Một ngày đầy kịch tính

21/08/2015 05:12 GMT+7

Hôm qua là một ngày căng thẳng với rất nhiều kịch tính đè nặng phụ huynh và thí sinh.

Hôm qua là một ngày căng thẳng với rất nhiều kịch tính đè nặng phụ huynh và thí sinh.

Tâm trạng hồi hộp, lo âu, căng thẳng, vui mừng của thí sinh và phụ huynh trong ngày xét tuyển cuối cùng đợt 1 - Ảnh: Đào Ngọc ThạchTâm trạng hồi hộp, lo âu, căng thẳng, vui mừng của thí sinh và phụ huynh trong ngày xét tuyển
 cuối cùng đợt 1 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Ba cha con của Nguyễn Hà Gia Thịnh (Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển, Cà Mau) đã khăn gói lên TP.HCM ngay từ những ngày đầu xét tuyển. Ngày nào cha, anh và Thịnh cũng đến trường, ngồi trước phòng đào tạo vì không yên tâm.
Mặc dù Thịnh có điểm thi lên đến 28 điểm, nộp vào ngành bác sĩ đa khoa. Thịnh kể những ngày vừa qua, ba cha con quen hết từ bảo vệ đến nhân viên giữ xe, nhân viên nhận hồ sơ, nhân viên phòng đào tạo. Ba cha con Thịnh là những người cuối cùng rời khỏi trường trong ngày hôm qua.
“Tiến thoái lưỡng nan”
Khoảng 4 giờ chiều, Lâm Mỹ Linh lâm vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Linh được 27,25 điểm, nộp vào ngành bác sĩ răng - hàm - mặt, điểm môn sinh học đến 9,5 điểm, nhưng xét theo chỉ tiêu, chỉ còn 5 TS ở mức điểm này. Linh phải đưa ra một quyết định: tiếp tục chờ đợi hay rút hồ sơ qua nộp ở Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Linh gọi điện tham khảo gia đình, nhờ cả phòng đào tạo tư vấn và tiếp tục chờ!
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Khôi, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết không ngờ năm nay điểm thi của TS lại biến động đến như vậy. Nhiều TS không có khả năng trúng tuyển, trường phải gọi điện đến từng người khuyên nên đăng ký thêm ngành học khác.
Tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ngày 20.8 chỉ có khoảng 90 TS nộp hồ sơ nhưng còn rất nhiều phụ huynh, TS ngồi trước cửa phòng đào tạo để chờ cập nhật điểm chuẩn. Tình hình điểm chuẩn dự kiến biến động. Ngành y đa khoa chỉ cần thêm 5 - 6 TS nộp vào là điểm chuẩn có thể tăng lên 24,5 điểm!
Ông Nguyễn Văn Hoàng, phụ huynh của TS đăng ký vào Trường ĐH Hà Nội cho biết: “Cả gia đình tôi mất ăn mất ngủ hàng chục ngày nay”. Nguyện vọng của con ông là vào Học viện Bưu chính viễn thông và với mức 22,5 điểm, nếu như năm trước thì “thừa sức” nhưng sau 10 ngày nộp hồ sơ vào học viện đã bị bật ra khỏi ngưỡng an toàn và đành phải nộp hồ sơ vào Khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Hà Nội. Cả ngày hôm nay, ông chầu chực ở hội trường của Trường ĐH Hà Nội “một bước không đi, một li không rời” để theo dõi mức biến động xét tuyển mà ngành con trai ông chọn vào trường.
“Sợ nhất là nhìn gương mặt con khi biết dự kiến điểm chuẩn”
Hội trường Trường ĐH Thương mại có rất nhiều TS và phụ huynh mặt mũi căng thẳng, bồn chồn đi tới đi lui. Một người đàn ông mắt đỏ hoe thuyết phục ai đó qua điện thoại: “Con không cần phải tiếc, không cần phải níu kéo nữa! Con sang đây ngay để còn kịp nộp hồ sơ rồi ra sao thì ra. Nếu trượt sang năm bố cho con thi lại. Con muốn thi lại bao nhiêu lần bố cũng chiều!”.
Theo nhiều phụ huynh, những cảm giác mà họ trải qua trong suốt ngày 20.8 rất đặc biệt theo nghĩa tiêu cực. “Tôi sợ nhất là khi trông thấy vẻ mặt con mình lúc cháu nhìn lên bảng dự kiến điểm chuẩn từng ngành trong hội trường Học viện Ngân hàng. Dù cháu vẫn ở lại danh sách trong chỉ tiêu nhưng vị trí của cháu ngày càng lùi sát với điểm chuẩn, tưởng như chỉ ngay sau đó là sẽ “rơi”! Tôi biết con mình đang tuyệt vọng, muốn chịu đựng thay con mà không biết phải làm thế nào”, anh Nguyễn Văn Phan quê ở Cẩm Phả, Quảng Ninh tâm sự. Trưa 20.8, mức điểm của con anh vừa ngang điểm dự kiến. Vì thế anh buộc phải rút hồ sơ vào đầu giờ chiều để khi trường cập nhật dữ liệu đợt tiếp theo, nếu vị trí “rơi” ra ngoài chỉ tiêu thì “phi” ngay sang Trường ĐH Thủy lợi ở bên cạnh để nộp hồ sơ.
Chỉ biết có 3 chữ “nộp hồ sơ”
Cao Thị Bích Ph. ở Ý Yên, Nam Định, có điểm xét tuyển khối A là 22,5. Vì rất “kết” ngành kinh tế nông nghiệp của Trường ĐH Kinh tế quốc dân nên ngay từ đầu Ph. đã nộp hồ sơ vào ngành này. Sáng 20.8, điểm nhích lên một chút. Nhưng lúc 15 giờ 30, điểm dự kiến ngành kinh tế nông nghiệp bất ngờ nhảy vọt lên mức 22 thì Ph. bỗng hốt hoảng vội rút hồ sơ rồi lao ra ngoài với hy vọng kịp sang Trường ĐH Thương mại (cách Trường ĐH Kinh tế quốc dân khoảng 15 km) nộp hồ sơ trước thời điểm các trường đóng sổ nhận hồ sơ xét tuyển cho cả đợt 1. Do rối bời nên thay vì ra phía cổng chính, Ph. và anh trai chạy lạc vào một lối đi vắng vẻ nên chạy mãi mà không gặp bóng một xe ôm nào.
Tình cờ bắt gặp Ph. trong tâm thế đầy tuyệt vọng, phóng viên Thanh Niên đã quay ngược xe máy lại để chở Ph. xuyên thành phố giờ cao điểm sang Trường Thương mại, kịp nộp hồ sơ khi chỉ còn 30 phút nữa là hết giờ. Ph. tâm sự: “Lúc đó em không cần biết người đang giúp mình là ai, liệu việc mình leo lên xe họ ngồi có an toàn không bởi trong đầu em chỉ rối bời 3 chữ “nộp hồ sơ”, Ph. nói.
Thí sinh còn nhiều cơ hội
Chia sẻ với Thanh Niên sau khi kết thúc đợt xét tuyển đầu tiên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khuyên TS nên bình tĩnh cho dù có thể kết quả xét tuyển không như mong muốn. “Dù đã kết thúc đợt 1 xét tuyển vào ĐH, CĐ nhưng vẫn còn 3 đợt tuyển sinh bổ sung. Vì thế dẫu không trúng tuyển đợt này các em vẫn còn nhiều cơ hội. Theo thống kê sơ bộ, đến thời điểm này cả nước có 108 trường ĐH có khả năng tuyển được đủ (hoặc suýt soát) chỉ tiêu ngay trong đợt 1. Còn khoảng 120 trường ĐH nữa vẫn chưa đủ chỉ tiêu, thậm chí một trường còn thiếu khá nhiều. Ngoài ra, trong số 200 trường CĐ thì chỉ vài chục trường có thể tuyển đủ, còn lại là trông chờ vào các đợt tuyển sinh bổ sung”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.