Muốn kiếm con phải chịu khó

12/09/2012 09:58 GMT+7

Rầu rĩ bước ra từ cổng Khoa Hiếm muộn Bệnh viện (BV) Từ Dũ, chị N.H.T.B (31 tuổi, ngụ tại Đồng Nai) cho biết hôm nay, hai vợ chồng đi chọc hút trứng và lấy tinh trùng nhưng cuối cùng không làm được.

“Mệt mỏi, bầm tím cả vùng bụng vì tiêm thuốc kích thích trứng suốt mấy tuần, đến ngày tiêm mũi thuốc làm rụng trứng, tôi lại bận việc nên về nhà chích trễ nửa ngày, vậy mà hỏng hết” - chị than thở.

Dở khóc dở cười những mũi thuốc tiêm sai

Theo ThS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó Giám đốc BV Từ Dũ, quy trình điều trị hiếm muộn bằng thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON)  bao gồm: Làm các xét nghiệm, hoàn chỉnh hồ sơ để được chỉ định TTTON; hẹn lịch làm việc; người vợ tiến hành các xét nghiệm tiền mê, khám và thực hiện kích thích buồng trứng; chọc hút trứng, lấy tinh trùng và cấy trong môi trường nhân tạo để hình thành phôi; chuyển phôi; thử thai sau 2 tuần.

Trong đó, bước tiêm các liều thuốc kích thích trứng và liều thuốc hCG để trưởng thành noãn, làm rụng trứng thì các cặp vợ chồng có thể chọn phương án tự làm tại nhà nếu không có điều kiện đến BV nhiều lần để thực hiện. Chính vì vậy, nhiều người chọn tiêm tại nhà đã mắc phải sai sót đáng tiếc. Đây lại là giai đoạn tốn kém nhất, chiếm phần lớn tổng chi phí điều trị bởi giá thuốc có thể lên đến vài chục triệu đồng (tổng chi phí toàn bộ quy trình TTTON tại BV Từ Dũ khoảng 30-40 triệu đồng).

“Liều thuốc hCG phải chích đúng vào giờ đã ghi trên toa, đúng vị trí, pha đúng cách. Nhiều bệnh nhân đến lúc chọc hút trứng thì trứng đã thoái hóa vì các sai sót khi tiêm thuốc. Có người không chích đúng giờ, có người pha chế sai - loại thuốc này gồm 2 thành phần bột và nước, bệnh nhân quên pha với nhau mà chỉ chích phần nước, có người chích bụng như các liều thuốc kích trứng, trong khi riêng liều này phải chích bắp (mông hoặc tay)” - BS Tuyết cho biết.

Phụ thuộc nhiều vào người vợ

TTTON được chỉ định trong một số trường hợp hiếm muộn: Vợ tắc vòi trứng, lớn tuổi; chồng tinh trùng yếu, ít, dị dạng, không tinh trùng; đã thụ tinh nhân tạo bằng cách bơm tinh trùng vào buồng tử cung nhiều lần nhưng thất bại. Tại các nước đi đầu trong lĩnh vực này, tỉ lệ thành công có thể đạt 40%-50%. Tại các BV của Việt Nam, xác suất này trên dưới 40%, là con số cao so với nhiều nước trong khu vực. Đối với từng cặp vợ chồng “đi tìm con”, tỉ lệ thành công này còn phụ thuộc vào tuổi tác, cơ địa, sự tuân thủ chặt chẽ phác đồ và cách chăm sóc bản thân khi điều trị.

Theo ThS-BS Đặng Quang Vinh, Trung tâm Nghiên cứu Di truyền và Sức khỏe sinh sản (Khoa Y - ĐH Quốc gia TPHCM), Khoa Hiếm muộn BV Đa khoa Vạn Hạnh, kết quả của một chu kỳ TTTON phụ thuộc vào nhiều yếu tố: chất lượng phôi chuyển, chất lượng của niêm mạc tử cung - vốn phụ thuộc nhiều vào cơ địa của người phụ nữ; các phác đồ kích thích buồng trứng; hoạt động của labo thụ tinh ống nghiệm.

BS Tuyết lưu ý: “Ở phụ nữ 20-30 tuổi, tỉ lệ thành công đến 40%-50%, 30-40 tuổi thì còn 30%-40%, trên 40 tuổi chỉ còn hơn 10%. Do đó, nếu phát hiện tình trạng hiếm muộn và có khả năng TTTON thì nên tiến hành sớm”.  Tỉ lệ này còn phụ thuộc vào chất lượng và số lượng trứng của người phụ nữ - trứng tốt, nhiều sẽ tạo được nhiều phôi, chất lượng tốt. Thông thường khi TTTON, người ta chỉ đưa vào tử cung 2-3 phôi, còn lại sẽ trữ lạnh và sử dụng tiếp nếu chưa đậu thai.

Có càng nhiều phôi, tỉ lệ thành công sẽ được cộng dồn và các cặp vợ chồng không phải tốn kém thực hiện lại công đoạn kích thích trứng trước đó. Ngoài ra, việc đậu thai còn phụ thuộc vào chất lượng của niêm mạc tử cung; các phụ nữ có bệnh lý về sinh dục, tử cung, đã nạo hút thai nhiều lần, tỉ lệ thành công thấp hơn. Số lượng, chất lượng tinh trùng ở người chồng cũng ảnh hưởng đến khả năng thành công của phương pháp này, tuy nhiên, ở nam giới thì chưa có nghiên cứu nào cho thấy sự ảnh hưởng của tuổi tác như ở phụ nữ. Hiện tỉ lệ thành công tại BV Từ Dũ đạt 40%-45%.

BS Vinh khuyến cáo: “Để bảo đảm cơ hội thành công ở mức cao nhất, người vợ cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình điều trị đã được BS tư vấn. Tâm lý cũng rất quan trọng, nhiều nghiên cứu đã cho thấy khi căng thẳng, cơ thể sẽ tăng tiết một số chất làm ảnh hưởng đến cơ hội có thai. Đối với người chồng, nên hạn chế tối đa việc hút thuốc lá và uống rượu, bia vì điều này có thể ảnh hưởng nhiều đến chất lượng của tinh trùng. Việc không xuất tinh trước ngày chọc hút trứng từ 2-7 ngày cũng có thể giúp tinh trùng có được chất lượng tối ưu”.

Nhiều nơi thực hiện

Theo ThS-BS Lê Thị Minh Châu, Phó trưởng Khoa Hiếm muộn BV Từ Dũ, để điều trị hiếm muộn, các cặp vợ chồng cần mang theo CMND và giấy đăng ký kết hôn đến các BV để được tư vấn, khám và xét nghiệm sản phụ khoa ở vợ, kiểm tra tinh dịch đồ ở chồng, xét nghiệm một số bệnh lý, từ đó chỉ định thụ tinh nhân tạo bằng cách bơm tinh trùng hay TTTON và tư vấn các bước tiếp theo.

Trước khi thực hiện, các cặp vợ chồng nên bảo đảm sức khỏe đang trong tình trạng tốt, sắp xếp công việc để có thể theo đuổi phác đồ có yêu cầu nghiêm ngặt về thời gian, chuẩn bị chi phí điều trị. Hiện nay, tại  TPHCM có khá nhiều nơi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm như các BV Từ Dũ, Hùng Vương, Đa khoa Vạn Hạnh, Phụ sản Quốc tế Sài Gòn…

Quá trình thụ tinh trong ống nghiệm, các sai lầm khi tiêm thuốc kích thích trứng và trưởng thành noãn tại nhà có thể khiến cả quá trình thụ tinh trong ống nghiệm “xôi hỏng bỏng không”

Theo Anh Thư / Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.