Một số hộ dân phản ứng khi bị xử lý vỉa hè

15/03/2017 12:04 GMT+7

Lãnh đạo Công an Hà Nội cho biết, một số người vì lợi nhuận nên vẫn cố tình vi phạm mặc dù được nhắc nhở, xử lý, thậm chí một số hộ dân phản ứng với lực lượng chức năng khi bị xử phạt vi phạm vỉa hè .

Tại hội nghị giao ban trực tuyến Thành ủy Hà Nội quý 1 sáng nay, 15.3, báo cáo kết quả triển khai về việc xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng lòng đường, hè phố vừa qua, Phó giám đốc Công an Hà Nội - thiếu tướng Đinh Văn Toản cho biết, sau ngày đầu ra quân, tại 12 quận nội thành cơ bản đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, tình trạng chiếm dụng lòng đường, hè phố để kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện đã giảm rõ rệt.
Tại các tuyến phố, việc sắp xếp phương tiện đã gọn gàng, đúng quy định, các cửa hàng không còn bày hàng hóa ra hè phố, lòng đường, chỉ bày bán trong khuôn viên cửa hàng. Các bục bệ, mái che, mái vảy vi phạm hành lang giao thông, gây mất mỹ quan đô thị đã được người dân và các lực lượng chức năng tháo dỡ, phá dỡ đảm bảo đường thông, hè thoáng.
Tuy nhiên, theo ông Toản, còn xảy ra tình trạng một số hộ dân phản ứng việc thi hành thực hiện của lực lượng chức năng. Ông Toản cũng dẫn ra ví dụ, báo chí đã phản ánh ngày 10.3 tại số nhà 168 Tây Sơn phường Trung Liệt, Đống đa, một số hộ dân phản đối yêu cầu của tổ công tác phường Trung Liệt.
Ngoài ra, một bộ phận người dân ý thức chấp hành còn hạn chế, nhất là các tổ chức cá nhân kinh doanh hàng ăn uống, trông giữ phương tiện liên quan đến hè phố lòng đường.
“Số người này vì lợi nhuận nên vẫn cố tình vi phạm mặc dù được nhắc nhở, xử lý nhiều lần. Khi phát hiện có đoàn kiểm tra thì chấp hành, tạm dừng hoạt động, khi không có đoàn kiểm tra thì hoạt động trở lại và tiếp tục vi phạm”, ông Toản nói.
Theo lãnh đạo Công an Hà Nội, việc giải quyết các điểm vi phạm trật tự đô thị chỉ có kết quả bước đầu, chưa bền vững, nhiều điểm vi phạm chưa được giải quyết triệt để. Nguyên nhân do cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ trong khi nhu cầu kinh doanh buôn bán trông giữ phương tiện của người dân rất lớn, đặc biệt là trong các quận nội thành, ở các khu vực phố cổ, bệnh viện, khu vui chơi giải trí…
Về nhiệm vụ thời gian tới, Hà Nội yêu cầu các sở, ngành liên quan tổ chức sắp xếp lại các điểm giao thông tĩnh, các khu vực kinh doanh, buôn bán, chợ cóc, chợ tạm đảm bảo phù hợp và hiệu quả.
Sở Lao động - Thương binh - Xã hội tổ chức rà soát, đánh giá, nghiên cứu tham mưu các chính sách ưu đãi, hỗ trợ hướng nghiệp cho người lao động hiện có nguồn thu nhập chính dựa vào việc kinh doanh chiếm dụng lòng đường, hè phố.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.