|
Với các bạn trẻ này, họ đã có một mùa hè đầy ý nghĩa, được cống hiến và trải nghiệm để trưởng thành hơn.
Mở cơ hội học tập cho bạn trẻ Việt
12g45 trưa. Trong phòng C205 Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, Hiền Lưu (20 tuổi, ĐH Notre Dame, Mỹ) đang hí hoáy viết bài lên bảng. Phòng kế bên, Minh Minh (21 tuổi, ĐH Berkeley, Mỹ) vừa nhẩm lại bài giảng vừa tranh thủ trò chuyện bằng chất giọng Huế lơ lớ với một vài học viên tới lớp sớm.
13g30. Tiết học bắt đầu. “Các bạn muốn ngồi trên ghế hay dưới đất?”, Hiền Lưu hỏi. Cả lớp nhao nhao và chọn ngồi dưới đất. Mặc tấm bảng chi chít chữ được soạn trước, không ngần ngại Hiền Lưu ngồi bệt ngay xuống sàn với mọi người. Dẫu quy định của lớp là chỉ sử dụng tiếng Anh, nhưng thi thoảng Hiền Lưu vẫn gắng giảng giải những kiến thức khó bằng vốn tiếng Việt ít ỏi của mình. Dạy hai lớp liên tục từ 13g30 tới 16g30, Hiền Lưu và Minh Minh vẫn tươi cười, liến thoắng.
Hiền Lưu và Minh Minh là hai trong số những tình nguyện viên người Mỹ gốc Việt của IVCE (Viện Văn hóa giáo dục VN tại New York, Mỹ) tham gia chương trình giảng dạy không lương các môn TOEFL, SAT, GMAT... tại VN hè 2012.
Trước đó vào đầu tháng 6, đoàn gồm 30 sinh viên Việt và Mỹ đến từ ĐH Houston (Mỹ) cũng đã thực hiện chuỗi hoạt động liên quan đến dự án Zero Interest Microfinance (nhằm gây quỹ, dạy nghề miễn phí và cho vay không lấy lãi tại một số khu vực nghèo ở VN).
Nhiều DHS cũng đã chủ động kết nối cùng bạn trẻ trong nước thực hiện các hoạt động cộng đồng. Điển hình trong số này là sự bắt tay giữa sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM với DHS Việt ở Mỹ, Singapore... để thương lượng, xin bản quyền và đem TEDx (một trong những sự kiện sẻ chia tri thức nổi tiếng khắp thế giới) về VN từ năm 2011 với tên gọi TEDxMekong. TEDxMekong 2012 dự kiến diễn ra vào đầu tháng 8 với sự tham gia của nhiều diễn giả uy tín trên thế giới.
“Tham gia TEDxMekong, các bạn DHS không nhận được bất kỳ khoản hỗ trợ nào, thậm chí họ còn phải bỏ tiền túi ra và tốn rất nhiều thời gian. Dẫu vậy các bạn vẫn tham gia hết mình và không nề hà việc nặng nhọc, khó khăn...”-Trương Lê Quỳnh Tương (SV ĐH Kinh tế TP.HCM, trưởng BTC sự kiện TEDxMekong 2012) cho biết.
Đi để hoàn thiện chính mình
“Lớn lên tại Mỹ nên tôi có rất nhiều khoảng cách với gia đình. Tôi mong những chuyến về quê hương sẽ giúp bản thân hiểu rõ hơn ngôn ngữ, văn hóa Việt, để từ đó gần gũi hơn với cha mẹ”, Hiền Lưu chia sẻ. Đó cũng là câu trả lời chung của nhiều bạn trẻ thuộc chương trình IVCE.
Không giấu được sự xúc động khi tiếp xúc với những bạn trẻ Việt đồng trang lứa kém may mắn, Sean Trần và Matthew Lakis, Sam Kahler (15 tuổi, Trường trung học Brisbane Grammar, Úc) cho biết những chuyến rong ruổi khắp chiều dài đất nước VN, tận tay san sẻ tình thương cùng những mảnh đời kém may mắn đã giúp họ nhận ra: “Chúng tôi trước giờ chỉ biết học và hay chểnh mảng việc nhà. Nhờ chuyến đi này, chúng tôi biết quý trọng cuộc sống của mình hơn, và tự thấy bản thân cần quan tâm hơn nữa đến gia đình, cộng đồng”.
H.Minh (một DHS Mỹ) kéo ống quần để lộ cẳng chân chi chít sẹo, lém lỉnh nói: “Gia đình bao bọc tôi kỹ lắm. Nếu biết tôi bị đỉa, muỗi cắn hay xước chân như thế này thì chắc cấm cản ngay”. Dẫu vậy, bạn khẳng định mùa hè đi dạy ở vùng sông nước miền Tây vừa qua là những thử thách cần thiết giúp bản thân thêm cứng cáp, bản lĩnh.
“Từng nhận được sự hỗ trợ hết mình của các anh, chị cựu DHS trong những năm trước, chúng tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm và nghĩa vụ san sẻ những cơ hội này cho người đi sau”, đó là sẻ chia của các bạn Đoàn Nguyễn Duy Anh (Học viện MIT, Mỹ), Diêm Anh Thư (ĐH Franklin & Marshall, Mỹ)... khi tham dự hội thảo Chuyền đuốc 2012.
Với mong muốn được sẻ chia tri thức, cơ hội học tập ở nước ngoài, nhiều DHS chọn cách tổ chức các hội thảo, buổi trò chuyện ngắn. Nếu như hội thảo Chuyền đuốc 2012 (do Vietabroader, tổ chức DHS VN tại Mỹ, điều hành) tiếp tục đem đến cho các bạn trẻ Việt cơ hội học bổng, du học (sẽ diễn ra vào 21-7 tại TP.HCM và 22-7 tại Hà Nội) thì hội trại khởi nghiệp Thắp sáng (do Mạng lưới khởi nghiệp trẻ VN-VYE điều hành) lại đem về VN chương trình học với sự tham gia giảng dạy của các giáo sư từ các trường đại học hàng đầu trên thế giới như Stanford (Mỹ), Cambridge (Anh)... Bên cạnh đó là các dự án dạy trẻ em nghèo Compassion Vietnam của học sinh Trường Brisbane Grammar School (Úc), buổi chia sẻ bí quyết học tập của những DHS Việt từng là thủ khoa, á khoa (trong kỳ thi tốt nghiệp cấp III tại Úc) ở TP.HCM... |
Mê dạy đến mức quên hạn visa ở VN! Khởi động tại TP.HCM từ hè năm 2005, IVCE hiện đã đem chương trình tới nhiều nơi như Nha Trang, Thái Nguyên, Cần Thơ... Nhiều bạn trẻ Việt kiều đã không ngần ngại xách balô đi dạy khắp nơi dù phải tự túc tiền vé máy bay, chi phí sinh hoạt... Tuy có bạn từng bị mất xe máy, bạn thì đổ bệnh vì không thích nghi được với thời tiết tại VN... nhưng hầu hết các bạn đều tham gia nhiệt tình. Thậm chí có bạn mê dạy tới mức quên... ngày hết hạn visa ở VN! Những kỷ niệm đó khiến tôi cũng như các bạn trẻ Việt vừa xúc động vừa thêm quý họ. Thắng Trần (chủ tịch IVCE) |
Theo Công Nhật / Tuổi Trẻ
Bình luận (0)