Mỹ - Trung thảo luận các vấn đề nóng

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau giữa thời điểm hai nước bị cho là đã qua giai đoạn nồng ấm.

Ngày 8.7, bên lề Hội nghị cấp cao G20 ở Hamburg (Đức), Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc thảo luận trong giai đoạn giữa hai nước phát sinh nhiều bất đồng. Đến khuya hôm qua, cả hai bên vẫn chưa công bố thông tin cụ thể về nội dung cuộc gặp. Tân Hoa xã chỉ tường thuật chung chung là 2 nhà lãnh đạo bàn luận về quan hệ song phương và những vấn đề nóng bỏng trên toàn cầu. Theo hãng thông tấn này, Chủ tịch Tập đã nói quan hệ Trung - Mỹ tốt đẹp sẽ có lợi cho sự ổn định của thế giới, đồng thời kêu gọi nỗ lực chung nhằm giữ sự hợp tác song phương đi đúng hướng. Tổng thống Trump thì bày tỏ “cảm kích” đối với những điều mà Chủ tịch Tập đã làm liên quan đến “vấn đề rất lớn lao mà tất cả chúng ta phải đối mặt là Triều Tiên”. Nhà lãnh đạo cho rằng Mỹ và Trung Quốc có thể dàn xếp thành công vấn đề chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.
Trong khi đó, nhiều nhà phân tích nhận định những thông tin đầy tính ngoại giao nói trên có thể không phản ánh hết độ nóng bỏng trong phòng họp. Sau cuộc gặp đầu tiên giữa 2 nhà lãnh đạo hồi tháng 4, quan hệ Mỹ - Trung đạt một số tiến triển nhưng rồi lại dần lạnh nhạt. Tổng thống Trump thời gian qua nhiều lần tỏ ra mất kiên nhẫn khi cho rằng Trung Quốc không tích cực trong việc gây sức ép với Triều Tiên. Bên cạnh đó, tuy không tuyên bố công khai nhưng cũng có dấu hiệu Washington vẫn tiếp tục các động thái thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông. Ngay trước thềm cuộc gặp tại Hamburg, 2 máy bay ném bom chiến lược B-1B của Mỹ hôm 6.7 đã bay qua Biển Đông. Tuy không công bố rõ chi tiết nhưng quân đội Mỹ khẳng định động thái này chứng tỏ Washington “sẽ tiếp tục thực hiện quyền tự do hàng hải ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”, theo website chính thức của Lực lượng không quân Mỹ ở Thái Bình Dương. Trung Quốc đã phản đối và người phát ngôn Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng lớn tiếng tuyên bố nước này “cương quyết phản đối việc một số nước phô trương sức mạnh gây ảnh hưởng đến chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, lấy cớ là tự do hàng hải và hàng không”.
Nga - Mỹ tiến về phía trước
Cũng trong ngày 8.7, Tổng thống Nga Vladimir Putin tổ chức họp báo tại Hamburg về các vấn đề chung của G20 cũng như cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump một ngày trước đó. Reuters dẫn lời chủ nhân Điện Kremlin một lần nữa nhấn mạnh Nga không can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và ông đã trả lời chi tiết cho Tổng thống Trump. Theo Tổng thống Putin, có vẻ như người đồng cấp Mỹ “hài lòng” với khẳng định của Nga. Ông cũng nhận định cuộc gặp ngày 7.7 tạo ra một số tiền đề để cải thiện mối quan hệ Moscow - Washington. Ngoài ra, Tổng thống Putin còn đánh giá Tổng thống Trump “rất khác biệt” ngoài đời. “Tổng thống Trump mà bạn thấy trên ti vi rất khác so với ngoài đời. Có đủ lý do để tin rằng chúng tôi sẽ có thể tái xây dựng phần nào mức độ hợp tác cần thiết”, Tổng thống Putin nói với các phóng viên.
Tổng thống Putin khẳng định không can thiệp vào bầu cử Mỹ Reuters

Cuộc gặp kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ giữa 2 vị tổng thống đã mang lại một kết quả cụ thể là thỏa thuận ngừng bắn tại miền nam Syria. AFP dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết lực lượng nước này sẽ phối hợp cùng Mỹ và Jordan phụ trách giám sát thực thi ngừng bắn. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nhận định kết quả này cho thấy Washington và Moscow có thể phối hợp tại Syria. Ông cho biết thêm 2 nhà lãnh đạo “đã có cuộc trao đổi thẳng thắn” về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ và vấn đề Triều Tiên. Theo ông Tillerson, Tổng thống Trump và Tổng thống Putin đều thể hiện ý chí vượt qua bất đồng để quan hệ song phương có thể tiến về phía trước.
G20 ra tuyên bố chung
Ngày 8.7, Hội nghị cấp cao G20 bế mạc với tuyên bố chung được 20 nền kinh tế thành viên thông qua. Trong đó không ngần ngại nhắc đến bất đồng về vấn đề khí hậu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh rút khỏi Hiệp định Paris về bảo vệ khí hậu trái đất.
Tuy nhiên, toàn bộ các thành viên còn lại vẫn cam kết với hiệp định này, đồng thời ghi nhận nỗ lực của Mỹ về “hợp tác chặt chẽ nhằm giúp các nước tiếp cận và sử dụng nhiên liệu hóa thạch một cách hiệu quả và bảo vệ môi trường”. Cũng trong ngày cuối của hội nghị, Reuters dẫn lời Tổng thống Trump cam kết viện trợ nhân đạo 639 triệu USD cho người dân tại các nước đang xảy ra hạn hán và xung đột gồm Nam Sudan, Nigeria, Somalia và Yemen.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.