Mỹ là thị trường xuất khẩu gỗ lớn nhất, đạt 3,65 tỉ USD

07/11/2019 09:47 GMT+7

Báo cáo Vietnam Trade Monitor của SSI Research quý 3/2019 dựa trên số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục là điểm sáng của xuất khẩu Việt Nam.

Theo báo cáo, gỗ là mặt hàng xếp thứ 6 với giá trị xuất khẩu 7,52 tỉ USD và có tốc độ tăng trưởng 17,9%, cao nhất trong top 10 mặt hàng xuất khẩu. Trong khi đó, nhập khẩu gỗ đạt giá trị 1,87 tỉ USD, tăng 13% so với cùng kỳ, giá trị xuất siêu đạt 5,6 tỉ USD.
SSI Research nhận định Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu gỗ lớn nhất, với giá trị 3,65 tỉ USD, chiếm tới 50% tổng giá trị xuất khẩu 9 tháng, tăng 34% so với cùng kỳ. "Nguồn nguyên liệu gỗ trong nước hiện tại mới đáp ứng khoảng 75% nhu cầu sản xuất nên nhập khẩu gỗ của Việt Nam vẫn lớn và liên tục tăng dần trong các năm gần đây"- Báo cáo nhận định.
Trước năm 2016, ASEAN (chủ yếu là Lào và Campuchia) cung cấp hơn 50% nhu cầu nhập khẩu gỗ của Việt Nam. Tuy nhiên mấy năm gần đây, Việt Nam chủ động tăng dần tỷ trọng ở các thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU với lần lượt 31%, 19%, 11,4%.
Đặc biệt, nhập khẩu gỗ từ châu Phi tăng mạnh trong năm 2019 (chiếm 4,5%) nhưng chủ yếu để phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa.
Ngoại trừ gỗ, theo báo cáo, các mặt hàng nông sản nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn. Có 7 mặt hàng tiếp tục tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, cà phê giảm mạnh 20,9% chỉ đạt giá trị 2,15 tỉ USD trong 9 tháng đầu năm, do cả sản lượng giảm 12,5%, giá giảm 9,6% so với cùng kỳ. Nguyên nhân giảm là do sản lượng cà phê ở tất cả các khu vực trừ Mexico và Trung Mỹ đều tăng, dự trữ cà phê tại một số thị trường lớn như Mỹ cũng tiếp tục tăng khiến giá cà phê giảm thấp. Hạt điều, gạo và tiêu đều tăng trưởng về sản lượng xuất khẩu nhưng giá giảm mạnh, tương ứng 21,8%, 13,4% và 22,7% khiến kim ngạch xuất khẩu tiếp tục giảm.
Hàng rau quả cũng giảm mạnh hơn 20% trong quý 3/2019 kéo giảm tăng trưởng 9 tháng, chỉ đạt 2,82 tỉ USD. Đối với rau quả, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất với tỷ trọng 72% trong 9 tháng, tương đương giá trị 1,93 tỉ USD.
Tuy nhiên, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc giảm mạnh gần 40% trong quý 3/2019 do nước này tiếp tục siết chặt các biện pháp kiểm dịch. Bù lại, xuất khẩu sang tất cả thị trường chính khác đều tăng trên 10%, đặc biệt EU tăng 42%, ASEAN tăng 79%, Đài Loan tăng 90%, Hồng Kông tăng 376%.
Theo đánh giá của SSI Research, nếu so với mức giảm nửa đầu năm thì giá trị xuất khẩu hạt điều, gạo, sắn, chè đều đã trở lại tăng tưởng với mức tăng khá tốt trong quý 3/2019.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.