Mưa đá xuất hiện ở TP.HCM

04/07/2011 18:20 GMT+7

(TNO) Cơn mưa to bất ngờ vào chiều nay (4.7) tại TP.HCM đã ghi nhận hiện tượng mưa đá lần đầu tiên xuất hiện trong năm 2011. Theo phản ánh của nhiều bạn đọc qua Đường dây nóng Thanh Niên Online, cơn mưa đá này xuất hiện trên diện rộng tại các địa bàn như Q.1, Q.3, Q.5, Q.10, Q.11…

Anh Tâm, làm việc tại một công ty trên đường Xóm Đất, Q.11 kể vào khoảng 17 giờ 20 phút, một cơn mưa lớn đột ngột trút xuống, và kèm theo những âm thanh lộp bộp rất to. Thấy lạ, anh Tâm cùng đồng nghiệp chạy ra ngoài coi thì phát hiện thấy mưa đá.

"Viên đá to bằng đầu ngón tay, và mưa kèm đá viên chỉ kéo dài khoảng 2 phút thôi. Bây giờ trời vẫn còn mưa nhưng không thấy có kèm mấy viên đá nữa", anh Tâm cho hay lúc 18 giờ.

Còn chị Trâm Anh, làm việc tại đường Ngô Thời Nhiệm, Q.3, TP.HCM cũng cho biết, vào khoảng 17 giờ 30 phút, chị và đồng nghiệp thấy mưa đá nên chạy ra coi. Chị Trâm Anh mô tả, viên đá khá to.

Trên đường 3 Tháng 2 (Q.10), khu vực gần bệnh viện Chợ Rẫy (Q.5) cũng ghi nhận thấy hiện tượng mưa đá.

Trao đổi với Thanh Niên Online, Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan nhận xét, để có mưa đá phải có mây giông rất mạnh và phát triển lên độ cao từ 7 đến 10 km. Trên đỉnh đám mây toàn là nước đá và khi có dòng thăng (không khí chuyển động rất mạnh) sẽ tạo ra mưa đá.

Theo Thạc sĩ Xuân Lan, cả nước mấy hôm nay bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ khá cao của nắng nóng. Tuy nhiên, ở miền Nam nóng đi kèm độ ẩm cao khiến bầu trời quang mây, cường độ bức xạ và nhiệt độ tăng cao. Từ sáng đến trưa nay tại TP.HCM, trời quang mây. Lúc 13 giờ nhiệt độ ngoài trời là 32,2 độ, nhưng do bầu trời quang mây nên nhiệt độ tối đa có thể từ 34 độ C hoặc hơn. Từ 14 giờ, phát triển mây đối lưu khiến mưa đá xuất hiện.

Ghi nhận cho thấy, cơn mưa đá chiều nay có hạt đường kính từ 1 đến 2 cm (cỡ đầu ngón tay cái). Theo bà Lan, xét về tác hại, trong nông nghiệp thì mưa đá sẽ làm dập hoa màu, nếu nhà có mái tôn cũ sẽ bị thủng, người đi đường có thể gặp tai nạn.

Do vậy, Thạc sĩ Xuân Lan khuyên rằng trong giai đoạn thời tiết khắc nghiệt hiện nay là khi thấy mây đen kéo đến, mưa giông thì nên tìm nơi trú ẩn.

Thạc sĩ Xuân Lan cho biết năm nào ở TP.HCM cũng đều ghi nhận có hiện tượng mưa đá, rơi vào đầu thời kỳ mùa mưa. Vào tháng 5.2011, tại Bình Dương, Bình Phước cũng đã ghi nhận hiện tượng mưa đá. Tuy nhiên, đến giờ mới thấy xuất hiện tại TP.HCM. Thường thì mưa đá ít xảy ra lập lại tại một địa phương. “Nếu hôm nay xảy ra mưa đá ở TP.HCM thì với điều kiện thời tiết tương tự, thì mưa đá có thể xảy ra ở những nơi lân cận”.

Thành Trung - Trí Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.