Mưu sinh với nghề nguy hiểm - Kỳ 10: Lơ lửng thợ leo cây

08/10/2014 03:00 GMT+7

Nghề leo cây xanh đòi hỏi người thợ phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, không chỉ cho chính mình mà còn cho đồng nghiệp và người đi đường. Chỉ một sơ suất là có thể dẫn đến tai nạn.


Người thợ leo không chỉ biết leo mà phải thuần thục nhiều kỹ năng - Ảnh: Diệp Đức Minh

Hơn 30 năm theo nghề, anh Hứa Văn Son giờ là Tổ trưởng Tổ 5 thuộc Xí nghiệp quản lý cây xanh số 2 - Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh TP.HCM.

Ăn cơm dưới đất, làm việc trên trời

Anh Son kể lúc mới vào nghề cũng sợ độ cao lắm, dần dần mới quen. Anh nói vui rằng mình làm cái nghề không giống ai: “Ăn cơm dưới đất, làm việc trên trời; công việc thì trên tàn (tán lá của cây), dưới mạt (mạt cưa); lại hơi bị chảnh là chạy xe trên đường cứ nhìn lên trời, mà không nhìn thì làm sao biết cành nào cần xử lý!”.

Anh Nguyễn Minh Thiện, 26 tuổi - vào nghề 3 năm, cho biết hồi nhỏ nhà ở Q.2, dừa nhiều lắm, trèo leo giỏi nên thỉnh thoảng có người thuê hái dừa. Tưởng chỉ giỏi leo trèo là đủ, vào đây mới biết nghề này đòi hỏi tính an toàn tuyệt đối, người thợ ngoài chuyện phải có sức khỏe tốt còn phải có kỹ năng.

Quả thật, kỹ năng là điều mà bất cứ người thợ leo nào cũng phải học hỏi và thực hiện thuần thục. Anh Son cho hay người leo cây giỏi khi vào học nghề cũng chưa thể cho leo cây ngay được mà phải bắt đầu từ những việc như cưa, chặt, thu dọn cành nhánh ở dưới đất. Mà phải chặt bằng dao, cưa bằng cưa tay chứ không được dùng cưa máy. Anh Son giải thích: Khi leo lên cây để làm, người thợ phải có đôi chân thật khỏe để đứng chắc chắn trên cành nhánh, để khi bất chợt có cơn gió thổi qua, cành nhánh đung đưa cũng vững vàng làm việc; phải có đôi tay thật mạnh để bám vào cây, leo từ cành này qua nhánh kia. Do vậy, việc phải chặt bằng dao, cưa bằng cưa tay là để các cơ bắp săn chắc hơn, sức khỏe tốt hơn. Khi có sức khỏe tốt rồi, người học việc còn phải học nhiều kỹ năng khác nữa mới được cho leo cây.

Cực nhọc và nguy hiểm

Mùa mưa, người thợ phải thay nhau mỗi tổ trực 1 tuần 24/24 giờ. Điều này không có nghĩa là những anh em khác được ngủ yên ở nhà. Đêm hôm mưa gió, nếu chỉ có một vài cây ngã đổ thì tổ trực có thể giải quyết được. Nhưng khi có nhiều cây ngã đổ thì những người thợ ở nhà sẽ được điều động đến hỗ trợ tổ trực giải tỏa cây xanh. Mùa mưa là vậy, mùa nắng thỉnh thoảng cũng có vài người thợ đang ngủ ngon giấc ở nhà thì được gọi dậy đi giải tỏa cây xanh, có khi về đến nhà 2 - 3 giờ sáng.

Làm nghề này bị ong đốt, kiến cắn là chuyện như cơm bữa. Có người phải đi bệnh viện vì bị ong đốt nhiều mũi. “Mới tuần rồi, vừa quăng dây, leo lên cây định cột dây vào cành thì sờ trúng tổ ong, bị đốt mấy nhát, phải tuột xuống. May mà không bị gì. Gặp tổ ong thì phải né, tìm cách đuổi chúng đi nơi khác, hôm sau mới trở lại làm được” - anh Thiện cho biết. Cũng có tai nạn không phải từ trên trời mà ở dưới đất. Một người thợ đang đứng chặn xe để đảm bảo an toàn cho việc chặt, mé cành cây thì bị một người đi đường chạy xe lơ đãng, không chú ý tông vào, gãy chân.

Phương tiện cơ giới chủ yếu của người thợ leo hiện nay là những chiếc cưa máy. Nhưng có lúc buộc phải dùng đến cưa tay, như những cành cây bị cong xuống do tán lá nặng quá, muốn giữ cành đó lại thì phải cắt nhánh. Nếu dùng cưa máy, khi cắt xong nó sẽ bật lên bất ngờ và rung lên bần bật với một lực rất mạnh, có thể hất người thợ văng ra khỏi cành. Dù có cột dây an toàn ở lưng đi nữa, người thợ cũng có thể bị gãy xương sống như chơi.

Người thợ giờ có xe thang cao 24 m để hỗ trợ, nhưng cả công ty hiện nay chỉ mới có 2 chiếc, chia đều cho 2 xí nghiệp. Xí nghiệp quản lý cây xanh số 2 có 7 tổ, mỗi tổ được sử dụng chiếc xe thang này 1 ngày, nghĩa là 6 ngày còn lại phải leo vo (leo không có hỗ trợ của xe thang). Ngay cả khi làm việc với xe thang, người thợ có lúc cũng phải leo, bò ra những cành cây mà xe thang không với tới để lấy nhánh khô, bởi vì TP.HCM có nhiều cây xanh rất cao, đến hơn 40 m. 

Ông Nguyễn Trịnh Kiểm, Chánh văn phòng Hiệp hội Công viên cây xanh VN - nguyên Đội trưởng Đội Quản lý cây xanh số 1, cho biết bây giờ nhờ có phương tiện cơ giới hỗ trợ nên sự an toàn cho những người thợ leo được cải thiện rất nhiều. Ông Kiểm nhớ lại thời chưa có xe thang, tai nạn gần như năm nào cũng có. “Tôi không thể quên anh thợ leo tên là Tuấn, nhà ở H.Củ Chi, người rất khỏe, nhưng rồi bị tai nạn té ngã gãy cột sống, giờ làm bảo vệ ở Xí nghiệp quản lý cây xanh số 1. Rồi trường hợp một gia đình làm nghề thợ leo có người bố và anh trai chết do tai nạn nghề nghiệp, người em xin vào làm mà tôi không dám nhận vì có một điều gì đó tâm linh, dù em này leo giỏi như khỉ”.

Cần có trường lớp đào tạo thợ leo

Mong ước của nhiều anh em thợ leo là có thêm vài chiếc xe thang cao 24 m nữa để nâng cao an toàn và năng suất làm việc. Ông Nguyễn Trịnh Kiểm đề nghị nên có trường lớp đào tạo cho người thợ có kiến thức, kỹ năng. “Kinh nghiệm chỉ là một phần, nhưng khi leo lên cây có tình huống bất ngờ có thể làm người thợ leo cuống lên, dễ té. Chẳng hạn như một cơn gió hay một con rắn đột ngột xuất hiện, một bầy ong túa ra hay bị kiến bu đầy người thì phải biết cách xử lý thế nào, đó là những điều cần phải được học”, ông Kiểm nói.

Mai Vọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.