Mỹ - Pakistan: Lá bài hai mặt

14/05/2011 23:10 GMT+7

Quan hệ đồng minh chống khủng bố giữa Pakistan và Mỹ chất đầy những mối nghi ngờ khó lòng giải tỏa một sớm một chiều.

Theo Reuters, vào năm 2003 hoặc 2004, các nhân viên tình báo Pakistan lần theo dấu vết của một người đưa tin Pakistan gốc Kuwait đến một ngôi nhà ở thị trấn miền bắc Abbottabad. Tại đó, các nhân viên xác định rằng Abu Ahmad al-Kuwaiti sẽ liên lạc với một thủ lĩnh cấp cao của al-Qaeda là Abu Faraj

al-Libi. Lực lượng của Cơ quan Tình báo Pakistan (ISI) đã bố ráp ngôi nhà nhưng không tìm thấy al-Libi. Cựu Tổng thống Pervez Musharraf sau đó viết trong hồi ký của mình rằng một cuộc thẩm vấn al-Kuwaiti tiết lộ rằng al-Libi sử dụng 3 ngôi nhà ở Abbottabad, cách thủ đô Islamabad khoảng 50 km về phía đông bắc. Giới chức tình báo Pakistan cho biết một trong các ngôi nhà đó có thể nằm trong khu phức hợp nơi Osama bin Laden bị biệt kích Mỹ hạ sát hôm 2.5.

Pakistan trước nay luôn sử dụng chiến dịch lùng bắt al-Libi làm bằng chứng cho cam kết chống khủng bố của nước này, theo Reuters. Tuy nhiên người ta không khỏi nghi ngờ khi khu vực ISI đã từng lục soát kỹ lưỡng lại chính là nơi bin Alden ẩn náu suốt 5 năm. Hơn nữa, Abbottabad lại chính là nơi tập trung nhiều cơ sở quân sự quan trọng và được giám sát chặt chẽ của Islamabad.

Câu giải đáp cho những nghi vấn trên nằm ngay trọng tâm của mối quan hệ đầy bất trắc giữa Pakistan và Mỹ. Washington lâu nay tin rằng Islamabad, đặc biệt là ISI, chơi hai mặt trong vấn đề chống khủng bố, và cũng đáp lại đồng minh Nam Á cũng bằng lá bài hai mặt.

Đầy nghi kỵ

Từ sau vụ khủng bố ngày 11.9.2001, Mỹ dựa vào quân đội Pakistan để chống chọi al-Qaeda và Taliban tại khu vực núi non giáp giới Afghanistan. Tổng thống tiền nhiệm George W.Bush đã thiết lập quan hệ chặt chẽ với ông Musharraf. Nhưng trong khi Islamabad tỏ ra hữu dụng trong việc bắt giữ và tiêu diệt các thủ lĩnh cấp thấp của al-Qaeda và Taliban thì những nhân vật cao cấp nhất là bin Laden và phó tướng Ayman al-Zawahiri lại liên tục lọt lưới.

Theo giới chức Mỹ, ISI, vốn ủng hộ Taliban khi nhóm này lên cầm quyền ở Afghanistan hồi giữa thập niên 1990, dường như đã nhắm mắt làm ngơ hoặc thậm chí hỗ trợ các thành viên Taliban và al-Qaeda chạy sang Pakistan. Washington cũng tin rằng ISI bảo vệ Abdul Qadeer Khan, chuyên gia vũ khí hạt nhân bị cáo buộc bán bí mật hạt nhân cho Iran, Libya và CHDCND Triều Tiên. Ông này đã bị bắt hồi năm 2004.

Sau vụ khủng bố ở Mumbai, Ấn Độ vào năm 2008 làm thiệt mạng 166 người, New Delhi buộc tội ISI kiểm soát và điều phối kế hoạch tấn công. Một nghi can bị Mỹ bắt giữ sau đó đã khai rằng các quan chức ISI đã giúp hoạch định và tài trợ cho vụ khủng bố. Pakistan thì cương quyết bác bỏ sự dính líu của ISI vào vụ việc và thường lấy việc hàng trăm binh sĩ thiệt mạng khi giao tranh với các tay súng cực đoan làm bằng chứng cho cam kết chống khủng bố của họ.


Lực lượng an ninh Pakistan tập huấn chống khủng bố tại Karachi - Ảnh: AFP 

Nhưng qua nhiều năm, Mỹ ngày càng tỏ ra nghi ngờ và sẵn sàng chỉ trích Pakistan. Các tài liệu do WikiLeaks cung cấp cho báo The New York Times cho thấy quân đội Mỹ thường xuyên thẩm vấn các tù nhân ở trại Guantanamo về việc họ có liên hệ với ISI hay không. Chưa hết, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hồi tháng 7.2010 cho biết bà tin giới chức Pakistan biết tung tích của bin Laden. Trong một chuyến thăm Pakistan vài ngày trước vụ đột kích ở Abbottabad, Tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ Mike Mullen buộc tội ISI duy trì quan hệ với các tay súng Hồi giáo cực đoan. Giới lập pháp Mỹ thì đang đòi chính quyền của Tổng thống Barack Obama xét lại khoản viện trợ nhiều tỉ USD cho Pakistan.

Đồng minh nguy hiểm

Theo Reuters, quan hệ giữa Pakistan với các tay súng Hồi giáo xuất phát từ thất bại trong cuộc chiến với Ấn Độ vào năm 1971. Sau thất bại này, lãnh thổ Pakistan bị tách làm hai -  phần phía tây là Pakistan hiện nay còn phần còn lại là Bangladesh. Sau đó, Pakistan tin rằng họ phải dựa vào các lực lượng vũ trang Hồi giáo cực đoan trong cuộc đối đầu với người láng giềng Ấn Độ.

Ban đầu, Mỹ tỏ ra ủng hộ quan điểm trên của Pakistan vì nó rất hữu hiệu trong cuộc đấu với Liên Xô tại Afghanistan hồi thập niên 1980. Washington khi đó hoàn toàn hậu thuẫn chính quyền độc tài quân sự của tướng Zia ul-Haq, người treo cổ Thủ tướng Zulfika Ali Bhutto năm 1979. Như đã biết, trong giai đoạn này Mỹ cùng Ả Rập Xê Út cũng tài trợ cho các lực lượng thánh chiến của Osama bin Laden để chống lại Liên Xô.

Nhiều người Pakistan nhận định các bất ổn hiện tại ở nước này nảy sinh một phần do Washington "thích" hậu thuẫn cho các lãnh đạo quân sự. Mỹ vẫn làm thế vào năm 2001 với ông Musharraf sau vụ khủng bố 11.9. Giới chức Mỹ khi đó tuyên bố họ thừa biết quân đội Pakistan huấn luyện, vũ trang và tài trợ cho các tay súng tham gia phong trào ly khai ở phần Kashmir thuộc Ấn Độ.

Mỹ bắt đầu thay đổi thái độ khi Ấn Độ và Pakistan suýt nữa đi đến chiến tranh sau vụ tấn công vào trụ sở Quốc hội Ấn Độ vào tháng 12.2001. New Delhi cáo buộc các nhóm tay súng được Pakistan hậu thuẫn gây ra vụ việc trong khi

Islamabad bác bỏ dữ dội. Từ sự kiện này, Mỹ dần nhận ra rằng quan hệ giữa đồng minh và các tay súng Hồi giáo ngày càng trở nên nguy hiểm và khó kiểm soát. Trước những lời trách từ Washington, Tổng thống Musharraf đã hứa sẽ kiềm hãm hoạt động của các nhóm tay súng Kashmir và hạn chế các vụ tấn công sang phần lãnh thổ Kashmir của Ấn Độ. Tuy nhiên, cam kết này gần như bị phớt lờ sau đó.

Hậu quả

Chính cái "di sản" nói trên là tâm điểm trong sự hoài nghi của Washington đối với ISI. Cơ quan này còn bị cáo buộc quan hệ gần gũi với mạng lưới Haqqani, một đồng minh của al-Qaeda có căn cứ tại tây bắc Pakistan. Tổ chức này đã gây không ít thương vong cho lực lượng Mỹ trong khu vực và hôm 11.5 đã bị Washington liệt vào danh sách khủng bố toàn cầu. Với việc al-Qaeda chuyển trọng tâm sang Yemen, giới chức Mỹ nhận định Haqqani hiện là mối đe dọa lớn nhất ở Afghanistan.

Không chỉ có Mỹ khó chịu với Pakistan mà Islamabad cũng rất "bực mình" vì các chiến dịch không kích của Washington. Kể từ khi bước vào Nhà Trắng, Tổng thống Obama đẩy mạnh chương trình tấn công bằng tên lửa từ máy bay không người lái nhằm vào các căn cứ phiến quân Hồi giáo trên lãnh thổ Pakistan. Các vụ tấn công diễn ra ngày càng dày đặc, làm thiệt mạng nhiều dân thường khiến dư luận Pakistan hết sức bất bình và gây thêm căng thẳng cho quan hệ đồng minh. Theo Reuters, kể từ tháng 10.2010, sự hợp tác ngầm giữa CIA và ISI về chương trình tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ, bắt đầu gặp sóng gió dữ dội.

Trước khi tướng Ahmed Shuja Pasha, lãnh đạo đương nhiệm của ISI, thăm Mỹ hồi tháng trước, tình báo Pakistan úp mở những lời than phiền rằng CIA và các máy bay không người lái của Mỹ đang "làm quá" và dọa sẽ có biện pháp khống chế. Chính quyền Obama sau đó đồng ý thông báo nhiều hơn cho Islamabad về các hoạt động của CIA để rồi chỉ vài tuần sau, họ quyết định ra tay với bin Laden mà không cho đồng minh biết trước.

Mỹ có thể có lý khi hành động nước đôi như vậy sau thất bại trong nỗ lực tiêu diệt bin Laden hồi năm 1998. Tàu chiến Mỹ từ biển Ả Rập bắn đến 66 quả tên lửa hành trình nhằm vào một cuộc họp của các thủ lĩnh al-Qaeda ở miền đông Afghanistan. Hành động này nhằm trả thù vụ mạng lưới khủng bố thực hiện đánh bom liều chết tại các đại sứ quán Mỹ tại Tanzania và Kenya trước đó. Tuy nhiên, theo lời giới chức Washington thì bin Laden đã hủy cuộc họp sau khi nhận được cảnh báo của ISI. Khi đó, quân đội Pakistan được Mỹ thông báo về vụ tấn công khoảng 90 phút trước khi các tên lửa bay vào không phận nước này.

Giới chức Pakistan đang chỉ trích cách hành xử của Mỹ và dọa sẽ xét lại quan hệ hợp tác chống khủng bố với nước này. Dù giới quan sát nhận định liên minh Pakistan - Mỹ sẽ tiếp tục được duy trì vì cả hai vẫn rất cần nhau, chắc chắn sóng gió vẫn đang chờ ở phía trước đối với quan hệ đầy bất trắc này.  

Kỹ xảo chiến tranh

ISI chưa bao giờ che giấu sự thật rằng họ xem khủng bố là một vũ khí của mình, theo Reuters. Cựu lãnh đạo ISI Asad Durrani từng tuyên bố: "Khủng bố là một kỹ xảo chiến tranh, và vì thế cũng là một công cụ chính sách". Ngoài ra, theo các chuyên gia phân tích, ISI đang chịu ảnh hưởng lớn từ một bộ phận tướng lĩnh vốn hấp thu khá "nhuyễn" bài học Hồi giáo hóa của tướng Zia ul-Haq. Ông này thiệt mạng trong một tai nạn máy bay vào năm 1988 ở tuổi 64.

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.