết thay đổi thân phận.

Ngoài kia, con sông Bà Rén qua Bến Tẩn mát rượi những trưa hè ghi dấu những mái chèo mở vận nước. Giữa sân đình Phụng Tây sẽ dựng lên lễ đài mừng độc lập. Câu nói của người hàng xóm, bài học vỡ lòng ấy trở thành kỷ niệm sâu sắc đầu đời cách mạng của Trương Chí Cương.

Đã bắt đầu với một lý giải mới về lẽ sống đang cuốn hút người thanh niên mười lăm tuổi cùng nhóm bạn trẻ ở cái xóm nhọc nhằn dưới tre làng. Đêm đêm, đường làng lối xóm tối ngòm bóng tre đã chớm nghe thấy những bước chân nhè nhẹ, nhanh nhanh, gấp gáp tìm nhau.

Ba anh nằm trăn trở nghĩ tới con trai không biết rồi sẽ đi tới đâu. Không ngăn cấm, nhưng cũng không khuyến khích, ông hiện là lý trưởng dân bầu. Sau đó không bao lâu, thằng Tây vừa đốt bộ râu ông vừa hỏi: "Con mày làm cộng sản nổi loạn hả?". Ông biết đâu mà nói, chỉ tiếc bộ râu! Chức lý trưởng cũng trụi luôn. Ông liền ngả về phía con trai mình, nhưng gương mặt đậm nét rầu rầu, già đi trông thấy.

Trương Kiểm kết sáu anh bạn trẻ thành một nhóm tâm đầu ý hợp. Đó là năm 1934. Cái mối tình đầu tiên ấy như tơ vương để rồi dệt nên một cuộc đời, lừng lững giữa bao cuộc đời. Mỗi bước chân, anh linh cảm thấy mình đặt đúng chỗ, bước đúng hướng. Về sau khi đã thành lãnh đạo, Trương Kiểm hay dùng quạt, quạt lia quạt lịa với tư thế ngồi yên, cùng giọng nói, tiếng cười bộc lộ sức sống còn đầy năng động. Chưa thấy ông lên mặt "quạt" ai, có lẽ do trải nghiệm với những thân phận khác nhau cùng cảnh ngộ đường đời thẩm thấu!

Thế là cả xóm nhỏ nghèo bỗng có chuyện lạ. Lũ trẻ trở nên siêng năng, ham làm ham học, khỏi lo hư hỏng. Ai ngờ, chúng đã có những hội, những đoàn, nhóm tương trợ cứu tế... Còn hơn vậy, mấy cu cậu lén truyền nhau đọc sách nhà nước bảo hộ - cấm chuyện động trời! Nguồn cung cấp loại sách này là cửa hiệu "Việt Quảng" ở Tourane. Dân làng tinh lắm, nhìn sắc bọn trẻ mà đoán ra chúng muốn gì rồi. Họ im lặng đồng tình. Nhưng đâu đó ma quỷ đã đánh hơi rình mò qua các kẽ lá bờ ao, chợ búa, đám hát.

Xóm làng đã thấy tiếng vỗ cánh của bầy chim non. Trương Kiểm thành chim đầu đàn. Bầu bạn tin cậy giao anh gánh lấy cái gánh đầu tiên này, nặng nhẹ chưa kịp biết. Một cánh buồm đang gặp gió. Gió còn yếu lắm, buộc anh phải gồng mình. Xóm làng không ai bảo ai, im lặng dành cho lũ trẻ một lối đi riêng, khác hẳn lối mòn của mình. Dẫu biết rằng gươm kề tận cổ, súng kề vào tai. Vào tuổi 17, Trương Kiểm đã là trưởng đoàn học sinh. Ngày ngày anh dạy học để chia sẻ gánh nặng cơm áo với cha mẹ già yếu, bầy em nhỏ đang bám lò kén hầm hập nóng. Cái lò đắp bằng đất, miệng nhô lên há mồm đầy lửa đỏ. "Lúc đó mình quá túng, cứ phải đi đòi tiền dạy học ở những em học sinh không chịu trả!". Giọng ông đượm chút buồn buồn về thân phận thầy trò ngày ấy cùng một kiếp người dưới bùn đen.

Tố cáo Nguyễn Sĩ Túc, tên huyện trưởng nổi tiếng gian xảo đón Godard đưa đơn dân nguyện, kỷ niệm Cách mạng Pháp, Cách mạng Nga, luồng gió sức trẻ ào ào thổi. "Tây tới", ai đã đánh động cho mấy chú thợ dệt trốn biệt. Lũy tre căng đầy lặng gió. Đường làng vắng bóng người. Có thằng bé ngây dại chẳng biết gì, tò mò hé cửa nhìn sang nhà hàng xóm. "Tây đi xe máy (xe đạp) vây nhà chú Kiểm, mẹ ơi". Bà mẹ hoảng hồn thét "Mi có ngậm miệng lại không! Tao tát cho chừ!".

"Thằng Kiểm bị bắt rồi!", người lớn nói thầm với nhau, trẻ con nghe thấy biết là chuyện không nói to lên được. "Con bà Bướm cũng bị bắt!", lỗ tai nọ truyền cho lỗ tai kia với khuôn mặt khó đăm đăm. "Thằng Cảnh con bà Khánh nữa, cũng bị giải đi rồi!". Xóm làng như bị ma ám, lúc nào cũng nơm nớp. Hễ cứ nghe tiếng xe điện (ô tô) dừng nơi đầu xóm là các chú thợ dệt rùng rùng bỏ khung cửi chạy.

"Hai tay hắn bị trói, lính dẫn đi, tau chạy theo đưa ba giác bạc mà hắn không chịu cầm cho!... Thiệt khổ cho con cái". Bà mẹ Trương Kiểm thường giấu nỗi đau sau thân áo dài đen bạc màu với gương mặt sầu lo triền miên. Gương mặt người mẹ không dứt lo âu... Một năm tù giam! Vượt qua trận thử lửa đầu tiên, Trương Kiểm, tức Trương Chí Cương, được học điều lệ Đảng Cộng sản Đông Dương!

(Còn tiếp)

Đ.X

(*) Tít do Thanh Niên đặt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.