Những nước khác trong khu vực từng phát động cuộc chiến ngoại giao và cấm vận Qatar là UAE, Bahrain, Oman hay Ai Cập tuy chưa quyết định thay đổi chính sách nhưng rồi họ cũng sẽ làm theo Ả Rập Xê Út.
Động thái của Ả Rập Xê Út cho thấy các nước nói trên đều đã nhận ra rằng mưu tính của họ với việc đối đầu với Qatar không thành công. Qatar đã không đáp ứng tối hậu thư bao gồm 13 điều kiện của họ, đồng thời chứng tỏ năng lực đối phó hiệu quả trên mọi phương diện. Các nước kia giờ buộc phải đi vào hòa dịu với Qatar bởi tác dụng vẫn chưa có trong khi đã lấp ló nguy cơ bị phản tác dụng.
Vì chuyện này mà tổ chức Hội đồng hợp tác vùng Vịnh bị phân rẽ nội bộ trầm trọng đến mức bị mất hết vai trò và chỉ còn hữu danh vô thực ở khu vực. Đặc biệt là Ả Rập Xê Út bị mất đi diễn đàn và công cụ để tập hợp lực lượng ở vùng Vịnh cũng như để làm bàn đạp gây dựng vai trò cường quốc khu vực và lãnh đạo thế giới Ả Rập, cạnh tranh ảnh hưởng trong thế giới Hồi giáo với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.
Họ phải xuống thang với Qatar bởi hiện có nhu cầu cấp thiết quy tụ các nước Hồi giáo trong khu vực đối phó Iran cũng như khôi phục sự đoàn kết thống nhất trong thế giới Ả Rập trước xu thế ngày có thêm quốc gia Ả Rập thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Israel. Nhưng vì giữ thể diện và buộc phải bằng mặt chưa bằng lòng với Qatar nên việc hòa giải với Qatar sẽ được họ vận hành theo từng bước và không ồn ào. Thất bại này khiến họ bị thất thế so với trước trong cục diện tình hình hiện tại ở khu vực.
Bình luận (0)