Mưa bão số 2 đe dọa nhiều hồ đập, đê điều

17/07/2017 06:00 GMT+7

* Gần 7.000 du khách bị kẹt trên đảo

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, rạng sáng nay bão số 2 đổ bộ vào đất liền với sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 - 9 (60 - 90 km/giờ), giật cấp 10 - 12. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là mưa lớn sẽ uy hiếp nhiều hồ, đập xung yếu ở vùng bão đi qua.
Lúc 23 giờ đêm qua, vị trí tâm bão số 2 trên vùng biển các tỉnh Thanh Hóa - Hà Tĩnh. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 - 10 (75 - 100 km/giờ), giật cấp 11 - 12. Đến 4 giờ ngày 17.7, vị trí tâm bão ở trên đất liền các tỉnh Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 - 9 (60 - 90 km/giờ), giật cấp 10 - 12. Trong 6 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km, tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp trên khu vực Trung Lào. Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư Hoàng Đức Cường cho biết diễn biến bão số 2 rất phức tạp, ngay sau khi hình thành trên biển, bão số 2 mạnh lên rất nhanh. Đặc biệt trong sáng sớm ngày 16.7, chỉ trong vòng 3 giờ, gió bão đã chuyển từ cấp 8 lên cấp 9.
Tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh Bắc bộ và Trung bộ triển khai ứng phó với mưa bão số 2 diễn ra sáng 16.7, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai lo ngại mưa lớn tập trung ở các tỉnh bị ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão (Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh) từ ngày 16 - 18.7, với tổng lượng mưa dự báo từ 250 - 350 mm, sẽ uy hiếp nhiều hồ, đập xung yếu ở khu vực này. Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, 3 tỉnh nói trên có tới 1.350 hồ, đập lớn nhỏ, trong đó nhiều công trình qua nhiều năm sử dụng có nguy cơ mất an toàn trong tình huống có mưa lũ lớn.
Bão số 2 cũng gây ra mưa lớn khiến mực nước các hồ thủy điện các tỉnh Sơn La, Hòa Bình ở mức cao. Ông Trần Quang Hoài, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), cho biết ảnh hưởng của đợt mưa lớn do bão số 2 rất có thể khiến các thủy điện ở Sơn La, Hòa Bình phải xả lũ. Vì vậy, khu vực hạ du sông Hồng cần sẵn sàng phương án ứng phó khi các thủy điện Sơn La, Hòa Bình xả lũ.
Du khách tại Cô Tô (Quảng Ninh) chờ tàu về đất liền ngày 16.7 Ảnh: Xuân Thành
Gió lớn, cây đổ trong đêm
Khoảng 20 giờ 16.7, tại TP.Hà Tĩnh bắt đầu có gió mạnh kèm mưa lớn do ảnh hưởng bão số 2. Đến 22 giờ cùng ngày, cường độ gió tăng lên khoảng cấp 9, cấp 10. Nhiều cây cối bị gió làm bật gốc, chắn ngang đường. Một số khu dân cư bị mất điện cục bộ như P.Tân Giang, Thạch Quý, Đại Nài. Trong đêm, tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp tục tăng cường các lực lượng chức năng xuống các địa bàn hỗ trợ người dân phòng chống bão.
Ông Ngô Đức Hợi, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh, cho biết tỉnh đã thành lập 13 đoàn kiểm tra xuống các địa phương để hướng dẫn, chỉ đạo phòng chống cơn bão số 2. Tính đến 17 giờ ngày 16.7, toàn tỉnh đã di dời hơn 2.297 người đến nơi an toàn. Toàn bộ tàu thuyền của tỉnh với tổng số 6.102 chiếc và hơn 17.000 lao động trên tàu đã vào cập bến tại các khu tránh trú bão.
Tại Nghệ An lúc 22 giờ tối qua, khu vực TX.Cửa Lò gió bão giật mạnh cấp 7, cấp 8, kèm mưa lớn khiến một số tuyến đường bị ngập úng cục bộ từ 20 - 30 cm. Nhằm bảo đảm an toàn cho người dân, từ 21 giờ, toàn bộ hệ thống điện lưới ở TX.Cửa Lò đã được cắt. Trao đổi với Thanh Niên, ông Phùng Trọng Thọ, Chủ tịch UBND P.Nghi Thu (TX.Cửa Lò), cho biết đến tối cùng ngày, các hộ dân kinh doanh dịch vụ dọc bãi biển đã đóng cửa để đảm bảo an toàn.
Tại Thanh Hóa, đến 22 giờ 16.7, mưa lớn diễn ra trên diện rộng và có gió mạnh, đặc biệt là khu vực các huyện ven biển gồm Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia và TP.Sầm Sơn. Để ứng phó với bão số 2, tại huyện miền núi Thạch Thành (Thanh Hóa), ngay trong tối 16.7 chính quyền địa phương đã sơ tán 6 hộ dân (23 nhân khẩu) sống ở vùng có nguy cơ cao sạt lở đất và lũ ống, lũ quét. Các địa phương khác ở Thanh Hóa cũng lên phương án, trường hợp bão ảnh hưởng nặng sẽ sơ tán 57.801 hộ dân (247.867 người) nằm trong khu vực nguy hiểm.
Thanh niên xã Xuân Hội (H.Nghi Xuân, Hà Tĩnh) giúp ngư dân đưa thuyền lên bờ tránh bão Ảnh: Tân Kỳ
Hàng ngàn du khách mắc kẹt ở Cô Tô, Cát Bà
Thống kê của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh, đến tối 16.7 vẫn còn hơn 4.200 du khách bị kẹt lại tại các đảo du lịch như Cô Tô, Quan Lạn, Minh Châu... Do ảnh hưởng của bão số 2, ngày 16.7, vùng biển Quảng Ninh có gió cấp 6, sóng biển cao 2 m, khiến các tàu khách không được cấp phép rời bến đưa khách vào bờ. Tại đảo Cô Tô, có đến 3.500 du khách, trong đó có 14 khách quốc tế, đang mắc kẹt. UBND H.Cô Tô chỉ đạo các khách sạn, nhà nghỉ bố trí chỗ ở, đảm bảo an toàn cho du khách.
Tại Hải Phòng, từ 16 giờ ngày 16.7, tàu thuyền không được ra khơi, tuyến tàu khách Cát Bà - Bến Bính đã dừng hoạt động từ 15 giờ 30, các hoạt động vui chơi giải trí ven biển đã dừng từ 17 giờ cùng ngày. Tại huyện đảo Bạch Long Vĩ, cơ quan chức năng đã đưa 27 thuyền nhỏ và 60 lao động lên bờ, vận động 54 tàu và 215 lao động vào đất liền tránh bão. Do không có tàu về, tại đảo Cát Bà có 2.500 khách du lịch mắc kẹt và được hỗ trợ giảm giá phòng nghỉ. Tại đảo Cát Hải, còn 87 xe ô tô và 135 khách du lịch không về được đất liền vì phà Đình Vũ không hoạt động, đã được chính quyền địa phương đưa đến khu tái định cư để tạm trú và hỗ trợ đồ ăn, nước uống.
Hơn 10 chuyến bay bị hoãn, hủy do bão
Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và VASCO cho biết do ảnh hưởng của cơn bão số 2, tại một số tỉnh khu vực bắc Trung bộ, để đảm bảo an toàn các chuyến bay, các hãng đã điều chỉnh kế hoạch khai thác ở các sân bay Vinh (Nghệ An), Đồng Hới (Quảng Bình) trong chiều tối 16.7. Cụ thể, Vietnam Airlines không khai thác 4 chuyến trên đường bay giữa Hà Nội/TP.HCM và Vinh, gồm VN1714, VN1715, VN1268, VN1269 trong tối 16.7. Hãng sẽ triển khai kế hoạch bay bù các chuyến trên trong ngày 17.7; Jetstar không khai thác 4 chuyến trên đường bay giữa Vinh/Đồng Hới và TP.HCM, gồm BL524, BL525, BL350, BL351; Vasco không khai thác 2 chuyến bay trên đường bay giữa Hà Nội và Đồng Hới, gồm 0V8590, 0V8591. Hành khách trên các chuyến bay của các hãng trên bị ảnh hưởng sẽ được các hãng chuyển đổi miễn phí sang các chuyến bay cùng hành trình trong ngày hôm sau nếu còn chỗ.
Vietjet cũng cho hay các chuyến bay TP.HCM - Thanh Hóa/Vinh, Đồng Hới và ngược lại trong chiều tối 16.7 đều dừng khai thác, nhiều chuyến bay khác cũng bị ảnh hưởng dây chuyền.
Mai Hà
Cứu tàu chở cán bộ đài khí tượng gặp nạn trên biển
Ngày 16.7, ông Nguyễn Văn Lượng, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực bắc Trung bộ, cho biết sau 3 giờ trôi tự do trên biển, tàu chở cán bộ đài khí tượng trên đường từ đảo Hòn Ngư (Nghệ An) vào đất liền đã được tàu cá của ngư dân lai dắt vào bờ an toàn. Theo ông Lượng, sau một ngày ra đảo Hòn Ngư sửa chữa thiết bị, phục vụ ứng phó bão số 2, khoảng 13 giờ ngày 16.7, tàu chở 8 cán bộ của Đài bắc Trung bộ và mạng lưới khí tượng thủy văn T.Ư từ đảo này trở về đất liền thì bị hỏng máy, trôi tự do trên biển. Các thành viên trên tàu đã liên lạc về Trung tâm cứu hộ cứu nạn tỉnh Nghệ An nhờ hỗ trợ. Đến 15 giờ chiều 16.7, 8 cán bộ khí tượng thủy văn cùng chủ của chiếc tàu gặp nạn đã được một tàu cá của ngư dân đang hoạt động gần đó lai dắt vào bờ biển TX.Cửa Lò (Nghệ An).
K.Hoan - P.Ngọc
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.