Mỹ sắp bắn hạ vệ tinh "sát thủ"

15/02/2008 22:26 GMT+7

Một vệ tinh nhân tạo bị hỏng chứa đầy chất độc của Mỹ đang chực chờ rơi xuống trái đất. Lầu Năm Góc muốn bắn hạ vệ tinh này để tránh thảm họa.

"Sát thủ" không gian

Một vệ tinh của Văn phòng Do thám Quốc gia Mỹ có trọng lượng 2.270 kg được phóng lên vào tháng 12.2006 đã bị hỏng và đang bay về phía bầu khí quyển trái đất. Vệ tinh được miêu tả có kích cỡ bằng chiếc xe buýt này chứa khoảng 454 kg nhiên liệu độc hại, có thể gây chết người. Hiện vệ tinh đã hoàn toàn mất điều khiển. Hãng tin BBC dẫn lời các chuyên gia vũ trụ Mỹ dự báo vệ tinh có thể chạm bầu khí quyển trái đất vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3, sau đó có thể rơi xuống trái đất. Một khi "chiếc xe buýt" này rơi xuống trái đất, chắc chắn nó sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, chẳng hạn như một vụ nổ và chất độc có thể bắn ra trong phạm vi bằng một sân vận động, cho dù trong quá trình bay qua bầu khí quyển, vệ tinh đã bị vỡ ít nhiều. Tình hình sẽ cực kỳ nghiêm trọng nếu vệ tinh rơi trúng một khu dân cư đông đúc. Đây chính là nguy cơ mà các chuyên gia, đặc biệt là giới quân sự Mỹ, phải tính toán để đề phòng.

Về nguy cơ, các chuyên gia Mỹ trấn an dư luận rằng khả năng vệ tinh rơi trúng khu dân cư là không cao, và rằng mỗi năm có hàng ngàn vật thể từ không gian rơi xuống trái đất nhưng "chẳng chết ai cả". Tuy nhiên, có một thực tế là hiện các chuyên gia Mỹ không biết "của nợ" này sẽ rơi ở đâu và chính xác vào thời điểm nào nên việc đưa ra các biện pháp đề phòng là cần thiết. Trợ lý Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, ông James Jeffries, nói: "Khó có khả năng nó sẽ rơi trúng một khu dân cư, nhưng nguy cơ đe dọa cũng không thể loại trừ nên cần có biện pháp phòng ngừa". Và một biện pháp "nặng đô" đã được Tổng thống George W.Bush phê chuẩn. Theo Hãng tin AP, trong cuộc họp báo của Lầu Năm Góc hôm 14.2, tướng James Cartwright, Phó chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, thông báo rằng Mỹ sẽ sử dụng tên lửa để bắn hạ "chiếc xe buýt" nói trên.

Kế hoạch bắn hạ

Theo kế hoạch được tướng Cartwright tiết lộ, Hải quân Mỹ sẽ cải tiến loại tên lửa chiến thuật Standard Missile 3 (SM-3) để phóng từ một tàu khu trục Aegis. Loại tàu chiến và tên lửa này là một phần của hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo chứ không phải diệt vệ tinh. Việc cải tiến tên lửa nhằm giúp nó nhận biết được vệ tinh bị hư kia là một nhiệm vụ hơi "lạ" đối với SM-3. Tướng Cartwright nói rằng Hải quân sẽ bắn một quả tên lửa, nhưng để cho chắc ăn, hai tên lửa nữa cũng sẽ được đặt trong tư thế sẵn sàng khai hỏa ở hai tàu chiến khác. Nếu quả tên lửa thứ nhất không bay trúng mục tiêu, khi đó người ta sẽ tính xem có bắn thêm phát thứ hai, thứ ba hay không.

Các chuyên gia quân sự Mỹ còn cho biết, họ sẽ phóng hỏa khi vệ tinh chưa vào bầu khí quyển trái đất, ở độ cao khoảng 250 km. Nếu không, nỗ lực bắn hạ sẽ chẳng thu được kết quả do tình trạng mất ổn định của mục tiêu khi ở trong bầu khí quyển. Tướng Cartwright nói rằng, một khi vệ tinh bị bắn trúng, lượng nhiên liệu độc của nó sẽ bị phân tán trong không gian một cách vô hại và các mảnh vỡ rơi xuống trái đất cũng không còn nguy hiểm nữa. Theo giới chức Mỹ, tàu con thoi của họ - hiện đang làm nhiệm vụ tại Trạm Không gian quốc tế, sẽ hạ cánh trước để việc bắn hạ diễn ra an toàn.

Bóng mây ngờ vực

Đầu năm 2007, Trung Quốc từng khiến cả thế giới lo ngại khi thực hiện một vụ thử tên lửa diệt vệ tinh. Họ sử dụng tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất và bắn hạ thành công một vệ tinh đã hết hạn sử dụng của mình. Vụ thử này khiến thế giới lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc đua vũ khí không gian, và tệ hơn, một cuộc "chiến tranh giữa các vì sao". Giờ đây, người Mỹ không tuyên bố thử tên lửa diệt vệ tinh, nhưng kế hoạch bắn hạ của Lầu Năm Góc có thể tạo ra một bầu không khí dị nghị. Giới chức Nga và Trung Quốc có thể sẽ nghi ngờ Mỹ lợi dụng danh nghĩa "loại trừ một nguy cơ cho trái đất" để thử tên lửa diệt vệ tinh, loại vũ khí có thể hủy hoại hệ thống công nghệ của đối phương. Để xua tan bầu không khí nghi kị, giới quân sự Mỹ đã nhắc đi nhắc lại rằng loại tên lửa mà họ sử dụng là SM-3, vốn không được thiết kế để diệt vệ tinh. Tướng Cartwright còn nhấn mạnh: "Đây là lần đầu tiên chúng tôi dùng tên lửa chiến thuật để đối phó với vệ tinh".

Ngoài mối nghi kị trên, một số người còn cho rằng thực ra Mỹ quyết định bắn vệ tinh bị hỏng của mình không chỉ nhằm mục tiêu tránh thảm họa mà còn nhằm loại trừ nguy cơ công nghệ của họ bị rơi vào tay một nước khác. Vệ tinh do thám nói trên là một cỗ máy tối tân của Mỹ, nó mang một thiết bị cảm ứng hình ảnh bí mật và hết sức tinh vi. Nhiệm vụ của vệ tinh này liên quan đến các vấn đề an ninh quốc gia và chiến lược quân sự của Mỹ. Vì thế, giả dụ sau khi "chui" qua bầu khí quyển, "chiếc xe buýt" của Mỹ đáp xuống một nơi nào đó trên lãnh thổ Nga, Trung Quốc, Iran, Ấn Độ... thì chẳng hay chút nào. Chuyên gia các nước kia chắc chắn sẽ chẳng bỏ lỡ cơ hội "phẫu thuật tử thi" để xem "bụng dạ" người Mỹ. Thế nên, bắn một phát cho vệ tinh nọ trở về với cát bụi có vẻ là biện pháp tốt nhất mà người Mỹ có thể nghĩ ra. Tướng Cartwright phủ nhận điều này, nhưng mối ngờ vực của dư luận thì vẫn cứ lởn vởn.

Châu Minh Linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.