Năm 2006 đã thay đổi internet như thế nào?

26/07/2018 15:42 GMT+7

Chỉ 6 tháng trong năm 2006, đã có hai sự kiện quan trọng thay đổi cách chúng ta sử dụng internet, đó là Twitter ra mắt vào tháng 3 và Facebook công bố News Feed vào tháng 9.

Hai dịch vụ này đã giới thiệu nguồn thông tin truyền thông xã hội cho một lượng người dùng đông đảo, đồng thời thay đổi cách chúng ta tương tác với bạn bè, hấp thụ tin tức và quan sát thế giới. Nguồn cấp dữ liệu này cũng chứng minh rằng đã đến lúc thời đại mà người ta phải lướt qua hàng loạt URL lộn xộn nên khép lại.
“Điều đó đã dẫn đến sự thay đổi triệt để trong cách mọi người tiêu thụ thông tin. Thay vì phải mất công tìm kiếm thông tin trên các blog, các diễn đàn và các trang tin tức, giờ đây thông tin đã tự tìm thấy chúng ta theo cách mà chúng ta không biết được”, Ramesh Srinivasan, giáo sư nghiên cứu tác động của công nghệ đối với xã hội tại University of California, Los Angeles (UCLA), nói.
Xét về khía cạnh tốt nhất, sự thay đổi này đã tạo ra và hỗ trợ các mối quan hệ mới, những chiến dịch xã hội có độ lan tỏa cao. Nhưng nó cũng mở đường cho bong bóng lọc, chứng nghiện mạng xã hội, hội chứng FOMO (tâm lý sợ bỏ lỡ một điều gì đó) và can thiệp bầu cử.
Theo CNN, trong hai năm qua, Facebook, Twitter đã phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ về vai trò của họ trong việc phát tán tin tức giả mạo và các chiến dịch phá hoại nhằm gây bất hòa ở Mỹ cũng như ở nước ngoài. Tuy nhiên, một số nhân viên đời đầu khi nhìn lại vẫn cảm thấy tự hào về những gì họ đã xây dựng, bất chấp những hậu quả ngoài ý muốn.
“Rõ ràng có một số công cụ thực sự tệ, nhưng điều chúng tôi xây dựng đã làm những gì mà nó cần phải làm. Đó là mang lại tiếng nói cho cộng đồng”, Blaine Cook, một thành viên của nhóm sáng lập Twitter, nói.
Phần lớn cả những người xây dựng nền tảng và những người chỉ trích đều đồng thuận rằng xu hướng gia tăng các nguồn cung cấp dữ liệu là điều không thể tránh khỏi. Số lượng người chia sẻ tin tức trực tuyến tăng đòi hỏi phải có công cụ tốt hơn để đăng tải thông tin và chọn lọc qua tất cả các thông tin đó.
Trong năm 2006, cảm giác về một xu hướng không thể tránh khỏi mạnh mẽ đến nỗi đã khiến những người làm việc trong Facebook chưa bao giờ tranh luận nghiêm túc về việc liệu có nên tiếp tục với News Feed hay không, mặc dù thực tế có nhiều lý do để lo lắng. Nhân viên và một nhóm nhỏ người dùng thử News Feed trong quá trình phát triển News Feed đã choáng váng khi thấy tất cả các cập nhật về mối quan hệ bạn bè mới, thông tin chia tay và những thứ khác xuất hiện liên tục mỗi phút trên nền tảng.
“Phản ứng ban đầu của rất nhiều người trong quá trình thử nghiệm đó là “nó khiến tôi cảm thấy tôi đang phải xem những thứ mà tôi không cần phải biết về tất cả những người này”. Một số nhân viên lo ngại rằng Facebook sẽ đưa người dùng vào một tình huống hoàn toàn mới mà không có bất kỳ sự giúp đỡ hay chuẩn bị nào”, Ezra Callahan, một trong những nhân viên đầu tiên của Facebook, cho hay.
Và đó chính xác là những gì đã xảy ra. Ngày 5.9.2006, người dùng đã đăng nhập và phát hiện sự thay đổi mà Facebook gọi là “facelift”. Hàng trăm ngàn người đã sớm phản đối tính năng mới. Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg, lúc ấy chỉ mới 22 tuổi, phải đưa ra lời xin lỗi công khai vì đã không giải thích rõ ràng hơn các tính năng mới sau khi giới thiệu News Feed. Có ý kiến cho rằng lời xin lỗi công khai của ông chủ Facebook thời điểm đó là điềm báo trước cho những lời xin lỗi tiếp theo sau này về bê bối liên quan đến thông tin cá nhân người dùng.
Soleio Cuervo, nhà thiết kế đời đầu của Facebook, cho biết nhân viên mạng xã hội lớn nhất thế giới đã từng gây tò mò cho người dùng về khả năng “kiểm tra sự thật” cho các bài đăng trên News Feed. Cuervo nhớ lại ý tưởng lúc đó là một “đường nguệch ngoạc màu vàng” có thể làm nổi bật một cái gì đó có độ chính xác đáng ngờ giống như cách một đường thẳng màu đỏ gây chú ý đến những lỗi ngữ pháp hoặc chính tả trong các tài liệu Word.
“Đó là bài tập củng cố nguyên tắc của chúng tôi. Những nguyên tắc đó bao gồm cam kết nhiệt tình của Facebook đối với tự do ngôn luận và cần phải là nền tảng cho tất cả các ý tưởng, thậm chí ngay cả những ý tưởng có thể giả mạo”, Cuervo nói.
Song, mặc dù nhân viên Facebook cố gắng tận dụng nguồn cấp dữ liệu để mở rộng người dùng, nhưng họ lại thất bại trong việc dự đoán công nghệ này sẽ làm mất ổn định ngành công nghiệp truyền thông bằng cách “hút” sự chú ý và tiền quảng cáo, theo Vivian Schiller, cựu giám đốc điều hành của National Public Radio, người sau đó đã làm việc với tư cách là người đứng đầu về tin tức và đối tác báo chí của Twitter.
“Chúng tôi không tưởng tượng được là nó sẽ thay đổi cách mọi người tương tác với tin tức sâu sắc đến như vậy”, bà Schiller nói.
Rõ ràng, Facebook và Twitter “đã tạo ra hiệu quả cho tin tức”, nhưng không may là họ cũng tạo hiệu quả cho cả tin tức giả mạo. “Luôn luôn có thông tin sai lạc trên internet, nhưng nó không thực sự tập trung”, Renée DiResta, người đứng đầu chính sách tại Data For Democracy hiện nghiên cứu thông tin trực tuyến, cho biết.
Dưới áp lực từ các nhà quản lý trên khắp thế giới, Facebook, Twitter cũng như các công ty khác đang phải vật lộn để tìm ra tin tức và thông tin giả mạo, bao gồm cả việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để chiến đấu với các tài khoản giả tạo và làm việc với bên thứ ba để kiểm tra thực tế. Nhưng điều đó có thể đã quá muộn.
“Thực hiện động thái trên ngay bây giờ thực sự sẽ rất khó khăn. Nếu có một thời điểm lý tưởng để giới thiệu công cụ chống lại thông tin sai lệch trên Facebook, thì thời điểm đó nên là năm 2006, trước khi các nguồn cấp dữ liệu thay đổi mọi thứ”, ông Cuervo nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.