Theo Kênh truyền hình quốc gia Myanmar MRTV, tổng số tù nhân được ân xá trong đợt này là 6.359 người, gồm những người già, đau yếu, tàn tật hoặc những người đã chấp hành tốt hình phạt. Động thái này nhằm “tạo điều kiện cho họ góp phần xây dựng một dân tộc đổi mới”, kênh MRTV nói.
Không có thông tin chính thức về số người bị giam vì lý do chính trị được thả trong đợt này. Theo ước tính của các tổ chức quốc tế, tại Myanmar hiện có khoảng 2.100 người được cho là “tù nhân chính trị”. Hôm qua, AP dẫn lời một quan chức chính phủ giấu tên cho hay khoảng 30 người, hầu hết là thành viên Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) do nhân vật đối lập Aung San Suu Kyi đứng đầu, đã ra khỏi một nhà tù ở Yangon. NLD cũng cho hay trên 20 thành viên nữa được phóng thích khỏi các nhà tù khác. Đến gần cuối ngày, AFP dẫn lời phát lời ngôn viên Nyan Win của NLD cho hay đã có tổng cộng 120 tù nhân chính trị được thả, và “con số có thể nhiều hơn” do việc thống kê vẫn đang tiếp tục.
|
Nổi bật trong số những người được trả tự do hôm qua là Shin Gambira, 31 tuổi, một lãnh đạo trong cuộc biểu tình của tăng ni, phật tử hồi tháng 9.2007 và bị kết án 68 năm tù. Ngoài ra còn có ông Zarganar, bị kết án 59 năm tù, sau giảm xuống còn 35 năm, năm 2008 vì chỉ trích chính phủ chậm trễ trong công tác cứu trợ nạn nhân bão Nargis; và Sai Say Htan, một thủ lĩnh dân tộc Shan lãnh án 104 năm tù vào năm 2005 vì từ chối tham gia soạn thảo hiến pháp mới...
Thay đổi bất ngờ
Tổng thống Myanmar thăm Ấn Độ Ngày 12.10, Tổng thống Myanmar Thein Sein tới New Delhi để bắt đầu chuyến thăm chính thức Ấn Độ kéo dài 3 ngày, theo tờ China Daily. Chuyến thăm nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa hai bên trên nhiều lĩnh vực khi Ấn Độ đang là đối tác thương mại lớn thứ tư của Myanmar với tổng kim ngạch thương mại song phương 1,071 tỉ USD trong năm qua. Từ đầu năm đến nay, hai nước liên tục ký kết nhiều thỏa thuận quan trọng để Ấn Độ giúp Myanmar đào tạo nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển du lịch và hợp tác văn hóa. Hoàng Đình |
Trái ngược với mọi nghi ngờ, Tổng thống Thein Sein của Myanmar, vốn là một tướng lĩnh quân đội, đã tiến hành một loạt động thái cải cách bắt đầu từ giữa tháng 7. Đầu tiên là việc “cởi trói” và đối thoại với nhân vật đối lập Aung San Suu Kyi. Bà Suu Kyi liên tục có những chuyến đi vận động chính trị bên ngoài Yangon và tiếp xúc với tất cả các nhà ngoại giao nước ngoài mà không hề bị cản trở. Dư luận đặc biệt bất ngờ trước bức ảnh chụp bà Suu Kyi đối thoại với ông Thein Sein trong Phủ tổng thống ngày 19.8. Trên bức tường của phòng họp là chân dung tướng Aung San, vị thân sinh đã quá cố của bà Suu Kyi và là nhà cách mạng giải phóng Myanmar khỏi ách đô hộ của Anh.
Trên bình diện xã hội, Hạ viện Myanmar hồi tháng 8 đã thông qua một sắc luật mới cho phép công nhân được thành lập nghiệp đoàn và tụ tập. Quyền tiếp cận thông tin và tự do báo chí cũng được nới rộng. Ngày 15.9, chính phủ đã dỡ bỏ lệnh cấm truy cập vào các website tin tức thế giới, website của các nhóm đối lập và mạng chia sẻ video YouTube. Theo quan sát của báo Straits Times (Singapore), các tờ báo ở Myanmar gần đây cũng có một số bài viết “phản biện chính phủ một cách thận trọng”.
Đến ngày 30.9, Tổng thống Thein Sein tiếp tục “gây sốc” khi tuyên bố ngưng dự án đập thủy điện Myitsone trị giá 3,6 tỉ USD do Trung Quốc đầu tư. Khởi công năm 2007 và dự kiến hoàn thành vào năm 2017, dự án này gây bất bình lớn trong công chúng và khiến cộng đồng quốc tế quan ngại về những tác động xấu đối với môi trường và xã hội. “Chính phủ chúng ta do người dân bầu ra nên phải tôn trọng ý nguyện của người dân”, ông Thein Sein tuyên bố trước Quốc hội.
Trước những chuyển biến tích cực trên, dư luận đang kỳ vọng Mỹ và phương Tây sẽ tháo bỏ lệnh cấm vận đã áp đặt lên Myanmar nhiều năm qua.
Thục Minh
(VP Singapore)
Bình luận (0)