Mưa lũ tiếp tục gây sạt lở núi, cô lập nhiều địa phương

06/11/2011 12:37 GMT+7

(TNO) Mưa lũ tiếp tục diễn biến phức tạp tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam trong các ngày 5 và 6.11. Tại H.Bắc Trà My hàng trăm điểm sạt lở xuất hiện, nước lũ cầu ngầm sông Trường dâng cao cùng với đất đá sạt lở khiến 5 ngôi nhà của người dân bị hư hại.

>> Liều mình vượt qua điểm sạt lở
>>
Lũ các sông miền Trung lên cao
>> Thông nhiều tuyến đường về các xã vùng cao

Nặng nhất là hộ chị Nguyễn Thị Liễu (thôn 1) và hộ anh Châu Lễ (thôn 2). Hộ chị Liễu bị quả đồi phía sau nhà đổ sập xuống, làm vỡ bức tường sau, đất đá, nước bùn tràn vào nhà. Nhà anh Châu Lễ bị nước lũ Sông Trường dâng cao, cuốn trôi toàn bộ vật dụng. Ngôi nhà chỉ còn cách dòng lũ và vực sâu xói lở hơn 1m. Chính quyền xã Trà Giang đã huy động lực lượng tại chỗ đến giúp đỡ, tháo dỡ nhà, chuyển dời đến nơi an toàn.


Ngôi nhà chị Nguyễn Thị Liễu ở thôn 1, xã Trà Giang (Bắc Trà My, Quảng Nam) bị quả đồi phía sau nhà đổ sập xuống, làm vỡ bức tường sau, đất đá, nước bùn tràn vào nhà - Ảnh: Hồ Trọng


Tại thôn 2, xã Trà Mai, 10 hộ dân phải di dời khẩn cấp vì núi sạt lở - Ảnh: Nguyễn Tú

Tại thị trấn Trà My và xã Trà Tân có 20 nhà dân bị ngập lụt, lực lượng thanh niên xung kích địa phương đã ra quân giúp đỡ thu dọn, vận chuyển đồ đạt bảo vệ an toàn tính mạng tài sản cho các hộ bị ngập.

Còn tại thôn 2, xã Trà Mai, H.Nam Trà My, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão huyện cho hay vào lúc 12 giờ trưa nay 6.11, 2 ngôi nhà của người dân đã bị sạt lở xuống vực, 10 hộ dân cùng 20 nhân khẩu được sơ tán khẩn cấp đến Nhà cộng đồng phòng tránh thiên tai của huyện.

Khoảng 10 giờ ngày 5.11, ông Huỳnh Văn Thanh (60 tuổi, dân tộc Cor) trú tại thôn 5A, đi xe máy chở theo con trai Huỳnh Văn Giới (16 tuổi) qua cầu ngầm suối TaLak giáp ranh giữ thôn 5A và thôn 3 thì bị lũ ống đột ngột dâng cao, cuốn trôi cả xe máy và hai cha con. Rất may, ông Thanh và con trai bám được cành cây và thoát chết. Chiều cùng ngày người dân địa phương đã tìm được xe máy, cách địa điểm bị cuốn trôi hơn 100m, xe máy bị va đập hư hỏng hoàn toàn.

Hầu hết các tuyến đường liên thôn, liên xã đều bị chia cắt do nước lũ và sạt núi. Có hàng chục điểm sạt lở lớn tại các tuyến đường Trà My đi Trà Bồng (Quảng Ngãi) đoạn qua xã Trà Giang, tỉnh lộ 616 thuộc thôn 8 xã Trà Tân và tuyến đường liên xã về Trà Bui với hàng chục hàng ngàn khối lượng đất đá cây cối khổng lồ đổ xuống, vùi lấp toàn bộ nền đường, giao thông tắc nghẽn.


Lực lượng tại chỗ hỗ trợ tháo dỡ, chuyển dời nhà dân đến nơi an toàn - Ảnh: Hồ Trọng

Đồng ruộng bị nước lũ bao phủ, các công thủy lợi, cầu cống đều bị nhấn chìm, xói lở và hư hỏng. Huyện Bắc Trà My đã bố trí lực lượng kiểm tra nắm bắt tình hình, hỗ trợ lương thực cho các hộ dân bị thiệt hại nhà ở và triển khai các biện pháp khắc phục nhanh các tuyến giao thông huyết mạch.

Ông Huỳnh Ngọc Thiệu, Trưởng phòng NN-PTNT, Phó Ban trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn huyện cho biết: “Trước mắt những hộ dân bị hư hỏng nhà, huyện hỗ trợ mỗi hộ 30kg gạo để có cái ăn no đủ di dời đến nơi ở tạm. Các tuyến đường huyết mạch về xã Trà Giang và lên xã Trà Bui trước đó huyện đã bố trí hai xe múc và xe tai tải cơ động sẵn để san ủi, xúc dọn khi có sạt lở, thông tuyến nhanh, tránh cô lập dài ngày”.

Thời tiết ở huyện Bắc Trà My hiện vẫn liên tục có mưa lớn. Tình trạng chia cắt, cô lập tại sẽ còn có kéo dài. Nhất là tại cầu ngầm Sông Trường, thủy điện Sông Tranh 2 liên tục xả lũ với toàn bộ 6 cửa xả, làm nước hạ du Sông Tranh dâng cao. Kéo theo đó nước lũ ở khu vực ngầm sông Trường đổ ra sông Tranh rút rất chậm nên mực nước lũ băng qua ngầm sông Trường luôn giữ ở mức cao hơn 3m làm tuyến đường độc đạo lên 5 xã vùng vùng cao của huyện Bắc Trà My và lên huyện Nam Trà My hoàn toàn bị cắt đứt.


Tuyến đường Trà My (Quảng Nam) - Trà Bồng (Quảng Ngãi) bị sạt lở nghiêm trọng, giao thông hoàn toàn ách tắc - Ảnh: Hồ Trọng

Do bị cô lập, chia cắt nên việc kiểm tra nắm bắt tình hình thiệt hại, huy động lực lượng khắc phục hậu quả lũ lụt tại huyện Bắc Trà My đang gặp rất nhiều khó khăn.

Tuyến đường ĐT 616 từ huyện Bắc Trà My đoạn từ xã Trà Đốc, Trà Bui, Trà Giác đến huyện Nam Trà My có nhiều điểm bị sạt lở nghiêm trọng, giao thông bị ách tắc từ sáng 5.11.

Đơn vị duy tu, bảo dưỡng là công ty TNHH Nghĩa Thành đã huy động phương tiện đến các điểm sạt lở đào đắp, nhưng do khối lượng đất đá sạt lở quá lớn và nhiều điểm sạt lở nên đến trưa ngày 6.11, giao thông lên huyện Nam Trà My và các xã vùng cao Bắc Trà My vẫn bị ách tắc hoàn toàn.

Lũ cuốn 10 người thiệt mạng

Ngày 6.11, Trung tâm Phòng chống lụt bão khu vực miền Trung-Tây Nguyên cho biết đợt lũ mới kéo dài một tuần qua đã cướp đi sinh mạng 10 người dân miền Trung.

Nhiều tỉnh thành từ Quảng Bình đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên có mưa to đến rất to. Một số nơi có lượng mưa lớn nhất từ đầu mùa mưa lũ đến nay như Thượng Nhật 483 mm, Khe Tre 561 mm (Thừa Thiên-Huế), Trà My 330 mm (Quảng Nam), Sơn Giang 229 mm (Quảng Ngãi).


Người dân vẫn liều lĩnh bắt cá giữa dòng nước lũ ở xã Trà Giác, H.Bắc Trà My (Quảng Nam) dù đã có 8 người chết vì lũ cuốn - Ảnh: Nguyễn Tú

Từ ngày 30.10 đến nay lũ ống tại Quảng Nam đã cuốn chết 8 người, TP.Đà NẵngThừa Thiên-Huế mỗi tỉnh một người thiệt mạng vì lũ bất ngờ.

Ngoài ra tại TP.Đà Nẵng, 3 ngư dân đánh bắt cá tại cầu Trường Định trên sông Cu Đê cũng bị lốc xoáy làm lật ghe. Anh Phạm Ngọc Nhân (26 tuổi, trú thôn Phú Hòa, xã Hòa Nhơn, H.Hòa Vang) cùng 2 ngư dân khác bị sóng cuốn trôi ra tận biển thuộc P.Hòa Hiệp Bắc, Q.Liên Chiểu.

Rất may, các cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng 244 đã dùng xuồng máy vớt được các ngư dân, riêng phương tiện hiện đang được trục vớt.

Nguyễn Tú

Thủy điện lại xả lũ

Từ đêm qua đến sáng nay 6.11, nhiều tỉnh thành từ Quảng Bình đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên có mưa to đến rất to. Một số nơi có lượng mưa lớn nhất từ đầu mùa mưa lũ đến nay như Thượng Nhật 483 mm, Khe Tre 561 mm (Thừa Thiên-Huế), Trà My 330 mm (Quảng Nam), Sơn Giang 229 mm (Quảng Ngãi).

Hiện hầu hết lũ các sông từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi đang xuống chậm, dao động ở báo động (BĐ) 2, riêng hạ lưu các sông Quảng Nam đang lên, dự báo sẽ đạt đỉnh trong hôm nay 6.11 và xuống chậm dần.


Thủy điện tại Quảng Nam xả lũ trong khi miền Trung đối diện với trận mưa lớn nhất từ đầu mùa - Ảnh: Nguyễn Tú

Trong khi đó, các hồ chứa thủy điện đã đầy và tiếp tục xả lũ điều tiết như: Bình Điền, Hương Điền (Thừa Thiên-Huế); A Vương, Sông Tranh 2 (Quảng Nam); Sông Ba Hạ (Phú Yên); Plai Krông (Kon Tum); Sê San 3,  Sê San 4, Sê San 4A (Gia Lai), Buôn Kuốp, Serepok 3, Buôn Tua Srah (Đắk Lắk).

Các hồ chứa thủy lợi cũng đang xả lũ như hồ Cẩm Ly, An Mã, Phú Vinh, Tiên Lang, Vực Nồi (Quảng Bình); Kinh Môn, Ái Tử, La Ngà, Nghĩa Hy (Quảng Trị); Truồi, Hòa Mỹ (TT Huế); Hòa Trung (Đà Nẵng); Khe Tân, Thạch Bàn, Phước Hà, Hố Giang (Quảng Nam); Diên Trường (Quảng Ngãi).

Nguyễn Tú

Hồ Trọng - Thùy Trang - Nguyễn Tú

>> Xé bùn đến với người dân vùng lũ
>> Thừa Thiên Huế: Lũ đột ngột dâng cao
>> Đà Nẵng khẩn trương chống lũ
>> Nước lũ cô lập miền Trung
>> Đà Nẵng: Mưa ngập nhiều khu dân cư

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.