Tết nhớ về tranh Hàng Trống

23/01/2006 22:23 GMT+7

Tôi từng trò chuyện cùng ông ở phố cổ Hội An. Chiều cuối năm về quê mẹ, gặp tranh Cá chép trông trăng trên bức tường đã cũ, chợt trông tranh tôi bỗng nhớ người...

Sinh ra trong một gia đình có 7 anh chị em, ông Lê Đình Nghiên thuộc thế hệ thứ ba trong một gia đình có truyền thống nghề tranh ở làng Bình Vọng (Thường Tín, Hà Tây). Ông vào nghề từ thời thơ ấu, chuyên hòa màu mài mực cho bố vẽ tranh. Làng quê xa khuất trong ông do trước đó, ông nội và bố đã ra lập nghiệp tại phố Hàng Trống, Hà Nội ngót trăm năm. Nhiều đời, đông anh em con cháu nhưng rồi chỉ mỗi mình ông còn đeo đuổi nếp nghề. Việc ông theo lời mời ra Hội An cũng không ngoài nếp ấy, làm sao tranh Hàng Trống không tuyệt tích trong thiên hạ là sứ mệnh “xuyên qua hai thế kỷ” của ông.


Nghệ nhân Lê Đình Nghiên

Rít hơi thuốc dài, ông Nghiên lim dim mắt: “Ở tranh Hàng Trống, chỉ có khâu in nét là được làm hàng loạt, còn khâu tô vẽ màu thì làm từng bức. Đôi khi tôi sáng tạo thêm so với mẫu, tùy theo cảm hứng và bút lực vờn tranh”. Thật tiếc, dù dòng tranh này đã gắn bó hàng trăm năm với người dân kẻ chợ nhưng đến nay, biết bao vật đổi sao dời. Tranh Hàng Trống không còn bán trên phố xưa Hàng Trống. Nhà ông Nghiên nay cũng đã chuyển lên phố Cửa Đông. Tuy vậy, bí quyết tranh Hàng Trống vẫn được gia đình ông bảo tồn, lưu giữ. Những cuộc Nam du cũng không ngoài “lưu giữ di động” cho tranh. “Người chơi tranh Hàng Trống ngày nay không còn theo mùa Tết. Mà người chơi cũng không còn nhiều lắm. Hầu như bây giờ họ thích tranh, ảnh nước ngoài hơn!” Tuy nhiên, cũng có điều ngược lại,  trong số những khách hàng quen thuộc của ông, du khách nước ngoài chiếm phần khá đông.

Điều ông Nghiên trăn trở nhất hiện nay là nguy cơ thất truyền của dòng tranh Hàng Trống. Có lẽ do vậy mà ông đã “dụ” một người con trai của ông năm nay 18 tuổi phải học nghề tranh. Ông tâm niệm: “Dù sau này không theo nghiệp tranh gia đình thì mỗi khi rảnh rỗi, nó sẽ vẫn dành chút ít thời gian để vẽ tranh, giữ gìn nghề truyền thống gia đình”.

Còn nhớ, ông trao tôi danh thiếp, địa chỉ ghi Viện bảo tàng Mỹ thuật. Ông có thể về hưu nhưng tranh Hàng Trống sẽ không thể về hưu...


Cá chép trông trăng

Cũng như tranh Đông Hồ và tranh Kim Hoàng, tranh Hàng Trống là kỹ thuật và nghệ thuật cha truyền con nối. Mỗi sản phẩm là kết tinh của cả một quy trình công nghệ cổ truyền, qua nhiều công đoạn tỉ mẩn, uyển chuyển, khó khăn. Nếu như các công đoạn của tranh Đông Hồ hầu hết phải qua 3 khâu: vẽ mẫu, khắc ván và in thì tranh Hàng Trống - ngoài các bước nêu trên - còn có thêm công đoạn tô màu bằng tay còn gọi “vờn màu”. Tại Hội An, trước nhiều ống kính trong và ngoài nước, ông Nghiên từng “vờn” như thế. Bàn tay đảo phải ngoặc trái, ánh mắt tựa thôi miên, nét cọ như có thần, thoắt giấy trắng hiện hình “Cá chép trông trăng”. Ngay lúc ấy, thiếu thời tôi cũng thoắt hiện hình. Quên sao được, cũng bức tranh này, ba tôi từng sai tôi phủi... bụi, ghim lên vách phên nhà mỗi khi Tết đến.

Đặng Ngọc Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.