Mỹ nhân và công nghệ viết sách

30/03/2010 10:27 GMT+7

(TNTT>) Trên thế giới, việc người đẹp thuộc các lĩnh vực giải trí tham gia viết sách đã và đang là một trào lưu, và họ gặt hái được nhiều thành công.

Các nhà xuất bản sách luôn chào đón tác phẩm được một người đẹp đóng nhãn tác giả. Đơn giản vì họ biết chỉ bản thân cái tên nổi tiếng không thôi cũng đủ khiến người hâm mộ phải rút tiền ra mua cho thỏa trí tò mò. Văn phong, giá trị văn học không phải là điều người ta quan tâm đầu tiên. Điều người ta quan tâm nhất là đề tài viết gì?

Sách Best Seller của nữ hoàng nhạc pop

Madonna, nữ hoàng nhạc pop thế giới không chỉ là một người giỏi ca hát, nhảy múa hay đóng phim, cô còn có khiếu cầm bút. Năm 1992, Madonna đã làm xôn xao dư luận Mỹ khi quyết định xuất bản sách.

Ai cũng biết Madonna được coi như quả bom tình dục trong làng giải trí Mỹ và cô ca sỹ này đã chọn một tựa đề sách không thể hấp dẫn hơn nhằm thu hút người đọc: Sex. Khi mua cuốn sách này, khán giả còn được tặng thêm một CD có ca khúc Erotic của Madonna. Công tác chụp hình được giao cho nhiếp ảnh gia Steven Meisel.

Trong cuốn sách này, nữ hoàng nhạc pop rất chú trọng chụp các bức hình nóng để làm mát mắt người xem, nhiều người đã bỏ tiền mua cuốn Sex sau khi nghe quảng cáo có những tấm hình mát mẻ của Madonna. Nội dung câu chuyện được mô tả là đầy chuyện lá cải nhưng Madonna đã làm người ta phải tò mò cao độ khi cô đề cập trong đó chuyện của nhiều nhân vật nổi tiếng trong làng giải trí Mỹ như diễn vên Isabella Rossellini, nghệ sĩ biểu diễn nhạc rap: Big Daddy Kane và Vanilla Ice, người mẫu Naomi Campbell… Các nhà văn lớn có lẽ sẽ cảm thấy ghen tỵ khi một cây bút mới vào nghề như Madonna mà bán được 1,4 triệu bản cho tác phẩm đầu tay. Tờ New York Times xếp Sex lên số 1 trong danh sách best seller khi đó.

Người đẹp viết báo

Tại Anh, nhiều tờ báo đã mời các người đẹp nổi tiếng viết bài cho họ. Chẳng hạn, tờ Mirror mời Alex Curran, vợ của tiền vệ Steven Gerrard viết mục “Go Shopping With Alex Curran” (Đi chợ cùng Alex Curran). Điều mà Mirror cần không phải là chất lượng bài viết của Curran mà chỉ cần tên của nàng WAGs nổi tiếng nhất Liverpool đứng tên trong mục đó. Có tên Curran, người Liverpool sẽ mua Mirror để xem nàng WAGs này viết gì.

Daria Zhukova, người đẹp là bạn gái của tỷ phú Roman Abramovich cũng có một tờ báo riêng để viết là tạp chí thời trang Pop. Nếu là một người khác đứng tên tờ báo đó, nó sẽ chẳng được nhắc trên khắp thế giới. Nhưng nhờ Zhukova, tạp chí Pop đã được biết đến tại cả Anh và Nga.

Gần đây nhất, tạp chí Reveal đã mời người đẹp Danielle Lloyd viết cho họ mục Gossip. Lloyd là người đẹp luôn dính liền với các scandal trong làng showbiz tại Anh nên sự có mặt của cô trong các bài báo chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm của độc giả.

Hồ Khuê

Thừa thắng, Madonna ra tiếp cuốn The Girlie Show năm 1994 với chiêu thức cũ. Đáng lẽ sau 2 năm, Madonna cầm bút chắc tay hơn thì cô phải thu hút được lượng khán giả đông hơn. Nhưng ngược lại, chỉ có 140.000 bản được bán, bằng 1/10 con số của tác phẩm đầu tay. Lý do là yếu tố tò mò đã không còn, đề tài không hay như trước dù có thể văn phong hay bố cục tác phẩm thứ hai tốt hơn. Tuy nhiên, con số 140.000 cũng được đánh giá là thành công. Các năm sau, Madonna sáng tác văn rất đều tay nhưng không thể thoát được cái bóng của Sex.

Nhanh nhạy với thời cuộc, năm 2003, Madonna đổi chiến thuật khi viết một tác phẩm theo phong cách hoàn toàn khác. Madonna lả lơi trong Sex không xuất hiện và thay vào đó là Madonna rất yêu trẻ con trong tác phẩm dành cho thiếu nhi: The English Roses. Đã có 500.000 bản được bán. Có lẽ nhiều phụ huynh mua sách này không hẳn cho con cái họ đọc mà chỉ tò mò không hiểu nữ hoàng nhạc pop sáng tác cái gì cho trẻ con. Các tác phẩm dành cho thiếu nhi sau đó của Madonna cũng bán rất chạy và liên tục xếp trong top 10 best seller.

Vấn đề mà nhiều người đặt ra là có phải Madonna viết chúng hay không? Không quan trọng, Madonna có thể viết ra chúng hoặc chỉ viết bản thô và các trợ lý của cô ta sẽ làm việc trau chuốt câu chữ để rồi cuối cùng Madonna xem qua và gật đầu. Điều này cũng giống như một số họa sĩ khi vẽ các tác phẩm lớn không nhất thiết vẽ từ đầu đến cuối mà chỉ cần vẽ phác họa, cho đàn em vẽ phần còn lại và cuối cùng là tự mình vẽ hoàn thiện các nét cuối cùng. Bức tranh đắt là ở chữ ký của danh họa ở góc tác phẩm và điều này cũng giống như các cuốn sách đắt ở chỗ ai đứng tên.

Trào lưu viết tự truyện

Một thể loại nữa cũng được các người đẹp trên thế giới ưa thích là viết tự truyện, hồi ký. Kiểu viết này không quá khó vì họ chỉ cần kể lại những chi tiết đáng quan tâm của bản thân trong quá khứ mà chưa mấy ai biết. Những dòng suy tư trăn trở, độc thoại lại càng dễ viết vì điều này chẳng có ai kiểm chứng ngoài chính họ. Các kỷ niệm, sự kiện được ghi ra lộn xộn cũng không sao vì họ đã có một tập hợp các cố vấn để giúp cho câu chuyện trở nên hấp dẫn, lôi cuốn.

Victoria Beckham, vợ của danh thủ David Beckham là một người rất biết dùng các câu chuyện quá khứ của mình để kiếm tiền. Sau khi ra mắt độc giả hồi ký Learning to fly, cô ca sĩ một thời của ban nhạc Spice Girl cảm thấy vẫn còn nhiều điều chưa được nói hết nên lại móc thêm tiền của  độc giả trong hồi ký That extra half an inch: Hair, Heels and Everything in Between. 4 triệu USD là tiền mà bà Becks thu về trong dịp này. Miley Cyrus, cô diễn viên tuổi đời mới 17 nhưng cũng cho ra 2 cuốn tự truyện là Miles to go và This Is Her Life. Có lẽ nếu cần thì mỗi năm Cyrus có thể viết một cuốn tự truyện cũng được.

Ngay cả khi không gây cho độc giả tò mò bằng những đề tài sốc hay chuyện đời tư, các người đẹp vẫn có thể viết sách và tin rằng họ sẽ kiếm được nhiều tiền, như diễn viên Alicia Silverstone viết sách dạy về ăn kiêng (The Kind Diet: A Simple Guide to Feeling Great, Losing Weight, and Saving the Planet).

Làn sóng viết sách lan đến cả phương Đông, nơi phụ nữ không còn khép kín và khắc khổ như trước. Trần Hồng, vợ của đạo diễn Trần Khải Ca từng xuất bản một quyển tự truyện mang tên Nhất vọng Vô Cực. Nữ diễn viên trong "Giày Thủy Tinh", Kim Hyun Joo, viết sách dạy đan khăn vào đúng dịp Noel năm ngoái. Nữ diễn viên trong “Xúc cảm” Lee Hye Young lại viết một sách chuyên về thời trang mang tên Beauty Bible. Nói chung trên thế giới thì đâu cũng vậy, người đẹp viết sách là được xã hội quan tâm.

Người đẹp viết cũng cần đẳng cấp

Nước ngoài đã có những mỹ nhân làng giải trí rất thành công khi ra sách, viết truyện ngắn hay tiểu thuyết như Từ Hy Viên, Từ Tịnh Lôi, Madonna, Y Năng Tĩnh. Đó đều là những cuốn sách giải trí thú vị bởi khi họ viết, họ ý thức được mình đang làm gì cho độc giả mong đợi. Madonna viết tập truyện ngắn thiếu nhi cho con gái, Y Năng Tĩnh là một nhà văn thực sự có những tác phẩm tản văn, truyện ngắn có giá trị văn chương đích thực. Từ Tịnh Lôi không chỉ làm báo mà còn ra mắt những cuốn tạp bút du lịch có kèm ảnh phong cảnh do cô tự chụp, rất có tay nghề và phong cách riêng. Họ làm hài lòng cả những độc giả không bao giờ nghe họ hát, chưa được xem họ biểu diễn thời trang. Bản thân tôi rất thích sách của Từ Tịnh Lôi và sách của Y Năng Tĩnh.

Những cuốn sách nghiêm túc có giá trị văn học, giá trị nhân văn và sức sống ấy đã giúp người đẹp xây dựng thành công hình ảnh một phụ nữ sâu sắc và tài hoa trong xã hội, không chỉ có vẻ đẹp ngoại hình mà còn có cả sức thuyết phục nội tâm. Quan trọng là họ không dùng sách để đánh bóng hình ảnh hoặc dùng sách để dụ tiền của đám fan. Nói một cách khác, người đẹp viết văn cũng có đẳng cấp. Không tới được đẳng cấp đó, không có được tài năng và thái độ lao động nghiêm túc, người đẹp viết sách dễ rơi vào cảnh "cố đấm ăn xôi" hoặc "thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào".

Nhà văn, dịch giả Trang Hạ

Ý kiến...

* Nhân đọc bài Khi người đẹp viết - Xem TN TT&GT 28.3.2010

Viết sách văn học và tự truyện theo tôi là hai mảng viết khác nhau. Hoàn toàn khác nhau và khá nhạy cảm. Một người nổi tiếng, như diễn viên hay ca sĩ chẳng hạn, tôi không nghĩ viết văn là khả năng nổi trội của họ (nếu không họ sẽ thành danh trên lĩnh vực này rồi). Để một tác phẩm của họ thành công, ngoài sự ảnh hưởng từ tên tuổi của họ ngoài đời thì những câu chuyện thực tế xung quanh cuộc sống của họ sẽ là điều hấp dẫn nhất, có thể là với tôi. Nhưng nếu khai thác dưới dạng này, rất dễ đụng chạm bởi họ không phải là… nhà báo, họ không có chức năng viết về cuộc sống thực tế của những người xung quanh trong tác phẩm của mình, trừ khi được sự đồng ý và ủng hộ từ họ. Mà một khi đã “bị” viết theo hướng này rồi thì tôi nghĩ tác phẩm không còn nhiều “tính chiến đấu”, nhiều câu chuyện thực tế éo le với những tình huống bi hài, nhạy cảm sẽ không được đưa vào.

Hoàng Tùng (hoangtung.saomai@...com)

Có thể nói, xu hướng "lấn sân" từ lâu đã chẳng còn xa lạ gì trong giới giải trí. Người mẫu nhảy sang đóng phim, diễn viên nhảy sang làm ca sĩ, ca sĩ chuyển sang đóng kịch. Vậy thì bây giờ, có thêm một ca sĩ chuyển sang sáng tác cũng có gì đâu mà mọi người cứ làm ầm ĩ cả lên. Ai có khả năng gì thì họ có quyền thể hiện, chính chúng ta, những người đọc, người xem mới nên là người tự chọn lọc cái nào đáng xem, nên xem, đáng đọc và nên đọc, đừng chạy theo những gì được PR rầm rộ và nghĩ đó là hay. Bây giờ tôi thấy thiên hạ có thói là cái gì càng được nói tới nhiều thì càng muốn mua cho bằng được. Còn tôi, thẳng thắn mà nói, những kiểu sách của "người đẹp" không phải là chọn lựa của tôi.

Nguyễn Thế Anh (898@yahoo.com.vn)

Nhật Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.