Đó là gia cảnh hiện nay của anh nông dân Phạm Ngọc Lộc, thôn An Mỹ 1 (xã Tam An, H.Phú Ninh, Quảng Nam). Vợ anh là chị Phan Thị Bảy (46 tuổi) là công nhân phân Xí nghiệp may Trường Giang (Tam Kỳ).
Anh Lộc chị Bảy và hai con - Ảnh: T.Đ.T
|
Năm 2014, đang làm việc thì ngã ốm. Kết quả khám bệnh cho biết chị mắc bệnh xơ cứng bì, có triệu chứng teo cơ và hóa vôi các bộ phận trong da và dưới da. Các bác sĩ cho đây là bệnh lạ và y học xếp vào bệnh hiểm nghèo. Chị nghỉ việc từ đó theo chế độ mất sức vĩnh viễn với đồng lương hưu 2 triệu đồng mỗi tháng, chân tay ngày cứ teo tóp dần, người chị đang từng ngày gầy rộp lại, xê dịch chỉ trong nhà cũng hết sức khó khăn. Cả gia đình anh chị, ngoài 2 sào ruộng, 4 đứa con, mà hai đứa nhỏ nhất sinh đôi chỉ mới 5 tuổi, thì chẳng còn gì, vì có chút gì nay cũng đã bán sạch để chạy chữa. Nhà ở cũng là một mái lụp xụp được người anh họ cho ở để trông coi nhà thờ từ mấy năm nay… Chúng tôi và anh bạn Lê Quốc Thịnh ở Tam Kỳ vừa đến thăm gia đình anh Lộc cuối tuần qua, mới chứng kiến hết cái nghèo, nỗi cơ cực mà anh đang chống chọi. Một mình anh Lộc phải nuôi vợ bệnh tật và các con nhỏ dại, cả những việc như đi nhặt củi, giặt đồ, nấu ăn hàng ngày anh đều phải lo. Chỉ có 2 sào ruộng lúa lo cho cái ăn cơ bản, còn thì ở không quanh năm. Anh bảo, ai kêu chi làm nấy, từ gánh đất, chặt tre, phụ hồ quanh xóm vì khó mà đi xa vợ con… miễn là kiếm được “đồng nào hay đồng nấy” cho vợ con. Đa số bà con ở Tam An đều là dân nông, tuy thương anh chị và các cháu, nhưng họ cũng đồng cảnh nghèo, nên chỉ thấy gia cảnh anh mà rơi nước mắt, chẳng thể giúp được gì…
Vừa qua công đoàn Xí nghiệp may của chị Bảy đến thăm, đã hỗ 5 triệu đồng. Anh lại đưa chị vào TP.HCM khám và chữa bệnh, lại tốn hết hơn 20 triệu. Nợ nần nay đang chồng chất lên vai anh. Anh bảo có người mách là hiện ở miền Bắc có lương y chữa được bệnh này bằng phương pháp cổ truyền, nên cũng muốn đi vì còn nước còn tát, nhưng không biết vay mượn ở đâu… Tôi làm báo mấy chục năm, lăn lộn khắp miền Trung, chứng kiến không ít những nghịch cảnh của người dân quê. Nhưng nhìn thấy cảnh ngộ này của vợ chồng anh Lộc, chị Bảy và trông lên khuôn mặt hồn nhiên của những đứa trẻ chưa hiểu hết nỗi khổ của cha mẹ trong ngôi nhà này, lòng cũng chùng xuống và chợt thấy cay cay khóe mắt. Viết những dòng này, chỉ mong làm một cầu nối cùng bạn đọc, để mong cứu giúp một gia đình đang chống chọi với tai ương…
Bình luận (0)