Một thoáng tuổi thơ với phố núi

01/12/2020 16:00 GMT+7

Sau năm 1963, gia đình tôi theo ba lên Kon Tum. Tỉnh lộ đất đỏ đầy bụi dẫn chúng tôi vào thành phố. Chiếc xe đò rướn mình trên con đường mấp mô, nhiều dốc, giữa ánh nắng chói chang.

Những ngày đầu, gia đình tôi ở tạm tại một phòng ngủ, nơi trung tâm thành phố. Bước ra đường, quẹo trái vài mươi thước là đến ngã tư. Buổi sáng, mạ tôi phát tiền ăn sáng. Chị em tôi rủ nhau ra phố mua đồ điểm tâm. Một lần, thấy người ta bày bán những bản nhạc in lại, nhỏ bằng bàn tay, tôi chọn mua một bản. Bài này khi ở quê nhà, tôi hay nghe mấy anh chị trong xóm hát. Mạ tôi biết được, dọa cắt tiền quà sáng.
Mạ tôi đã tìm thuê được một căn nhà, cách phòng ngủ chúng tôi ở không xa, về bên phải. Nhà nằm lui vào trong hẻm mấy căn, có gác, thuận tiện cho gia đình đông con. Dưới bếp có một giếng sâu khó thấy đáy. Muốn lấy nước lên phải quay bằng ròng rọc. Nước có màu đất bazan làm tôi ái ngại mỗi khi dùng, dù được nghe giải thích.
Kon Tum là tỉnh lỵ mới thành lập. Phố thị chỉ có vài con đường chính đông dân. Đi một lát là hết phố, giống như trong bản nhạc sau này viết về Pleiku, thành phố anh em của nó: “Đi dăm phút đã về chốn cũ”. Cái gió nơi đây khó chịu, như gió bấc đồng bằng miền Trung quê tôi. Dù có nắng, mỗi cơn gió đi qua vẫn làm má môi tê khô lại. Gió rát vậy mà các chị cũng có “má đỏ môi hồng” - những lời của bài hát sau này mỗi khi nghe luôn gợi ký ức về thành phố mà tôi từng đến.
Lần đầu thấy người dân tộc thiểu số (khi đó gọi là người Thượng), tôi rất tò mò và hơi e dè, nhất là khi gặp những người đàn ông đóng khố ở giữa đường phố. Họ đi một mình hoặc theo nhóm hai ba người với gùi trên lưng. Trong gùi thường là những búp măng lớn. Họ đi tự nhiên, lạnh lùng, không nhìn nghiêng ngó dọc, trên miệng ngậm ống điếu dài và hầu như không mang dép guốc. Có khi họ dừng lại ven đường để trao đổi hàng hóa với người ở phố. Các sơn nữ mặc váy, gọi là xà rông, kín đáo hơn, che tới cổ chân, vừa đi vừa chuyện trò. Thỉnh thoảng các chị vói tay sửa lại chiếc gùi trên vai. Mỗi khi thấy các chị người Thượng, tôi lại liên tưởng đến bài vọng cổ buồn “Sơn nữ Phà Ca” trong đĩa hát mà hàng xóm ở quê nhà hay mở.
Tôi đã quen một số bạn láng giềng. Chúng tôi thường tụ tập chơi đùa trong sân nhà của đứa bạn, ở cạnh đường. Giọng nói của chúng mang âm hưởng Bình Định, nhưng dễ nghe hơn. Hoặc chúng tôi qua sân đất rộng bên kia đường, trước một tiệm tạp hóa. Tại đó, tôi đã bị cô gái của tiệm rải nắm lá keo lên đầu khi tôi đang chơi bắn bi, rồi bỏ chạy. Tôi bỏ bi ví (đuổi) theo “nàng” nhanh chân thoát vô nhà bằng cửa sau. Tôi ví, theo phản xạ, chứ nếu bắt được “nàng”, chắc tôi sẽ không biết phải làm gì. Khi nghe méc lại, hai chị tôi cười rộ lên chọc. Bị mạ tôi la át cho, các chị mới im. Từ đó, mỗi lần mạ sai tôi qua tiệm mua đồ dùng, “nàng” cứ ngó ngó. Tôi cũng nhìn “trả lại”.
Ba tôi cũng có kỷ niệm ở nơi nhiệm sở mới. Đó là bữa chiêu đãi thịt trâu tái của các đồng nghiệp để mừng ba tôi, người mới đến. Tuy ba tôi không quen cách ăn uống của người vùng cao, nhưng ông rất vui vì tính cởi mở, hồn nhiên của họ.
Buổi tối, thỉnh thoảng, tôi đi với hai chị ra phố mua đồ ăn vặt, rồi tha thẩn quanh chợ bên kia đường hoặc vô sân vận động cạnh đó xem thử. Trong ánh sáng mờ mờ, chúng tôi đi giữa đám cỏ cao tới gối. Đến lúc ra nơi có ánh sáng, chúng tôi mới thấy ống quần đầy bông cỏ. Cả chị lẫn em tha hồ ngồi gỡ từng hạt, sợ về nhà mạ la. Đó cũng là dịp đáng nhớ, cho tôi một bài học thực vật về loại cỏ may này. Bên ngoài hàng rào sân vận động giáp với mặt phố, có những xe mì phở. Nhưng món ăn vặt buổi tối chúng tôi thích nhất là bắp. Trái bắp to, hạt mềm dẻo, có màu vàng xen lẫn màu đà, trông lạ mắt. Người ta gọi đó là bắp Thượng. Tôi biết thêm một loại bắp hai màu của thành phố cao nguyên.
Gia đình tôi đến đây trong những ngày hè, nên tôi có thì giờ chạy nhảy, quan sát sinh hoạt chung quanh. Mùa hè đi qua lúc nào không hay, chị em tôi phải nhập học trường mới. Từ nhà, mạ dẫn chúng tôi ra ngã tư trung tâm thành phố, rẽ trái, đi dọc con phố chính. Trên phố này có nhiều cửa hiệu lớn, sang trọng, tấp nập người đi. Đường dẫn đến trường mất một thời gian khá lâu. Thêm một lần đổi trường, đổi lớp trong đời học sinh của chị em tôi. Tôi chưa có ký ức gì về trường lớp mới, lại phải theo gia đình hồi hương.
Đến như thế nào thì đi cũng tựa như vậy. Vẫn con đường gập ghềnh nhiều mô dốc, những đám bụi đất đỏ vẫy tung phía sau xe theo cái nhìn ngoái lui, như nói lời chia tay. Tạm biệt những người bạn mới quen, cô láng giềng tinh nghịch.
Chắc phải có nhiều thay đổi từ đó đến nay. Tôi xin lấy câu kết này, nhắn gửi tới phố núi lời thăm hỏi, dù đã xa nhưng vẫn “còn chút gì để nhớ”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.