Mỹ ngày càng quan ngại về biển Đông

05/04/2014 03:15 GMT+7

Trước chuyến thăm Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tuyên bố Washington ngày càng quan ngại về tranh chấp chủ quyền ở biển Đông.

Tàu Trung Quốc hoạt động trái phép ở vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam
Tàu Trung Quốc hoạt động trái phép ở vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam
- Ảnh: Ouhua
 

Phát biểu trên được ông Hagel đưa ra khi kết thúc cuộc họp với bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN tại Hawaii ngày 3.4 (giờ địa phương), theo tờ The Wall Street Journal. Cụ thể, ông nhấn mạnh: “Mỹ ngày càng quan ngại về tình trạng bất ổn gia tăng từ những tranh chấp.

Tất cả các bên tham gia tranh chấp cần tránh sử dụng hoặc đe dọa vũ lực, hăm dọa hay ép buộc”. The Wall Street Journal nhận định cảnh báo này là một thông điệp trước khi ông Hagel có chuyến công du 4 ngày tới Trung Quốc , bắt đầu từ 7.4. Dự kiến, vấn đề tranh chấp chủ quyền sẽ được đề cập khi Bộ trưởng Mỹ gặp các lãnh đạo nước chủ nhà.

Cùng ngày, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á Daniel Russel nhấn mạnh dù Mỹ không đứng về phía nào trong tranh chấp, không bên nào nên đánh giá thấp cam kết của Washington về bảo vệ các đồng minh. Reuters dẫn lời ông Russel cho rằng các đồng minh của Mỹ ở châu Á đang lo ngại việc Trung Quốc có các động thái mạnh để củng cố tuyên bố chủ quyền và nhận định thêm rằng việc Trung Quốc triển khai nhiều tàu trong cuộc giằng co với Philippines ở biển Đông là “có vẻ như là mang tính hăm dọa”. Song song đó, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario ngày 4.4 nhấn mạnh nước ông sẽ hết sức kiềm chế trong mọi động thái trên biển và chờ phán quyết của Tòa án quốc tế về luật Biển đối với vụ kiện “đường lưỡi bò”, theo Reuters.

Ngoài ra, tờ Jakarta Globe dẫn lời giới chức Indonesia bày tỏ sự lo ngại khi bản đồ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc cũng bao trùm luôn quần đảo Natuna của Indonesia ở cực nam biển Đông. Lâu nay, Jakarta luôn tích cực thể hiện vai trò trung gian trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho biển Đông nhưng rất ít khi đề cập vấn đề Natuna. Mới đây, tạp chí quốc phòng IHS Jane's đưa tin Indonesia đang có kế hoạch triển khai 4 máy bay trực thăng tấn công AH-64E Apache mua của Mỹ tới trấn giữ quần đảo này.

Trước tình hình biển Đông, Mỹ và Nhật có thể sẽ đẩy mạnh hợp tác với các nước ASEAN nhằm tăng cường an ninh khu vực. Vấn đề này dự kiến sẽ được bàn trong chuyến công du của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Nhật từ ngày 23 - 25.4, theo báo Japan Daily Press.

Nga triển khai thêm Su-35 tới biên giới đông nam

Theo tạp chí quốc phòng Kanwa Defense Review, Nga quyết định triển khai khoảng 72 chiến đấu cơ hiện đại thuộc các dòng Su-30SM, Su-30MKK, Su-33 và Su-35S tới thành phố Komsomolsk-on-Amur gần biên giới với Trung Quốc trong năm nay. Trong đó có thể bao gồm 12 chiếc Su-35S, được đánh giá là chiến đấu cơ thế hệ 4 tiên tiến nhất của Nga, để bổ sung cho phi đội Su-35S đã được điều tới Komsomolsk-on-Amur hồi tháng 2. Các chuyên gia cho rằng sau khi đã chứng tỏ được sức mạnh tại khu vực phía tây giáp châu u, Nga bắt đầu để ý tới vùng phía đông lâu nay có vẻ bị “lơ là”, đặc biệt là khu vực giáp giới Trung Quốc. Động thái trên còn được cho là nhằm ứng phó việc nhiều nước đang tăng cường hiện diện quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương.

Minh Trung

Văn Khoa

 >> Indonesia đưa chiến đấu cơ ra biển Đông
 >> Cuộc chạm trán trên biển Đông
 >> Tàu Philippines và Trung Quốc đối đầu kịch tính ở biển Đông
 >> Trung Quốc liên tục đuổi tàu ở biển Đông
 >> Trung Quốc, ASEAN sắp họp về Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.