Mỹ Dung - người đàn bà của gia đình

19/12/2008 23:11 GMT+7

Nhà hát Kịch TP.HCM từng có một nữ diễn viên chỉ chuyên đóng vai phụ suốt 10 năm, đó là Mỹ Dung. Bây giờ chị là diễn viên tự do, xuất hiện rất nhiều trên kịch và phim truyền hình, vẫn là những phụ nữ già, hiền lành, nhân hậu.

Gặp Mỹ Dung ngoài đời, khán giả thường ồ lên ngạc nhiên. Bởi với tuổi 41, chị trẻ đẹp hơn hẳn so với trong phim và kịch. Chị không có cái hình thức nghệ sĩ, mà rất giống những phụ nữ bình thường khác, dịu dàng, giản dị. Nhìn chị, thấy ngay một mẫu người vợ, người mẹ của gia đình truyền thống. Bảo chị cười để chụp hình, chị chỉ mỉm mỉm chút chút. Bảo chị tạo dáng, chị cũng ngồi cứng ngắc. Cuối cùng cũng ra được một tấm ảnh... xấu hoắc. Chị cũng không yêu cầu chụp lại, nói: “Thôi được rồi. Đẹp hơn trên phim nhiều rồi”.

Hình như chưa bao giờ Mỹ Dung được vào vai ăn mặc đẹp hoặc có hoàn cảnh sung sướng. Cứ kiểu bà mẹ nghèo, buôn gánh bán bưng, hoặc gia đình hoạn nạn, phải chịu đựng, hy sinh. Mỹ Dung luôn phải làm cho mình già đi, xấu đi, chưa kể luôn phải khóc rất nhiều. Có phim, chị phải quay liên tiếp mười mấy phân đoạn một ngày, mà phân đoạn nào cũng khóc, quay xong thì nhức đầu và sưng vù mắt. Nhưng điều đáng khen là, chị luôn “diễn” rất thật, khóc rất thật, chưa bao giờ cần tới nước mắt nhân tạo.

 
Ảnh: H.K

Diễn viên Mỹ Dung tốt nghiệp trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM năm 1991, về cộng tác với Đoàn kịch TP.HCM 4 năm, sau đó chuyển sang Đoàn kịch Trẻ. Sau khi hai đoàn này sáp nhập để thành Nhà hát Kịch TP.HCM, Mỹ Dung lại trở về nhà hát, đến năm 2001 thì chị ra hoạt động tự do.

Những phim đã tham gia: Ngõ vắng, Tham vọng, Vó ngựa trời Nam, Hoàng hôn ấm áp, Gió xuân về, Một thời ngang dọc, Chuyện tình bên dòng kinh xáng... Các chương trình đã tham gia: Kính đa tròng, Nhật ký không độ, Chuyện không của riêng ai, giađình.com, Vì cuộc sống tươi đẹp...

Chị chia sẻ: “Có lẽ do ngoài đời số mình cũng cực y như trong phim, nên mình dễ cảm thông với nhân vật. Đôi khi cũng buồn, nghĩ tại sao chẳng bao giờ có cơ hội đóng vai chính. Nhưng nghĩ lại, vai phụ cũng vẫn nhiều đất diễn, đó chính là cơ hội làm nghề, mình không biết tận dụng mà mơ ước đâu đâu làm gì. Sau này, đi ngoài đường, nghe khán giả gọi mình bằng tên bà Tám, nhân vật trong phim Chuyện tình bên dòng kinh xáng, trong lòng thấy vui, biết mình đã đi đúng hướng. Thôi thì cứ hết lòng với nghề, nghề sẽ không phụ”. Cứ vậy mà Mỹ Dung đã đi qua gần 70 phim, con số không phải diễn viên nào cũng đạt được. 

Mỹ Dung còn tham gia nhiều chương trình truyền hình và lồng tiếng phim, vì vậy chị không hề rảnh rang. Hết làm việc là quay về với gia đình, cơm nước, đưa đón con đi học, chăm sóc nhà cửa. Chồng chị thành lập Công ty Ánh Dương chuyên tổ chức các chương trình ca nhạc, tạp kỹ, cũng đi suốt ngày, nên chị càng phải là một hậu phương vững chắc. Chị nói: “Đối với tôi, gia đình ổn định là quý lắm rồi. Cuộc sống nhiều trắc trở, đừng đòi hỏi quá. Hạnh phúc là cái vừa trong tầm tay, có thể nắm được, đừng nghĩ những điều quá xa xôi. Tôi luôn không có thì giờ để vui chơi, bù khú bạn bè, chỉ biết gia đình là trên hết. Có chút thời gian trống thì mới xem phim, nghe nhạc, cũng là tại nhà thôi, chớ không đi ra đường, ra rạp. Vậy là vui rồi. Mình là phụ nữ, làm sao tung tăng ở ngoài như đàn ông được”.

Nói lòng vòng rồi chị cũng lại quay về với bổn phận, với nụ cười mỉm nhẹ nhàng. Gương mặt chị thật bình yên, không ngời ngời hạnh phúc, cũng không bộc lộ vẻ ưu tư, nhìn vừa thấy chữ nhẫn, lại vừa thấy chữ an, rất giản dị.

Thế nhưng vẫn còn một Mỹ Dung khác, cá tính, hóm hỉnh, thỉnh thoảng mới xuất hiện, và khi xuất hiện luôn làm mọi người bất ngờ. Cả nhóm bạn nghệ sĩ ngồi xúm lại bên bàn cà phê 5B, tán chuyện nói cười rôm rả, Mỹ Dung chỉ im im lắng nghe, cười mỉm góp vào. Ấy vậy nhưng mỗi khi chị “kê” một câu, cả nhóm lại cười rần lên. Một câu nhưng rất đắt, rất “chua”.

Đang vui, chị “khoe” luôn: “Tôi từng lồng tiếng cho nhiều nhân vật ác lắm đó. Hổng biết sao cái giọng của tôi có thể “hóa trang” trái ngược tới như vậy. Vai ác, vai dữ là đạo diễn kêu tôi lồng tiếng. Chắc tại trên phim mình bị “đàn áp” quá chừng, nên lúc ở sau lưng mình phải hung dữ để gỡ gạc”.

Được hỏi giờ đi đóng phim nhiều thế, liệu có còn nhớ ánh đèn sân khấu không, chị đáp: “Thiệt ra tôi vẫn đóng kịch đó chứ, nhưng là kịch truyền hình. Dù vậy nhưng vẫn nhớ sân khấu, nhớ những cánh màn nhung, nhớ khán giả... Mà thôi, sân khấu của mình đang bị bao nhiêu hạn chế trong khi phim đang lúc phát triển, quá nhiều diễn viên sân khấu bị phim “bắt cóc”, mình đâu phải ngoại lệ. Cũng đành an ủi là, dù hoạt động cho phim ảnh hay sân khấu, truyền hình, miễn vẫn được sống với nghệ thuật là vui lắm rồi”. 

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.