Một thế giới khác trong lòng Hà Nội - Kỳ 4: Ở là sai, nhưng biết về đâu?

17/08/2009 01:27 GMT+7

Ở thì biết là sai rồi, nhưng bây giờ đuổi thì chúng tôi biết đi đâu...", đó là tâm sự của một cư dân xóm bè khi xóm này sắp bị giải tỏa.

Những xóm đò nghèo khó trên sông Lô (Tuyên Quang), sông Tam Bạc (Hải Phòng), sông Hương (Huế)... đều chưa là gì nếu so với nơi đây. 20 cái nhà nổi này có được là nhờ một tổ chức từ thiện cho tiền xây dựng. Thành tiền mỗi cái khoảng 20 triệu đồng. Khoảng 16-20 cái phuy sắt loại 250 lít chằng buộc dưới một khung gỗ, nhà từ đó dựng lên tất cả chừng chục mét vuông, gồm cả nhà vệ sinh theo kiểu ''cầu tõm''. Cót ép, tre lá, bạt quảng cáo bỏ đi trở thành mái nhà, tường nhà khiến cho nhiều người tưởng nhầm dưới sông có tiệm gội đầu hay bán xe máy. Khổ nhất là lúc nước sông Hồng đang xuống, nhà phải đẩy dần theo nước, xuống nhà phải lội qua một bãi bùn nhầy nhụa.

Vợ chồng Hòa - Liên một sáng thức dậy, thấy nước không còn dưới chân, nhà đã nằm nghiêng trên bãi bùn vì đêm qua nước sông xuống nhanh mà đêm lỡ ngủ say không tháo thừng đẩy nhà ra. Ngôi nhà bị mắc cạn và nghiêng... 23 độ 5 cả tháng nay. Mùa mưa bão thì thế nào? Hòa cho biết: gió to, sóng to, cái nhà móp lại như mình bóp cái vỏ diêm, có lúc nó như sắp lật hay dềnh lên dập xuống. Lâu lâu, một góc nhà lún xuống nước, ấy là một chiếc phuy đã thủng. Thế là đàn bà trẻ con dắt nhau lên bãi ở tạm để đàn ông lặn xuống tháo cái phuy thủng ấy đi bán sắt vụn và thêm tiền để mua một cái mới, theo thời giá khoảng 120 nghìn, lắp vào thì mới lại ở được.

Nhưng có muốn thì những người dân xóm bè bãi Giữa sẽ không “được” khổ như thế nữa. Họ sắp bị giải tỏa bởi UBND phường Ngọc Thụy. Ngày 26.7.2009, ông Nguyễn Nam Chính, Phó chủ tịch phường Ngọc Thụy đã ký thông báo về việc giải tỏa các lều lán dựng trái phép tại bãi Giữa sông Hồng để đảm bảo dòng chảy thoát lũ và mỹ quan đô thị. Theo thông báo này, đến ngày 29.7.2009, dân phải tự giải tỏa, nếu không, sau ngày 30.7.2009, UBND phường sẽ tổ chức cưỡng chế. May cho xóm bè, đến nay việc cưỡng chế chưa xảy ra.

Khác với dự đoán, ông Chính là người dễ chịu khi nói về việc di dời xóm nhà bè trên bãi Giữa. “Từ nhiều năm trước, chúng tôi đã tuyên truyền, xử lý nhiều lần mà chưa dứt điểm được. Chúng tôi cũng hiểu là họ ở các nơi về đây, nhà cửa không có, cũng là đường cùng rồi. Nhưng chủ trương là phải dứt điểm vì mùa mưa bão đã đến nơi rồi. Anh xem cái nhà thì mỏng manh, thùng phuy thì rỉ nát như thế. Nếu lỡ có chuyện gì, anh em mình ăn nói thế nào với nhau đây?”.

Chào ông Chính, tôi lại nhớ đến lời của người dân xóm bè, họ từng hớn hở nói rằng sau hàng chục năm tá túc bên bãi sông, mới đây họ đã được công an phường chụp ảnh, lăn tay. Đợt bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 12 vừa rồi, họ còn được vào phường bỏ phiếu nữa. "Cứ tưởng như thế là dần dần chúng tôi được ở lại đây chứ", bà Mai Thị Sinh, một người gốc Thanh Hóa tần ngần nói một cách thành thật. Cùng chồng và con trai, con dâu và cháu nội ở đây đã gần 10 năm để sống bằng nghề nhặt phế liệu. Gia đình bà không biết sẽ như thế nào nếu phải rời bỏ nơi này.

Chia tay xóm bè khi bãi sông đã âm âm tối, tôi nhớ đến bộ phim “Lời nguyền của dòng sông” mà đạo diễn Khải Hưng đã làm dựa theo truyện ngắn “Mùa hoa cải bên sông” của Nguyễn Quang Thiều. Số phận những người dân mà tôi vừa gặp cũng có gì từa tựa như thế. Lấy đâu ra tiền để lên bờ thuê nhà. Sẽ sống ra sao nếu về quê mà tấc đất cắm dùi không có? Lời cuối khi chia tay, họ bảo, bác nhà báo nếu thương thì đừng nói chúng tôi xấu quá mà phường lại đuổi. Biết ở là sai rồi, nhưng đuổi ngay bây giờ thì chúng tôi biết đi đâu...

Lưu Quang Phổ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.