Mưu sinh dưới đáy đại dương

02/01/2012 01:55 GMT+7

Ở biển Tây (Nam bộ), nghề lặn biển hấp dẫn cánh đàn ông từ bao đời nay nhưng cũng đầy bất trắc khiến bao nhiêu cảnh ngộ sinh nghề tử nghiệp.

Ở biển Tây (Nam bộ), nghề lặn biển hấp dẫn cánh đàn ông từ bao đời nay nhưng cũng đầy bất trắc khiến bao nhiêu cảnh ngộ sinh nghề tử nghiệp.

Cách cảng An Thới (H.Phú Quốc, Kiên Giang) không xa, Hòn Gỏi nằm giữa nhóm đảo chằng chịt vốn là nơi dung dưỡng không ít người tứ cố vô thân. Trên những chiếc ghe nhỏ, dân Hòn Gỏi chu du từ quần đảo Hải Tặc, qua vùng Cổ Gồng, xuống Nam Du, Thổ Chu… Họ tham gia vào các sự kiện “nóng” ở dưới đáy biển Tây Nam, như tìm kiếm ở các con tàu đắm bí ẩn, quần thảo ngọc trai, đục dương đen ở mực nước chết tận ngoài hải phận quốc tế…

Mở mắt dậy là... chui xuống biển

Nhiều thập niên trước, Hòn Gỏi chỉ có trên chục nóc gia sống bằng nghề câu, lặn mé bắt ốc, hải sâm bán về đất liền. Nằm trong vùng biển trù phú với vô số ngọc trai và những con tàu đắm chứa đầy cổ vật, thế nhưng chẳng ai nghĩ phải làm gì với mớ tài sản khổng lồ ở sâu dưới đáy. Chỉ đến khi nghe đồn một người đi biển ở An Thới may mắn lặn được con sò điệp ngậm hạt ngọc thật to, bán đủ tiền đóng được vài chiếc xuồng đi biển, người dân Hòn Gỏi cùng nhiều đảo khác trong vùng vịnh bắt đầu cuộc “đổ bộ” xuống đáy biển.


Sau chuyến lặn bị “tê”, thợ Hà Văn Tài trở về với tấm thân bất toại - Ảnh: Tiến Trình

Ông Võ Minh Quang (Hai Quang), một thợ lặn kỳ cựu đã giải nghệ, nhớ lại: Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, nhiều ghe từ các vùng biển xa đã đến đây quăng neo. Những con người “bèo nước gặp nhau” nhanh chóng kết thân và cùng… rủ nhau xuống biển. Lần này, dân đảo không chỉ lặn “hơi tài” (lặn không cần dưỡng khí) mà mua bình nén khí, máy nổ và dây thông hơi dài hàng trăm mét để “làm ăn lớn” hơn. Nếu trước đây, thợ lặn giỏi lắm cũng chỉ lặn sâu được 5-7m nước, thì với phương tiện hỗ trợ, họ có thể lặn sâu 50-60 sải nước (một sải tương đương 1,6m). Vẫn săn tìm sò điệp, nếu hên thì có ngọc, còn ngược lại, vỏ của loại sò này cũng có giá trị cao. Ngư dân Lê Văn Đực kể: “Hồi đó, vỏ sò điệp được thương lái mua về bán lại cho các cơ sở sơn mài ở miền Đông. Bán 5 vỏ sò là mua được 1 chỉ vàng rồi, ham lắm!”.

Cùng với sự kiện hàng loạt tàu cổ được phát hiện rải rác các nơi trong vùng vịnh, cơn sốt ngọc trai, sò điệp, hải sâm… là hấp lực lớn để nhiều ngư dân bỏ câu, bỏ lưới tìm xuống đáy sâu. Hòn Gỏi lại tiếp nhận nhiều thanh niên trai tráng các nơi tìm đến để học nghề thợ lặn và nơi đây trở thành “thủ phủ” của dân làm nghề bám đáy biển. Một thợ lặn lâu năm trên đảo đúc kết: “Ở đây đàn bà, con nít mở mắt dậy đã nhìn ra biển. Đàn ông mở mắt dậy là chui xuống biển”.

Trở về từ đáy biển

“Nhà thằng Thới, nhà Chín Nu, Phúc “đại ca”, Tiền con Út An, Cò, Hải, Kiên là…9!”. Anh Phạm Bá Phước (Hải), người giữ đền cá ông trên đảo bấm ngón tay điểm tên những thợ lặn quá cố. Sống đời nổi trôi, hai mươi năm trước, anh trôi dạt về đây và được dân đảo cưu mang để theo nghề lặn nước sâu. Hải được người dân Hòn Gỏi quý mến nhờ tánh hay giúp người. Không biết chữ, anh nhờ đám con nít ghi lại tên của những người tử nạn, hoặc bị “tê” (tai biến) nhưng còn sống. Hải nói, từ khi anh về đây đến nay trên đảo đã có 18 thợ lặn bỏ mạng, 2 người tàn phế; còn số bị thương, chân teo thì “không thể đếm hết”.


Một góc đảo Hòn Gỏi - Ảnh: Tiến Trình

Dọc hai bên triền dốc vắt ngang đảo, những xóm nhà san sát nép dưới rặng cây. Trong khung cảnh yên bình, đám con nít nhảy lò cò dưới tán dừa, thỉnh thoảng lại ùm xuống biển, thi nhau lặn. Bên mâm rượu với những người vừa từ đáy biển trở về, ông Trưởng ấp Hòn Gỏi nói đảo nhỏ này có 100 hộ dân thì có đến 80 hộ làm nghề thợ lặn. Còn những thợ lặn lại nói con số ấy nhiều hơn. “Tới Hòn Gỏi, hễ thấy người nào chân bị teo tóp hoặc đi cà thọt, thì đích thị là thợ lặn”, anh Nguyễn Văn Tốt chỉ cách nhận diện đồng nghiệp của mình, với chúng tôi. Theo anh, đó là hậu quả của những lần bị “tê” dưới đáy biển. Nhiều người bị nạn được đồng nghiệp giảm áp (bằng cách đưa trở lại đáy biển với độ sâu và thời gian tương ứng khi nạn nhân xuống biển trước đó - PV) thì giữ được mạng, nhưng không sao tránh khỏi những dị tật như các cơ chân không phát triển, thậm chí bại liệt.

Hải dẫn tôi đến nhà anh Hà Văn Tài (29 tuổi). Ba năm trước, sau một ca lặn, Tài lên tàu khi thấy bụng hơi đau. Nằm ngủ một lát, thức dậy thì toàn thân tê buốt. Bạn lặn lập tức đưa anh trở lại đáy biển nhưng không còn kịp. Gia đình chở anh lên TP.HCM chữa trị, nhưng cũng chỉ cứu anh thoát khỏi đời sống thực vật. Tuy không họ hàng thân thích, Hải cũng bỏ công ăn việc làm theo nuôi Tài 4 tháng trời. “Trước ba nó còn sống, người ta chỉ ở đâu tui cũng đưa nó đi. Giờ ổng chết rồi, không còn ai quơ quào lo tiền chữa trị cho nó nữa”, mẹ Tài rơi nước mắt. Thấy khách lạ đến nhà Tài, bà Lê Thị Có chạy sang bắt chuyện. Bà nói, anh Tạ Quốc Sinh con bà cũng bị “tê” trong một lần lặn tìm ngọc trai. Mặc dù đã được đưa lên TP.HCM điều trị, nhưng hiện Sinh vẫn phải sống đời thực vật. “Hôm thằng Sinh gặp nạn, thằng Hùng (Lê Quang Hùng) tức tốc đưa em trở lại đáy biển để giảm áp, nhưng bất cẩn giờ cũng bị tê liệt một chân. Ở đây không chỉ có 2 đứa con tôi, mà thợ lặn bị “tê” nhiều lắm. Nếu gặp được thầy thuốc giỏi, nhà báo nhớ chỉ giùm nhé…”, bà Có khẩn thiết.

Ở lưng chừng dốc, chúng tôi ghé lại ngôi nhà của bà Phạm Thị Vận. Bà có 2 con là Hạnh, Phúc - đều là thợ lặn và đều lần lượt bỏ bà mà đi. Anh Phúc bỏ lại người vợ trẻ với 4 đứa con, đứa lớn nhất 12 tuổi, đứa nhỏ 6 tuổi. Trong đó, cháu Nguyễn Thị Bích Liên bị suy thận mãn tính. Giờ em phải tự chống chọi với bệnh tật do không có tiền thang thuốc.

Hải nói dân “tê” ở trên đảo này nhiều kể không hết. Nhà ông Đực bị què, nhà ông Lạc bên đây cũng què. Bên đây nhà thằng Hải chết, vợ dẫn con đi biệt xứ. Trong kia là mộ ông Kim, vợ bỏ đi, nay mồ mả lạng hết… Còn đằng kia là mộ thằng Thái, quê tận Cà Mau. Nó lặn chết mấy năm rồi, nhưng vợ vẫn ở đây chăm sóc mồ mả… “Còn phần tui không vợ con, nếu có chết thì bà con cô bác ở đây chắc không bỏ”, Hải ngậm ngùi.

Tiến Trình

>> Truyền nhân của làng nghề bốn thế kỷ
>> Gian nan nghề... ụ ốc lác
>> Gian truân đời công nhân - Kỳ 4: Khó nói chuyện chồng con

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.