Thay vì mất thời gian tìm kiếm lùng sục khắp các cửa hàng, ngày nay người tiêu dùng chỉ cần một cái nhấp chuột là có thể chọn mua những mặt hàng giá rẻ đúng sở thích. Do vậy loại hình dịch vụ mua phiếu giảm giá - khuyến mãi (voucher) trên mạng đang thu hút đông đảo giới trẻ và các bà nội trợ.
Sức hút phiếu giảm giá
Loại hình dịch vụ bán hàng giá rẻ trên mạng đã phát triển trong vài năm gần đây, với những trang web như: cungmua…, nhom mua…, hot deal…, cung cấp các mặt hàng như phiếu ăn, dịch vụ làm đẹp, tour du lịch, hoạt động giải trí… Sau một vòng lướt net, nếu ưng ý dịch vụ nào, người tiêu dùng chỉ cần nhấp chuột và làm theo hướng dẫn trong trang web, voucher sẽ được giao tận tay.
Phương thức kinh doanh này sẽ làm cho cả ba bên - nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ, nhà kinh doanh khuyến mãi và người tiêu dùng - đều có lợi. Nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ có thêm khách hàng. Nhà kinh doanh cung cấp khuyến mãi có giá siêu khủng cho khách hàng, lúc đầu có thể phải chịu lỗ, nhưng bù lại thu hút được nhiều người sử dụng dịch vụ của mình và sẽ quay lại sử dụng trong lần sau. Còn người tiêu dùng có cơ hội mua được hàng giá rẻ.
Anh Trường, nhân viên văn phòng, cho biết: “Tôi thường xuyên vào trang dịch vụ mua sắm giá rẻ để kiếm phiếu giảm giá ăn uống tại các nhà hàng, quán ăn ngon, để đưa bạn gái đi ăn vào những ngày cuối tuần. Thường khi có phiếu, giá món ăn sẽ được giảm chỉ còn khoảng một nửa. Việc thường xuyên thay đổi quán ăn cũng làm bạn gái tôi thích và tôi cảm thấy hài lòng”.
Chị Thu Tâm, một khách hàng ưa chuộng dịch vụ mua hàng giá rẻ trên mạng, chia sẻ: “Nên mua phiếu ở những nơi có tên tuổi, thương hiệu uy tín. Và cũng nên tham khảo kỹ giá thị trường bên ngoài, đồng thời so sánh giá sản phẩm của nhiều trang bán hàng giá rẻ trên mạng với nhau để có một giá rẻ nhất. Cũng cần tham khảo ý kiến từ những người tiêu dùng khác để mua được sản phẩm giá rẻ và chất lượng tốt”.
Vào những dịp lễ, người tiêu dùng có thể kiếm phiếu giảm giá về thời trang, mỹ phẩm, tiệc buffet… làm quà tặng cho người thân với giá bình dân.
Những điều chưa biết
Khi đưa sản phẩm, dịch vụ của mình trên các trang web, người kinh doanh có dịp đánh bóng thương hiệu, được nhiều người biết đến hơn. Thực tế không có cơ sở kinh doanh, dịch vụ nào lại muốn nhận phần lỗ về mình. Thế nên những sản phẩm khi đưa lên mạng đã được “thổi giá” cao hơn, cho dù có giảm giá đến 70%, người mua vẫn không mua được giá rẻ.
Sau khi tìm hiểu qua vài trang web dịch vụ bán hàng giá rẻ, cuối cùng chị Phương Nga cũng mua được 4 phiếu dịch vụ tẩy lông (phải làm 4 lần trong hơn 1 năm để tẩy lông triệt để) tại một cơ sở spa trong hẻm đường Điện Biên Phủ (quận 3, TPHCM), giảm giá 80% chỉ còn 150.000 đồng/phiếu, trong khi ở nhiều nơi rao giá đến 900.000 đồng/lần.
Tranh thủ nghỉ buổi sáng, chị đến đây, nhưng khi đưa ra phiếu giảm giá thì nhân viên nói phải đặt trước 1 tuần, ghi lại tên, số điện thoại, số phiếu mua hàng. Chị đề nghị được làm ngay vì nhà xa, nhưng nhân viên cũng trả lời đó là quy định của cửa hàng, mặc dù lúc đó là đã hơn 10 giờ nhưng trong spa chỉ có 2 nhân viên và 1 bảo vệ, ngoài ra không còn khách hàng nào hết.
Đến khi sử dụng dịch vụ, chị Phương Nga mới tá hỏa vì phải bù thêm 300.000 đồng/lần; lỡ đã mua 4 phiếu nên chị cũng đành chấp nhận đóng thêm tiền. Nhưng chỉ sau khi tẩy lông được 5 tháng, lông chân chị mọc lại, chị trở lại khiếu nại nhưng chỉ được nghe giải thích là do cơ địa của chị. Chị Phương Nga đành chia tay với việc mua sản phẩm dịch vụ giá rẻ.
Tương tự, chị Kim Quyên mua phiếu giảm giá tại một tiệm làm tóc trên đường Tùng Thiện Vương (quận 8, TPHCM) với giá 100.000 đồng. Khi đến tiệm, nhân viên cho chị xem bảng giá dịch vụ cắt, duỗi, nhuộm…, nhưng đều có giá từ 600.000 - 700.000 đồng. Chẳng lẽ bỏ phiếu giảm giá đã mua, chị đành nhuộm tóc. Khi nhân viên pha thuốc, chị thất vọng khi thấy loại thuốc đó ngoài thị trường bán chỉ khoảng 50.000 đồng.
Phân biệt đối xử
Không chỉ bị mua hớ, chất lượng kém, người tiêu dùng còn bị phân biệt đối xử khi đưa ra phiếu giảm giá để mua sản phẩm dịch vụ. Đó là trường hợp của anh Hoàng Văn Thắng, khi mua được phiếu giảm giá quần áo, anh đến cửa hàng quần áo và được nhân viên chỉ qua một bên và cho biết chỉ mua được các mặt hàng giảm giá. Anh chọn quần áo và hỏi nhân viên về size thì bị lạnh nhạt trả lời: “Hết, chỉ còn có nhiêu đó, không mua thì thôi”. Lỡ mua phiếu rồi nên anh đành chọn đại cho xong.
Người tiêu dùng đang phải chịu nhiều thiệt thòi nhất, vì nhà cung cấp dịch vụ không bảo đảm chất lượng sản phẩm rao bán, chỉ quan tâm đến chiết khấu, bỏ mặc người tiêu dùng. Trong khi đó, hầu hết các nhà kinh doanh muốn tiêu thụ sản phẩm tồn kho không thanh lý được.
Thiết nghĩ, để tồn tại và tạo được chỗ đứng cho loại hình bán hàng trên mạng, các nhà cung cấp dịch vụ nên đặt quyền lợi người tiêu dùng lên trên hết. vì nếu không thay đổi cung cách phục vụ thì sớm muộn cũng bị người tiêu dùng tẩy chay.
Theo Sài Gòn Giải Phóng
Bình luận (0)