"Mù" về thành phần gia vị Trung Quốc

02/06/2009 23:51 GMT+7

* Nếu ngộ độc cũng không biết xử trí thế nào ! * "Làm thức ăn bán thôi chứ đừng có ăn !" Bột phẩm màu, dầu hào, ngũ vị hương, mù tạt, sa tế... là những gia vị Trung Quốc rất dễ tìm thấy ở các chợ Hà Nội. Nhiều loại không bao giờ có nhãn mác đúng quy chuẩn. Nghe đọc bài

Tại chợ Thái Hà (Hà Nội), giá một chai dầu hào nhãn hiệu Maggi là 15.000 đồng. Trong khi đó, loại dầu hào mang nhãn Kim Tiêu, trọng lượng gấp đôi, xuất xứ Trung Quốc lại chỉ có 12.000 đồng. "Đây là loại rẻ nhất" - người bán hàng tên T. nói. Mặc dù bao bì chai dầu hào có in tiếng Việt, nhưng viết lộn xộn, sai chính tả: "Qua tinh chế nghiêm khắc, màu sắc chinh cống, nguyên chất nguyên vị, bất kể là m món nướng quay, xào phở, xào mi, xào rau đều có mùi vi hang nhất". Trên nhãn chai ghi thời gian bảo hành 12 tháng nhưng không thấy hạn sử dụng; ngày sản xuất bị bỏ trống...

Chị T. cho biết, gia vị tại chợ này chia làm hai loại, loại bình dân và loại tốt. Loại tốt gồm các loại gia vị có xuất xứ Việt Nam hoặc hàng Trung Quốc nhập chính ngạch có ghi rõ ngày tháng sản xuất, hạn sử dụng và có chứng từ nguồn gốc xuất xứ. Còn loại bình dân, theo lời chị T., là hàng Trung Quốc "chui", hoặc gần "hết đát", không rõ nguồn gốc được các cửa hàng nhập về bán tống bán tháo cho các hiệu cơm, phở. Khi chúng tôi ngỏ lời muốn mua gia vị về bán quán cơm nhưng là hàng Trung Quốc cho giá thành rẻ, chị T. nói: "Nếu lấy nhiều chị sẽ bớt giá cho. Nhưng chị khuyên thật, các em đừng tham rẻ mà dùng nhiều gia vị của Trung Quốc, chả biết thế nào đâu. Nhỡ may có độc, bị đình chỉ kinh doanh thì khổ".

Gia vị Trung Quốc không rõ nguồn gốc đầy rẫy tại các chợ Hà Nội như chợ Đồng Xa, Diễn (Từ Liêm), Hạ Đình (Thanh Xuân), Nghĩa Tân, Cầu Giấy (Cầu Giấy)... Tại chợ Cầu Giấy, một gói ngũ vị hương Trung Quốc trọng lượng 5g có giá bán lẻ 1.000 đồng. Trên bao bì, tiếng Trung Quốc được in kèm với tiếng Việt Nam và có ghi ngày sản xuất (tháng 2.2009), hạn dùng (tháng 2.2011). Nhưng điều đáng nói là phía trên cũng lại có một dòng ghi hạn dùng 1 năm. Trong trường hợp này, người mua không biết hạn dùng nào là đúng? Còn gói thuốc bắc dùng khi hầm gà, chim toàn chữ Trung Quốc, không một dòng ghi ngày tháng sản xuất cũng như hạn dùng hay cách sử dụng, người tiêu dùng chỉ biết trông vào lời giới thiệu của người bán hàng: "Cứ cho vào gà, chim đem tần, hầm lên là được. Ngon lắm. Toàn vị thuốc quý đấy"!

Các loại gia vị lẩu Tứ Xuyên, mù tạt, bột hạt điều, sốt tiêu đen, sốt chua ngọt, bột nghệ, hạt tiêu xay, tiêu hạt... cũng có xuất xứ không rõ ràng. Một số được đóng vào các túi nylon không nhãn mác, bán theo lạng, cân. Số khác có nhãn mác nhưng lại mập mờ về ngày sản xuất, hạn sử dụng và cách dùng. Theo chị Th., bán hàng tạp hóa tại tổ 17, Cầu Diễn thì tất cả các loại gia vị này đều được nhập tại các mối buôn ở chợ Đồng Xuân. Còn chợ Đồng Xuân nhập về từ đâu thì cũng không mấy người biết!

Nếu ngộ độc cũng không biết xử trí thế nào !

Theo bác sĩ Trần Văn Ký (phụ trách an toàn vệ sinh thực phẩm phía Nam thuộc Hội Khoa học - Kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm VN), tất cả những thực phẩm, phụ gia, hóa chất, phẩm màu dùng trong thực phẩm của nước ngoài đưa vào VN, nếu theo đúng đường chính ngạch thì phải làm đúng quy định - phải có nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm; thành phần; phiếu kiểm nghiệm, chứng nhận của nước sở tại... Còn những loại in toàn tiếng Trung Quốc, không rõ nguồn gốc, thành phần thì người tiêu dùng phải hết sức thận trọng, không được dùng vì rất nguy hiểm.

Bác sĩ Ký cũng lưu ý, những phụ gia, hương vị, sa tế... không rõ nguồn gốc, loại rẻ tiền, thường được làm từ hóa chất, phụ gia công nghiệp, nó cũng cho hương thơm, vị cay... nhưng rất nguy hiểm. Phần lớn các hóa chất, phụ gia, phẩm màu cung cấp cho các cơ sở chế biến thực phẩm là có xuất xứ từ Trung Quốc. Nhưng một số đơn vị, công ty nhập về, để "né" tiếng Trung Quốc (vì khó bán được hàng) đã trộn lẫn với sản phẩm của các nước khác rồi cho ra một "made in" khác.

Kỹ sư Nguyễn Thị Ngọc Thu (Phòng Truyền thông - Đào tạo, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM) cũng lưu ý người tiêu dùng, không nên sử dụng những sản phẩm thực phẩm mà bao bì in toàn tiếng Trung Quốc, không có tiếng Việt. Vì nếu có xảy ra ngộ độc thực phẩm, thì không nắm được thành phần thực phẩm đó gồm những chất gì để mà xử trí.

Thanh Tùng

"Làm thức ăn bán thôi chứ đừng có ăn !"

Nếu không phải là khách quen, sẽ rất khó mua gia vị nhập lậu từ Trung Quốc tại chợ Bình Tây. Sau hơn 2 tiếng đồng hồ lùng sục hàng chục sạp trong chợ, chúng tôi chỉ mua được... 1/2 kg bột ngọt Trung Quốc với giá chỉ 12.000 đồng và một bịch rong biển với bao bì toàn tiếng Trung Quốc, không hạn sử dụng tại một sạp nhỏ nằm sâu trong chợ.

Thế nhưng sau đó, khi gọi điện thoại vào cho các sạp và giới thiệu là tiểu thương có tên tuổi hẳn hoi ở một chợ lẻ tại quận 5, muốn mua gia vị Trung Quốc bỏ cho các quán ăn thì lại được trả lời là có hàng. Các loại gia vị dùng để nướng thịt, dầu hào, dầu ớt, cà chua hộp, bột chiên, bơ lạc... đều có đủ. "Gia vị Trung Quốc được cái rất bền màu. Chẳng hạn như muốn làm món xá xíu, chỉ cần để tí gia vị Trung Quốc thôi, miếng thịt thấm đỏ liền, thịt chín sẽ cho màu như ý. Nếu sử dụng để nấu thức ăn số lượng lớn thì cực kỳ lợi" - tiểu thương T. khẳng định qua điện thoại. "Bộ phẩm màu công nghiệp hay sao mà hiệu quả ghê vậy anh?" - tôi hỏi thêm. "Ai mà biết, làm gì đọc được chữ nào trên bao bì, nhưng tốt nhất là làm thức ăn bán thôi chứ đừng có ăn. Khách của tôi cũng toàn là quán ăn, nhà hàng thôi" - anh T. giải thích. Qua điện thoại, chúng tôi còn được một vài tiểu thương giới thiệu nhiều loại nấm, gia vị nêm của Trung Quốc dành riêng cho các loại lẩu nấm, cũng bỏ vào tí xíu thôi là "có màu hấp dẫn, vị ngon liền".

Cẩm Nhi

Trần Đan - Lê Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.