Một ngày thi tương đối "dễ thở"

10/07/2008 01:23 GMT+7

Đề môn Văn (khối C): Phân hóa rõ trình độ TS Cấu trúc đề về hình thức không khác mọi năm, nhưng chất lượng cao hơn. Câu 1 (phần chung) khá đơn giản. Bất cứ thí sinh nào chịu học đều có thể đạt điểm tối đa là 2.

Âu cũng là một sự an ủi cần thiết, để khỏi rơi vào tình trạng điểm liệt. Độ khó của đề cũng như sự đổi mới đáng trân trọng của việc ra đề nằm ở 2 câu sau. Câu 2, mức điểm cao nhất là 5. Không như kiểu đề cũ kỹ, nhàm chán của mọi năm (phân tích, bình giảng một đoạn thơ - rất dễ "trúng tủ" vì văn mẫu đã dọn cỗ sẵn), đề năm nay không dễ làm. Nếu không có sự cảm thụ tinh tế; năng lực nhận xét, so sánh, phân tích sắc sảo thì không thể làm rõ được sự đồng điệu cũng như sự khác biệt của những xúc động chân thành, thẳm sâu và tài hoa trong cùng một nỗi nhớ cao quý về cùng một vùng đất nghĩa tình, đẫm mồ hôi và máu của nhân dân, chiến sĩ trong 2 đoạn thơ rất hay của Quang Dũng và Chế Lan Viên.

Cả hai câu trong phần tự chọn đều dễ gây hứng thú cho những ai "lều chõng đi thi" có ít nhiều năng khiếu về Văn. Cách hỏi này không chỉ thuộc bài là làm được. Viết sao cho thuyết phục về vẻ đẹp của viên quản ngục (Chữ người tử tù) như "một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ" cũng như của bà Hiền (Một người Hà Nội) là "hạt bụi vàng của Hà Nội", để đạt đủ 3 điểm, xem ra cũng khá nhọc nhằn. Kết quả thi Văn năm nay chắc chắn sẽ phân hóa rất rõ.

PGS-TS Trần Hữu Tá
Phó chủ tịch Hội Nghiên cứu giảng dạy văn học TP.HCM

Thí sinh và người nhà tranh thủ nghỉ giải lao trước giờ thi chiều 9.7
- Ảnh: Khả Hòa

Đề Văn (khối D): Sát chương trình, sát trình độ

Không có gì bất ngờ, đề thi Văn như thế là sát chương trình, sát trình độ, bất kỳ học sinh trung bình nào cũng có thể làm được bài để có thể đạt điểm trung bình. Câu 1, tuy phần kiến thức này được học ở lớp 11, nhưng Nam Cao là một trong 5 tác gia thuộc phần chương trình đã được quy định, nên với học sinh đã chọn thi ban D thì cũng không có gì ngỡ ngàng. Câu 2, việc chọn một phần trong quá trình phát triển tính cách của nhân vật Mị (câu 2) là một sự lựa chọn hay, đòi hỏi sự hiểu biết và cảm thụ tốt, có thể gây bất ngờ cho một số thí sinh nhưng lại có tác dụng loại trừ xu hướng học vẹt, học tủ... Với câu 3, cả hai câu hỏi để lựa chọn đều thuộc chương trình lớp 11. Những học sinh trung bình có thể hiểu được và nói qua về nội dung hai khổ thơ nhưng chỉ những học sinh khá trở lên mới cảm thụ được cái hay, cái đẹp. Vấn đề còn lại là kỹ năng phân tích và kỹ năng diễn đạt. Đây chính là điểm để người chấm thi phân biệt được sự khác biệt về trình độ của các thí sinh, tạo điều kiện cho việc tuyển chọn được chính xác.

Lương Duy Cán
Giảng viên Trung tâm BDVH - LTĐH Sài Gòn Tri Thức

Đề Sinh học (Mã đề 980): Đúng cấu trúc đã công bố

Nội dung các câu hỏi phân bố đều các phần của chương trình, không có câu hỏi nào ra ngoài chương trình. Trong 43 câu phần chung đã giải quyết được khá tốt độ chênh về nội dung kiến thức giữa 2 bộ sách giáo khoa phân ban và không phân ban. Trong 7 câu phần riêng: phần sinh thái dễ, phần bài tập di truyền tương đối khó. Học sinh không ôn luyện cẩn thận có thể không suy luận được hoặc tính sai kết quả các câu bài tập.

Nhìn chung học sinh chọn Phần II chương trình phân ban có thuận lợi hơn một chút so với học sinh chọn Phần I chương trình không phân ban. Hình thức các câu hỏi được biên soạn cẩn thận, tránh được sự hiểu lầm ở học sinh.

Một số câu hỏi hay và có độ phân hóa cao trong mã đề 980 như:

Câu 31: Đề cho gen gây bệnh là gen lặn nhưng sơ đồ phả hệ lại thể hiện giống như bệnh do gen trội quy định nên học sinh dễ lúng túng. Nếu học sinh biết nhận xét thì câu này có thể giải rất nhanh Vì I1 và II5 có cùng kiểu hình nên loại được các đáp án A và D, vì bệnh do gen lặn quy định nên loại được đáp án B. Vậy đáp án đúng còn lại là C.

Câu 46: Gọi mạch đã cho là mạch 1 thì tỷ lệ A+G/ T+X ở mạch 2 là nghịch đảo tỷ lệ ở mạch 1 nên = 2/1 = 2,0.

Câu 15: Cho các cá thể kiểu gen aa không tham gia sinh sản nên phải tính lại thành phần kiểu gen của quần thể. Khi đó có thể xem như cấu trúc di truyền của quần thể tự phối này là 0,6 AA: 0,4 Aa, suy ra tỷ lệ lý thuyết của F1 sẽ là: 0,7 AA: 0,2Aa: 0,1aa.

Nhìn chung so với đề thi năm 2007, đề năm nay đã tăng độ khó khoảng 10 - 15% và có tính phân hóa cao hơn. Học sinh giỏi cũng phải làm bài thật cẩn thận mới có thể đạt điểm 10 và không dư thời gian nhiều. Học sinh trung bình khá phải dừng lại lâu tính toán ở các câu bài tập nên có thể hơi thiếu thời gian. Dự kiến số điểm 10 sẽ ít hơn năm trước.

Trần Ngọc Danh
Tổ trưởng Tổ Sinh học, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM

Đề Toán (khối B): Độ khó hợp lý

Đề thi Toán khối B năm nay được cấu trúc quen thuộc như các năm gần đây: 70% thuộc kiến thức lớp 12, 30% còn lại thuộc kiến thức các năm trước (lớp 10 và 11). Cụ thể: Câu I (phần 1) là bài toán cơ bản phần lớn thí sinh giải được; (phần 2) là bài toán quen thuộc nhưng để giải tốt (đầy đủ) thì phải là các thí sinh có trình độ khá, giỏi. Câu II (phần 1) không khó mấy vì nếu với học sinh có căn bản thì chỉ việc ghép các số hạng hợp lý là phát hiện ra cách giải; (phần 2) là bài toán hệ phương trình đòi hỏi phải có khả năng biến đổi, nhận biết đủ tinh tế mới có thể giải được. Câu III: Đây là câu hỏi không khó, các thí sinh có trình độ trung bình khá là hoàn thành được rồi. Câu IV (phần 1): Để làm được thì trước hết các thí sinh phải có kiến thức cơ bản về biến đổi lượng giác và chắc đây là trở ngại không nhỏ; (phần 2): dạng toán này không lạ lẫm với các học sinh học kỹ các bài toán về bất đẳng thức; nhưng vì là nội dung được học ở năm lớp 10 nên số đông thí sinh sẽ lúng túng. Câu Va (phần 1): đây chỉ là câu kiểm tra công thức; (phần 2): để giải được bài toán này thí sinh cần có khả năng phân tích các tính chất hình học trong tam giác. Câu hỏi này theo tôi nghĩ sẽ có số thí sinh làm được không nhiều lắm. Câu Vb (phần 1): nội dung là cơ bản, nhưng chỉ các thí sinh nắm vững kiến thức về lôgarit mới hoàn thiện được lời giải; (phần 2): câu hỏi thuộc dạng quen thuộc. Nhìn chung đề thi có độ khó hợp lý, do đó sẽ phân loại tốt trình độ thí sinh, giúp việc tuyển chọn các thí sinh được thuận lợi.

TS Nguyễn Cam
Giám đốc TT Công nghệ dạy học, Viện Nghiên cứu GD, ĐH Sư phạm TP.HCM

Đề Toán (khối D): Sẽ không có nhiều điểm 9, 10

Nhìn chung đề khối D năm nay khó hơn năm ngoái, đòi hỏi học sinh nắm vững kiến thức cơ bản, không học tủ hay học vẹt được! Đề gồm 10 câu, mỗi câu 1 điểm. Năm nay đề không ra về bất đẳng thức, mà thay vào đó là phương trình và tìm giá trị nhỏ nhất, lớn nhất và nó cùng rơi vào câu IV.2 khối D. Hơn nữa câu hình phẳng V.a.2 của khối D cũng lạ đối với học sinh, có thể có nhiều cách giải khác nhau. Ngoài ra tất cả các câu còn lại, học sinh cũng cần phải có kỹ năng tính toán tốt. Học sinh trung bình khá đạt điểm 5 có số lượng tương đối trung bình. Điểm 9, 10 là dành cho học sinh giỏi cũng không có nhiều.

Trần Minh Thịnh
(GV THPT Marie Curie, TP.HCM)

Đề môn Sử: Đã giảm độ khó

Đề thi Sử năm nay có các câu hỏi được diễn đạt ngắn gọn, rõ ràng. Câu I: vừa sức thí sinh, tuy nhiên nếu chỉ học thuộc mà không hiểu được mối liên hệ giữa lịch sử thế giới và lịch sử VN trong thời kỳ này thì thí sinh cũng không làm được. Câu 2: dễ, chỉ cần thí sinh thuộc bài là làm được. Câu 3: không quá khó, nhưng để được điểm trọn vẹn, phải nêu được những thắng lợi lớn trên chiến trường qua các chiến dịch: đường 14 - Phước Long, Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng và quyết định của Đảng ta sau mỗi chiến thắng lớn đó như trong SGK đã nêu. Qua đó kết luận rằng, đó là những quyết định chính xác, kịp thời của Đảng ta để sớm giải phóng hoàn toàn miền Nam. Câu IV.a và câu IV.b là 2 trong 3 câu dễ nhất của đề thi, chỉ cần thuộc bài là làm được. Tóm lại nội dung đề thi sát chương trình, đã giảm độ khó so với mấy năm trước nhưng vẫn phân loại được thí sinh. Dự báo: Với đề thi này, mặt bằng điểm môn Lịch sử năm nay sẽ được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, kết quả cụ thể còn phụ thuộc vào đáp án như thế nào và quan trọng nhất vẫn là thí sinh - có học đủ nội dung không?

Tường Phi Ngọ
(Giảng viên khoa Lịch sử, trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.