Mỹ giải bài toán đất hiếm

24/12/2019 07:30 GMT+7

Sự phụ thuộc vào nguồn đất hiếm chủ yếu nhập từ Trung Quốc đang khiến Mỹ đối diện nhiều nguy cơ an ninh.

Đất hiếm là nhóm 17 loại khoáng sản tự nhiên đóng vai trò thiết yếu để sản xuất nhiều loại thiết bị điện tử và công nghệ quân sự. Đất hiếm không hiếm như tên gọi của nó nhưng thường trộn lẫn với những thành phần khác trong tự nhiên, và để xử lý thành nguyên liệu sử dụng được thì phải tốn nhiều chi phí cũng như có thể ảnh hưởng xấu tới môi trường.

Ngăn cú sốc thị trường

Việc Trung Quốc chi phối chuỗi cung ứng đất hiếm được coi là vấn đề lớn đối với an ninh quốc gia và kinh tế Mỹ. Số liệu thống kê cho biết 80% lượng đất hiếm Mỹ nhập khẩu trong giai đoạn 2014 - 2017 là từ Trung Quốc, trong khi 20% còn lại cũng được xử lý ban đầu tại Trung Quốc, theo Reuters.
Hồi tháng 6, Bộ Thương mại Mỹ công bố kế hoạch tăng cường hợp tác với đồng minh về việc khai thác đất hiếm; cung cấp các khoản vay lãi suất thấp, đẩy nhanh quá trình cấp phép cho các dự án khai khoáng trong nước; dự trữ nguyên liệu và buộc những công ty quốc phòng mua nguyên liệu Mỹ, theo AFP. Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng thông báo kế hoạch chia sẻ kỹ thuật khai thác nhằm hỗ trợ các nước phát triển nguồn khoáng sản để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Mới đây nhất, Reuters đưa tin lục quân Mỹ có kế hoạch đầu tư tài chính cho hoạt động sản xuất đất hiếm quy mô thương mại để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất vũ khí.

[VIDEO] Chiến tranh thương mại căng thẳng, Mỹ lo ngại Trung Quốc ngừng cung cấp đất hiếm

Những bước đi này được đưa ra trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn biến khó lường, đặt ra lo ngại lớn cho Mỹ đó là Trung Quốc có thể cắt hoặc giảm nguồn cung đất hiếm, gây cú sốc lớn cho ngành công nghiệp sản xuất.

Mở rộng khai thác

Tại một diễn đàn về khoáng sản gần đây ở Washington D.C, các quan chức và giới chuyên gia Mỹ bày tỏ lo ngại sâu sắc về sự phụ thuộc của Mỹ vào nguồn khoáng sản quan trọng từ nước ngoài và nêu ra giải pháp để khắc phục, theo chuyên san Industry Week. Tại sự kiện, thượng nghị sĩ Lisa Murkowski (đảng Cộng hòa, bang Alaska) nêu ý kiến rằng Mỹ còn nhiều mỏ khoáng sản có trữ lượng lớn tại các bang Nevada hay Alaska và nên cho phép khai thác để đáp ứng nhu cầu.
Hiện tại, mỏ đất hiếm duy nhất đang hoạt động tại Mỹ là Mountain Pass ở bang California. Tuy nhiên, Công ty MP Materials sở hữu mỏ này mỗi năm chuyển 50.000 tấn quặng đất hiếm sang Trung Quốc để xử lý thành nguyên liệu có thể dùng cho sản xuất. Trung Quốc đã áp thuế 25% lên mặt hàng đất hiếm nhập khẩu từ Mỹ, trong khi Mỹ không đánh thuế ở chiều ngược lại.
Thượng nghị sĩ Murkowski thừa nhận rào cản khiến các nhà đầu tư quay lưng với việc khai khoáng trong nước là vì những quy định về môi trường, quá trình cấp phép để mở một khu mỏ kéo dài nhiều năm, trong khi ở các nước như Úc hay Canada chỉ tốn 2 - 3 năm.
Các chuyên gia tại sự kiện cho rằng chính quyền Mỹ cần tạo điều kiện, đẩy nhanh quá trình cấp phép cho các dự án khai khoáng trong nước để cạnh tranh, đồng thời nghiên cứu giải pháp tái chế đất hiếm từ các phế phẩm công nghệ, sử dụng nguyên liệu thay thế. Mặt khác, Mỹ cũng cần hợp tác với các đồng minh chiến lược nước ngoài để chia sẻ công nghệ khai thác, xử lý để giảm chi phí và đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.