Mỹ - Trung bám đuổi nhau về công nghệ máy tính lượng tử

15/09/2018 16:17 GMT+7

Mỹ vừa tiến một bước mới trong cuộc chiến giành vị trí tối cao toàn cầu về công nghệ tính toán.

Theo CNN, Hạ viện Mỹ hôm 13.9 nhất trí thông qua một dự luật giúp Mỹ ngang hàng với Trung Quốc trong lĩnh vực tính toán lượng tử. Máy tính lượng tử hứa hẹn sẽ nhanh hơn máy tính truyền thống đang được sử dụng.
Dự luật nêu trên đã được thông qua ngay sau khi Trung tâm An ninh mới của Mỹ, một trung tâm nghiên cứu của quan chức Lầu Năm Góc ở Washington, cảnh báo trong một báo cáo gần đây rằng sự tập trung của Trung Quốc về công nghệ lượng tử có thể giúp nước này vượt qua quân đội Mỹ.
Các máy tính truyền thống lưu trữ dữ liệu dưới dạng số nhị phân, như một công tắc đèn có nút bật hoặc tắt. Điện toán lượng tử dựa trên qubit có thể tồn tại đồng thời ở cả hai trạng thái 1 và 0. Điều này nghĩa là qubit có khả năng tăng gấp đôi cấu hình tính toán điện tử, giúp tạo ra dòng máy tính có cấu hình mạnh hơn. Những người ủng hộ máy tính lượng tử rất hào hứng với các lựa chọn mới như khả năng truyền thông an toàn và nhiều thành phần xử lý khác được cải thiện.
“Lượng tử có thể là công nghệ tính toán trong 100 năm tới. Nó giống như một cuộc đua không gian, chỉ xuất hiện một lần trong đời”, Jim Clarke, giám đốc phần cứng lượng tử tại Intel, nói với CNN hồi đầu năm nay.
Intel, Goolge và IBM nằm trong số một vài công ty Mỹ đang phát triển công nghệ lượng tử. Trong khi đó, Trung Quốc đã nổi bật trên toàn cầu về năng lượng và đầu tư trong địa hạt này.
Theo ông Paul Stimers, người sáng lập Liên minh Công nghiệp Lượng tử, tổ chức vận động hành lang thay mặt cho các hãng sản xuất công nghệ lượng tử của Mỹ, quốc gia Đông Á sở hữu một vệ tinh lượng tử, một mạng lưới truyền thông chưa từng có ai thực hiện và chương trình phát triển lực lượng lao động để giới thiệu đội ngũ kỹ sư lượng tử mới của Trung Quốc trên mạng trực tuyến.
Công nghệ tàng hình của Mỹ có thể trở nên lỗi thời vì công nghệ lượng tử, các nhà nghiên cứu tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ cảnh báo. Ngoài ra, cũng sẽ khó khăn hơn cho Mỹ trong việc để mắt đến Trung Quốc, cũng như thực hiện nhiệm vụ bảo vệ thông tin nhạy cảm của quốc gia.
Lần đầu tiên trong lịch sử gần đây, Mỹ phải đối mặt với nguy cơ bị ngạc nhiên bởi công nghệ mà một nước khác sở hữu. Tuy nhiên, việc dự đoán công nghệ lượng tử sẽ trở nên mạnh mẽ như thế nào và phát triển nhanh ra sao không phải là vấn đề đơn giản, Elsa Kania, một trong những tác giả báo cáo, nói với CNN.
Quốc hội Mỹ không đơn độc khi xem xét về lĩnh vực tính toán lượng tử. Tháng 6.2018, Nhà Trắng đã thành lập một tiểu ban mới trong Hội đồng Công nghệ và Khoa học Quốc gia để nghiên cứu và phát triển khoa học thông tin lượng tử.
Song, theo một số ý kiến khác, hiện có sự cường điệu đáng kể trong ngành công nghiệp điện toán lượng tử. Một máy tính lượng tử có khả năng thay đổi thế giới dường như vẫn còn cách chúng ta độ chừng 10 năm nữa. Hiện không có gì đảm bảo công nghệ lượng tử sẽ thành công.
Trung Quốc đã ra mắt vệ tinh lượng tử, nhưng khả năng của nó là vô cùng hạn chế so với sự mong đợi của những người ủng hộ công nghệ lượng tử siêu năng.
“Vệ tinh đó hoàn toàn vô dụng khi nói về khả năng nó có thể làm được điều gì đó lớn lao vào lúc này, nhưng dù sao ở thời điểm hiện tại nó cũng khá ấn tượng”, ông Stimers nhận xét.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.