Mưa đá xoi thủng, lộ ra điều nguy hiểm

26/04/2016 09:39 GMT+7

Có những điều trong quá trình an sinh xã hội đòi hỏi phải có thời gian, về lâu về dài; nhưng có những việc cần thiết và làm được ngay mà không cần phải chương trình, dự án, kế hoạch này nọ. Vậy sao ta không làm?

Mưa đá dù hơi hiếm hoi nhưng không phải là hiện tượng thời tiết lạ ở nước ta. Những trận mưa đá thường gây sự ngạc nhiên, thích thú, nhất là với lũ trẻ. Chỉ có điều mưa đá đem đến nhiều tai hại nên nhìn chung chả mấy ai thích mưa đá. Ngay cả khi đang bị khô hạn, hạn hán kéo dài, người ta cũng chỉ cầu mưa chứ không cầu mưa đá.
Đại Việt sử ký toàn thư của các cụ Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên, Phan Phu Tiên từng chép rằng những năm 1602 - 1603 thời Lê - Trịnh ở nước ta có những trận mưa đá khủng khiếp, xã hội loạn lạc, mất mùa, đói kém, dân tình không yên. Người xưa thường vận hiện tượng thiên nhiên vào những dự báo xã hội khi chưa đủ sức lý giải những gì xảy ra có tính trùng hợp.
Thời gian qua, nhiều tỉnh ở miền Bắc và Bắc Trung bộ bị mưa đá. Thông thường, mưa đá xuất hiện vào những tháng đầu năm, nhất là từ tháng 3 đến tháng 5. Những trận mưa đá liên tiếp xảy ra ở các tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang, Điện Biên, Lai Châu, rồi cả Nghệ An, Thừa Thiên-Huế. Thiệt hại do mưa đá gây ra khá nặng nề. Nhà cửa hư hỏng, ruộng nương hoa màu cây trái bị gãy nát… Phần lớn những trận mưa đá dội xuống vùng núi, vùng cao, nơi đang còn nghèo nhất, khó khăn nhất. Đã vất vả với cuộc sống thiếu thốn hằng ngày, đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi lại còn phải gánh chịu những quả tạ của thiên nhiên nên càng khổ sở, cơ cực hơn.
Điều tôi muốn nêu ở đây là có một thực tế: Nhìn những tấm ảnh chụp cảnh mưa đá gây thiệt hại nhà cửa, tôi thấy hầu hết mái nhà bị thủng, bị vỡ là những nhà lợp bằng tấm fibro xi măng. Loại vật liệu xây dựng này đã có từ khá lâu, một thời phổ biến không chỉ ở nông thôn mà ngay cả thành thị. Nó được sản xuất hàng loạt, được coi là tiện lợi, dễ sử dụng, rẻ tiền, phù hợp với người nghèo. Dùng fibro xi măng nhiều nhất là dân vùng núi, người thiểu số. Họ nghèo, không có tiền, không thể đua đòi mái ngói, mái bằng. Miễn có chỗ chui ra chui vào, che mưa che nắng là được.
Thôi thì thời cũ nó vậy. Nhưng cũng đã khá lâu rồi, các nhà khoa học, những cơ quan nghiên cứu về môi trường, y tế, sức khỏe đã lên tiếng cảnh báo, khẳng định tác hại của tấm lợp fibro xi măng. Tấm lợp này chứa chất amiăng rất độc hại, có thể gây ung thư.
Nhiều nhà máy vẫn tiếp tục sản xuất tấm lợp fibro xi măng - Ảnh: Đan HạNhiều nhà máy vẫn tiếp tục sản xuất tấm lợp fibro xi măng - Ảnh: Đan Hạ

Người bị nhiễm chất amiăng sẽ bị tổn hại nghiêm trọng sức khỏe, mà ung thư là điều khó tránh. Nhiều nước trên thế giới đã nghiêm cấm sử dụng amiăng vào vật liệu xây dựng, loại bỏ chất này ra khỏi đời sống sinh hoạt của con người. Ở nước ta năm 2001 Chính phủ cũng đã có đề án ngưng sản xuất tấm lợp dùng amiăng, sau đó năm 2004 lại cho phép dùng amiăng trắng. Tuy nhiên dù loại này ít nguy hiểm hơn nhưng sự độc hại vẫn còn.
Không chỉ người dân ít được tuyên truyền về tác hại của amiăng trong tấm lợp fibro xi măng mà ngay cả một số cơ quan nhà nước, tổ chức từ thiện khi trợ giúp đồng bào nghèo miền núi, người dân tộc thiểu số vùng cao, vẫn có kế hoạch mua fibro xi măng để cấp cho hộ nghèo. Biết hại nhưng cứ nhắm mắt làm ngơ, vẫn coi thường, vẫn cứ làm.
Xin trích ra đây lo ngại của TS Trần Tuấn (Liên minh Vận động chính sách y tế) tại một cuộc hội thảo về tác hại của amiăng: “Trong nhiều chục năm qua, chúng ta đã sử dụng hàng trăm triệu mét vuông tấm lợp fibro xi măng có chứa amiăng độc hại. Điều này được dự đoán sẽ gây ra hậu quả rất nặng nề trong tương lai đối với sức khỏe người dân" để thấy mối nguy trước mắt và lâu dài như thế nào.
Vậy nhưng thực tế thì người dân vẫn đang sống chung với amiăng, được “che chở” bằng amiăng, uống nước mưa hứng từ mái amiăng, hít thở không khí có bụi amiăng (do tấm lợp fibro xi măng cũ kỹ, mục nát). Phận nghèo đói lại mắc thêm cái eo, hằng ngày đối mặt với ung thư, với sự nguy hiểm mà đành chịu, không biết thoát ra bằng cách nào. Có thể dân không biết, nhưng chả lẽ những người lo cho dân không biết? Hay phải đợi đến khi mưa đá dội xuống xoi ra, phát lộ cái lỗ thủng nguy hiểm ấy thì mới biết?
Có lẽ các cơ quan nhà nước (của Quốc hội, Chính phủ) như Ủy ban Dân tộc, Hội đồng Dân tộc; rồi những bộ ngành có liên quan như Tài nguyên - Môi trường, Y tế, Nông nghiệp - Phát triển nông thôn; các tỉnh thành còn tồn tại thực tế này… nên để mắt, quan tâm cụ thể đến trường hợp trên đây.
Có những điều trong quá trình an sinh xã hội đòi hỏi phải có thời gian, về lâu về dài; nhưng có những việc làm được ngay mà không cần phải chương trình, dự án, kế hoạch này nọ. “Việc gì có lợi cho dân thì dù nhỏ mấy cũng phải làm” (Chủ tịch Hồ Chí Minh), huống hồ chuyện này liên quan đến tính mạng, sức khỏe của hàng triệu con người.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.