(Tin Nóng) Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ ngày 3.3 tại New Delhi đã đề nghị Hải quân Ấn Độ tăng cường hiện diện ở Biển Đông khi ông bày tỏ mối lo ngại của Mỹ về việc Trung Quốc ồ ạt cải tạo đất và xây đảo nhân tạo tại các bãi đá ở quần đảo Trường Sa.
|
Theo hãng tin PTI (Ấn Độ), chưa đầy 2 tháng sau khi Tổng thống Mỹ thăm Ấn Độ và ra thông cáo chung về Tầm nhìn chiến lược Mỹ - Ấn Độ ở châu Á - Thái Bình Dương, ngày 3.3 một chỉ huy cao cấp của quân đội Mỹ là tướng Harry Harris, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương đến thăm Ấn Độ và phát biểu rằng Trung Quốc không có quyền phản đối sự hiện diện của hải quân Ấn Độ tại Biển Đông.
Sau khi gặp Tư lệnh Hải quân Ấn Độ là Đô đốc Robin Dhowan ngày 3.3, Đô đốc Harry Harris, người đang chịu trách nhiệm về hoạt động của hải quân Mỹ ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, phát biểu tại New Delhi (Ấn Độ) rằng "Biển Đông là vùng biển quốc tế, hải quân Ấn Độ có quyền hoạt động tự do ở bất cứ nơi đâu họ muốn. Nếu đó là Biển Đông thì họ có quyền làm điều đó".
Trong quá khứ, Trung Quốc không muốn hải quân Ấn Độ có mặt ở Biển Đông, nơi Trung Quốc tự cho là vùng biển của mình (?). Hồi tháng 7.2011, khi tàu đổ bộ INS Shardul của Hải quân Ấn Độ sau khi thăm Nha Trang và ra thăm Hải Phòng, tàu chiến Trung Quốc đã thông báo qua vô tuyến điện rằng "Quý vị đang đi vào vùng biển của Trung Quốc, để nghị ra khỏi đây ngay". Năm 2014, Trung Quốc cũng ngang ngược phản đối việc công ty dầu khí quốc doanh Ấn Độ ONGC ký thỏa thuận khai thác dầu khí ở thềm lục địa Việt Nam.
Lên tiếng bày tỏ mối lo ngại về hoạt động gây căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông, đô đốc Harris nói: "Tôi quan sát với đầy lo ngại tiến độ cải tạo đất trên các bãi đá mà Trung Quốc tiến hành ở Biển Đông. Tôi nghĩ đó là hành động khiêu khích, và sẽ gây căng thẳng ở Biển Đông và với các nước ở Biển Đông. Tất cả chúng ta đều lo ngại về tự do hàng hải và phải chú ý đến những gì Trung Quốc đang làm gì ở Biển Đông cũng như việc họ cải tạo đất. Trên thực tế, Trung Quốc đang thay đổi hiện trạng ở những nơi này".
Đô đốc Harris cũng nhấn mạnh: "Chúng ta không xem Biển Đông là lãnh hải của bất kỳ ai, mà đó là vùng biển quốc tế".
|
Mỹ xem Ấn Độ là một phần quan trọng trong chiến lược xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương. Không chỉ hải quân Ấn Độ là một trong những lực lượng hùng mạnh ở khu vực, mà lực lượng này còn là đối tác hữu ích của Hải quân Mỹ trong các cuộc huấn luyện và tập trận chung, như các cuộc tập trận Malabar vào tháng 9 hàng năm giữa hải quân 2 nước.
Năm ngoái, cuộc tập trận Malabar mở rộng thêm với sự tham dự của hải quân Nhật Bản và Úc, cả hai nước này đều lo ngại về sự bành trướng của hải quân Trung Quốc.
Đô đốc Harris nói thêm rằng hiện nay Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đang ngày càng lớn mạnh theo chiến lược xoay trục về châu Á. Đến năm 2020, hơn 60% lực lượng hải quân Mỹ sẽ tập trung ở Hạm đội Thái Bình Dương. "Với tôi, vùng trách nhiệm của lực lượng hải quân mà tôi quản lý là kéo dài từ Hollywood đến Bollywood, từ Bắc Cực đến Nam Cực, khu vực trách nhiệm này chiếm 52% của thế giới", ông Harris nói.
|
|
Theo Đô đốc Harris, Hạm đội Thái Bình Dương đang sở hữu hơn 60% lực lượng tàu ngầm và 55% số tàu nổi của Hải quân Mỹ. Tuy nhiên đô đốc Harris nhấn mạnh rằng việc tập trung lực lượng của Mỹ không nhằm đối phó Trung Quốc mà là vì Mỹ: "Tương lai kinh tế của chúng tôi nằm ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương".
Trên tạp chí Wall Street Journal ngày 3.3, ông Richard Fontaine, chủ tịch Trung tâm nghiên cứu an ninh Nước Mỹ mới (CNAS) viết rằng việc Trung Quốc ồ ạt cải tạo đất và xây đảo nhân tạo tại các bãi đá (chiếm của Việt Nam) ở quần đảo Trường Sa đang khiến Mỹ lo ngại và khiến Mỹ phải tăng cường các mối quan hệ với các nước trong khu vực.
Anh Sơn
>> Chương trình không gian của Trung Quốc đe dọa quân đội Mỹ
>> Malaysia nhận 12 tàu tuần tra cao tốc do Mỹ viện trợ
>> Lượng máy bay chiến đấu của Mỹ bằng Nga và Trung Quốc cộng lại
>> Tình báo Mỹ lo ngại các đảo nhân tạo Trung Quốc xây ở Trường Sa
>> Mỹ có thể diệt ‘tàu sân bay trên đảo’ của Trung Quốc ở Trường Sa
>> Sĩ quan Philippines cùng bay tuần Biển Đông trên máy bay P-8A của Mỹ
>> Nhật Bản tuyên bố xem xét bay tuần tra ở Biển Đông
>> Trung Quốc xây đảo ở các bãi đá tại Trường Sa như thế nào?
>> Trung Quốc ồ ạt xây đảo nhân tạo ở Trường Sa, thế giới ‘bó tay’ ?
>> Ảnh vệ tinh mới nhất về đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Trường Sa
Bình luận (0)