Một sinh viên mang “án” trốn nghĩa vụ quân sự (Bài 2)

28/09/2009 15:58 GMT+7

Bài 2: Quy định thực hiện kiểu gì cũng được Trường hợp của sinh viên Phạm Văn Mạnh không phải là trường hợp duy nhất rơi vào tình trạng vừa được gọi nhập học vừa được gọi nhập ngũ.

Nhập học hay nhập ngũ?

Theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, điều 35, quy định: Những thí sinh (TS) bị địa phương giữ lại không cho đi học có quyền khiếu nại lên UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và Bộ GD-ĐT. Chỉ có chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và Bộ GD-ĐT mới có quyền ký quyết định giữ lại người đã trúng tuyển, nhưng phải giải thích cho đương sự rõ lý do và căn cứ pháp luật của quyết định đó.

Những trường hợp địa phương hoặc trường giải quyết chưa đúng mà TS có đơn khiếu nại, sau khi đã cùng các cơ quan có thẩm quyền ở T.Ư và địa phương xem xét, Bộ GD-ĐT sẽ ra quyết định cuối cùng về việc học tập của thí sinh.

Một chuyên viên Bộ GD-ĐT nói rằng, thí sinh đã có giấy gọi đi học thì đương nhiên sẽ không phải nhập ngũ. Với trường hợp của sinh viên Phạm Văn Mạnh, đã có giấy báo nhập học trước khi nhập ngũ thì hoàn toàn có quyền xin được tạm hoãn để đi học.

Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, ông Dương Anh Đức - Phó hiệu trưởng ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết: “Tại TP.HCM, mỗi năm chúng tôi đều làm danh sách các em trúng tuyển gửi cho Ban chỉ huy quân sự (BCHQS) địa phương, còn nơi khác nếu có yêu cầu, trường sẽ làm chứng nhận để các em được hoãn nghĩa vụ quân sự. Mạnh là một trong những trường hợp như vậy”.

Về cá nhân Mạnh, ông Đức cho biết, Mạnh thi đỗ vào trường với điểm số khá cao, quá trình học tập, rèn luyện cho thấy có năng lực và tư cách đạo đức tốt. Do đó, nhiều lần BCHQS huyện Lương Tài yêu cầu trả Mạnh về địa phương, nhà trường đều cho rằng không đủ thẩm quyền để trả. “Em sinh viên này có vi phạm gì đâu mà chúng tôi phải trả. Tôi không hiểu tại sao, cơ quan quân sự địa phương lại khắt khe với em sinh viên này như vậy? Xét cả về tình hay lý chúng tôi đều cho rằng nên ủng hộ sinh viên Mạnh...”.

Cần xem xét lại các quy định

Theo Luật NVQS sửa đổi năm 2005 và Nghị định số 38/2007 NĐ-CP ngày 15.3.2007 về việc tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ thời bình đối với công dân nam trong độ tuổi nhập ngũ, đối tượng được tạm hoãn NVQS gồm: Học sinh, sinh viên đang học tập tại các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân trong đó có các trường CĐ, ĐH. Như vậy nếu thí sinh đã có giấy báo nhập học thì phải được coi là sinh viên.

Tuy nhiên, trên thực tế cứ vào mỗi mùa tuyển quân, có không ít sinh viên bị gọi lên đường nhập ngũ mà họ không thể xin tạm hoãn được. Bởi lẽ, thực tế có chuyện, thời gian tuyển sinh của các trường ĐH-CĐ kéo dài từ đầu tháng 7 đến hết tháng 9 mới kết thúc, trong khi thời điểm tuyển quân (đợt 2) cũng bắt đầu từ khoảng tháng 6 đến tháng 9 hằng năm. Như vậy, trong thời gian chờ đợi kết quả xét tuyển NV2, NV3 vào các trường ĐH-CĐ (kết thúc vào cuối tháng 9), thí sinh sẽ chưa thể có giấy báo nhập học để làm cơ sở xin tạm hoãn gọi nhập ngũ. Vì thế, địa phương hoàn toàn có quyền gọi hay không gọi sinh viên này đi nhập ngũ.

Trường hợp của Phạm Văn Mạnh không phải là trường hợp duy nhất rơi vào tình trạng này. Năm 2008, Báo Thanh Niên cũng từng đề cập đến một trường hợp sinh viên đã phải đi nhập ngũ trước khi có giấy báo nhập học. Nhưng khi gia đình của sinh viên này có đơn đề nghị gửi đến đơn vị nhận quân thì đã được đơn vị này tạo điều kiện cho sinh viên về để đi học. Còn với trường hợp của Phạm Văn Mạnh thì mặc dù đã đi học nhưng vẫn bị gọi về để đi nhập ngũ!

Từ thực tế này cho thấy, có sự khác nhau trong việc vận dụng các quy định của pháp luật ở các địa phương. Cho nên, nhiều gia đình khi có con em đang muốn đi học mà bị gọi nhập ngũ thì họ đã phải tìm đủ mọi cách “xin xỏ” để được tạm hoãn. Đây là một kẽ hở, rất dễ làm phát sinh tiêu cực mà trường hợp của Phạm Văn Mạnh có thể được coi là điển hình.

Vũ Thơ - Thái Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.