Năm 2019: Bay thẳng đến Mỹ?

Mai Hà
Mai Hà
12/02/2019 07:05 GMT+7

Nếu bay thẳng đi Mỹ (hoặc qua một điểm dừng kỹ thuật), thời gian sẽ rút ngắn xuống còn 13 tiếng.

Sau nhiều năm chờ đợi, cơ hội mở đường bay thẳng đến Mỹ cho các hãng hàng không VN sắp chính thức mở ra khi Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) dự kiến sớm công bố xếp hạng năng lực giám sát an toàn mức 1 (CAT1) cho VN.
Hiện nay, từ VN bay đi Mỹ phải quá cảnh (transit) qua một nước thứ ba, nên mất từ 18 giờ trở lên nếu đến bờ tây và từ 21 giờ trở lên nếu đến bờ đông (tính cả thời gian quá cảnh) tùy hãng hàng không. Nếu bay thẳng đi Mỹ (hoặc qua một điểm dừng kỹ thuật), thời gian sẽ rút ngắn xuống còn 13 tiếng.

Nâng cao uy tín hàng không Việt

Để được chấp thuận bay đến Mỹ, cơ quan quản lý hàng không của các nước phải đáp ứng tiêu chuẩn giám sát an toàn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế ICAO và quy chế an toàn của FAA, cụ thể là CAT1. Sau khi đạt CAT1, Cục Hàng không VN sẽ được phép giám sát các hãng hàng không nhằm đảm bảo sự tuân thủ các quy chế và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để có thể bay thẳng đến Mỹ.
Trả lời Thanh Niên ngày 11.2, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không VN, cho biết FAA đã thực hiện nhiều đợt rà soát kỹ thuật với hàng chục tiêu chí và đều đánh giá kết quả tốt cho xếp loại an toàn hàng không của VN.
“Các quan chức của FAA đã trao đổi với phía VN cho biết sắp công bố CAT1 cho VN, tuy nhiên hiện do chính phủ Mỹ đóng cửa nên việc công bố đang bị chậm lại ít ngày. Chúng tôi hy vọng trong đầu năm 2019, phía Mỹ sẽ chính thức công bố CAT1 cho VN qua đường ngoại giao”, ông Thắng cho hay.
Cũng theo lãnh đạo Cục Hàng không VN, việc đạt CAT1 có ý nghĩa rất quan trọng với hàng không VN. Thứ nhất, đây là tiền đề, điều kiện tiên quyết để các hãng hàng không VN có thể xúc tiến các bước tiếp theo nhằm mở đường bay thẳng VN - Mỹ. Thứ hai, đạt được CAT1 giúp nâng cao rất nhiều uy tín của hàng không VN trên thị trường hàng không quốc tế. Thứ ba, dù có thể chưa thực hiện bay thẳng sang Mỹ, nhưng các hãng hàng không trong nước có thể hợp tác liên danh (code share) với các hãng hàng không lớn đang thực hiện bay thẳng đến Mỹ.
“Chúng ta đã có bước chuẩn bị về mặt kỹ thuật nhiều năm nay cho việc mở đường bay thẳng đến Mỹ, CAT1 chính là yếu tố quan trọng để hiện thực hóa điều này”, ông Thắng khẳng định.
Thực tế, kế hoạch bay thẳng tới Mỹ nhiều lần bị trì hoãn do không đạt được các tiêu chuẩn giám sát của FAA. Trước đó, FAA từng tiến hành các đợt rà soát kỹ thuật với việc tuân thủ các quy định về hệ thống giám sát an toàn hàng không của Cục Hàng không VN năm 2013 và 2017. Dự kiến việc bay thẳng sẽ thực hiện trong năm 2018 nhưng chưa thực hiện được do VN vẫn phải tiếp tục khắc phục các khuyến cáo cụ thể sau các đợt giám sát an toàn hàng không toàn cầu của ICAO và FAA. Năm 2018, FAA đã tiến hành đánh giá an toàn với Cục Hàng không trên 8 yếu tố trọng yếu để phân loại việc tuân thủ các quy định an toàn của ICAO…

Các hãng rục rịch chuẩn bị

Năm 2003, Hiệp định hàng không VN - Mỹ được ký kết, cho phép các hãng hàng không mở đường bay thẳng giữa hai nước. Từ năm 2004, Vietnam Airlines (VNA) đã có kế hoạch khai thác và chuẩn bị sẵn sàng cho việc mở đường bay thẳng tới bờ tây nước Mỹ.
Tuy nhiên, theo ông Đinh Việt Thắng, để mở được đường bay thẳng tới Mỹ còn rất nhiều việc, trong đó Cục Hàng không đạt CAT1 mới là 1 trong 3 điều kiện chính, ngoài ra các hãng hàng không được phê chuẩn và đáp ứng các thủ tục an ninh Mỹ. Thị trường Mỹ rất phức tạp về mặt tư pháp quốc tế cũng như an ninh, nên các hãng phải có những chuẩn bị rất kỹ lưỡng để đáp ứng yêu cầu, việc thời điểm nào chính thức mở đường bay tới Mỹ phụ thuộc vào tính toán và chuẩn bị của từng hãng. Song ông Thắng cũng cho rằng, với tính chất khó khăn của đường bay dài này, chỉ những hãng có tiềm lực mạnh mới có thể bay thẳng tới Mỹ.
Các hãng hàng không VN như VNA, Vietjet Air, thậm chí là tân binh Bamboo Airways hiện đều bày tỏ sự quan tâm tới việc mở đường bay thẳng trực tiếp giữa VN - Mỹ. VNA đang sở hữu đội máy bay thân rộng như Boeing 787-9 Dreamliner và Airbus A350-900XWB, có thể bay trực tiếp đến Mỹ hoặc qua một điểm dừng kỹ thuật tại Nhật Bản (máy bay sẽ dừng để tiếp nhiên liệu, cung cấp suất ăn với thời gian tối đa khoảng 1 giờ, hành khách không phải xuống máy bay và không phải thực hiện chuyển máy bay như khi bay transit qua một điểm đến khác). VNA cũng đã nộp hồ sơ xin cấp phép bay thương mại lên Bộ GTVT Mỹ. “Việc được phê chuẩn CAT1 là một bước quan trọng về mặt kỹ thuật, mở ra cơ hội bay thẳng đi Mỹ”, Tổng giám đốc VNA Dương Trí Thành cho biết.
Trước đó, Vietjet cũng đã thông tin kế hoạch mở rộng đội bay với các máy bay thân lớn B787 và A350 để bắt đầu các chặng bay tới Mỹ, với điểm đến có thể là California (Mỹ) sau khi được FAA cho phép.
Dù mới bay chính thức, song Hãng hàng không Bamboo Airways cũng đặt tham vọng rất lớn khi cho biết sẽ tập trung mở đường bay vào các thị trường quan trọng ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore…, và về dài hạn sẽ mở rộng tuyến tới Mỹ và châu Âu với sự hỗ trợ từ đối tác Boeing khi nhận bàn giao máy bay Boeing 787-9 Dreamliner vào đầu năm 2020.

Lo thu không đủ bù chi

Trả lời Thanh Niên, ông Dương Trí Thành cho biết yếu tố kỹ thuật mới chỉ là một khâu, quan trọng nhất để mở đường bay thẳng đến Mỹ vẫn là cạnh tranh chi phí, doanh thu có khả thi hay không. Hiện có nhiều hãng hàng không thực hiện đường bay tới Mỹ với đặc điểm giá vé rất thấp, chi phí lại cao, nên VNA tính toán cần tới 5 - 10 năm mới có thể khai thác hòa vốn đường bay này. Dù chưa có con số cụ thể nhưng ước tính mức lỗ có thể hơn 30 triệu USD trong những năm đầu khai thác.
“Về mặt thương mại, chúng tôi vẫn đang tính toán và chuẩn bị, lo lớn nhất là thu không đủ bù chi khi giá vé thấp hơn giá thành”, ông Thành cho biết. Để giảm lỗ, VNA phải hợp tác với các hãng như Delta Airlines, China Airlines nhằm phối hợp nguồn khách, nguồn hàng, xây dựng thương hiệu uy tín để tạo dựng hình ảnh với khách hàng tại Mỹ.
Hiện dù chưa mở đường bay đến Mỹ nhưng VNA vẫn đang có doanh thu từ thị trường lớn này qua hình thức khai thác hợp tác liên danh, VNA sẽ thực hiện bay chặng một chặng, sau đó khách hàng chuyển sang máy bay của hãng hợp tác để bay sang Mỹ. Về máy bay, dù đang sở hữu đội máy bay thân rộng khá hiện đại, nhưng VNA chưa thể bay thẳng không dừng đến Mỹ. Nên trong phương án khai thác, VNA dự kiến chọn một điểm dừng kỹ thuật tại Nhật Bản khi bay sang Mỹ.
Trên thực tế, dù là thị trường rất tiềm năng, song đường bay thẳng VN - Mỹ không quá hứa hẹn về mặt thương mại. Hãng hàng không United Airlines của Mỹ từng mở đường bay từ San Fransisco (California) tới TP.HCM và dừng ở Hồng Kông. Tuy nhiên, năm 2016 đường bay này đã tạm dừng khai thác, nguyên nhân được cho là vì thị trường chưa tốt.
Còn theo ông Đinh Việt Thắng, để bay thẳng đến Mỹ, dòng máy bay hiện có của các hãng hàng không VN như B787, A350 phải giảm tải (giảm khối lượng hàng hóa hoặc bớt số lượng khách so với thiết kế) do đường bay Mỹ dài, nên không thuận lợi về mặt thương mại. Các hãng sẽ phải tính toán giảm tải hoặc mua thêm các dòng máy bay hiện đại hơn, đủ khả năng thực hiện đường bay dài 12 - 13 giờ liên tục.
Ông Thắng cũng cho rằng, các đường bay transit một điểm dừng đã có rất nhiều hãng hàng không lớn quốc tế cạnh tranh, cơ hội cho các hãng VN là rất thấp. “Bay thẳng Mỹ từ VN là thị trường hoàn toàn mới, nhiều tiềm năng, nhiều cơ hội và chưa có hãng nào khai thác, đây sẽ là cơ hội tốt cho các hãng hàng không VN nếu tận dụng tốt”, Cục trưởng Cục Hàng không VN nhìn nhận.

Khai thác tiềm năng từ châu Mỹ

Theo Đề án định hướng phát triển đường bay trực tiếp giữa VN và các quốc gia, địa bàn trọng điểm được Thủ tướng phê duyệt đầu năm 2018, mạng đường bay quốc tế được xác định cụ thể hướng tới các thị trường trọng điểm gồm: Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Pháp, Đức, Úc, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ... Trong đó, riêng với đường bay đến Mỹ, theo định hướng phát triển, Vietnam Airlines sẽ mở đường bay thẳng với lựa chọn ban đầu là một điểm tại bờ Tây nước Mỹ (Los Angeles và San Francisco) trong năm 2018. Trong đó, xác định sản phẩm du lịch VN cho khách Mỹ là du lịch về thăm chiến trường xưa, du lịch thăm thân, du lịch nghỉ dưỡng và nghỉ dưỡng biển đảo, sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử, du lịch miệt vườn.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê VN, chỉ tính riêng số lượng khách Mỹ đến VN năm 2018 là 687.000 người, tăng 11,9% so với năm 2017. Trong đó, các công ty du lịch cho biết, khách từ 2 điểm đến Los Angeles và San Francisco (bang California), chiếm hơn 30% tổng dung lượng thị trường.
Nếu so với châu Âu, lượng khách Mỹ đến VN còn khá khiêm tốn, khi năm 2018 lượng khách từ các nước châu Âu đến VN đạt 2,03 triệu lượt. Các thị trường khác tại châu Mỹ khá hạn chế khi Canada mới đạt gần 150.000 lượt khách, các thị trường khác của châu Mỹ mới đạt chung 67.000 lượt khách. Nhưng tiềm năng của thị trường Mỹ cũng như châu Mỹ rất lớn, do tốc độ tăng trưởng trung bình 11% qua vài năm gần đây.
Bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc điều hành Vietrantour, cho biết lượng khách đi tour Mỹ tăng đều qua các năm cùng với việc giá vé máy bay rẻ hơn, giá tour rẻ hơn và điều kiện kinh tế của khách hàng tăng cao. Hiện tại, khách du lịch VN muốn đến Mỹ hoặc ngược lại đang phải bay transit qua các hãng hàng không lớn như Eva Air, Korean air, China Airlines, American Airlines, Singapore Airlines… Giá vé máy bay đi Mỹ nằm trong giá tour dao động khoảng 900 - 1.200 USD/người, nếu khách mua trực tiếp thì giá vé khoảng 1.200 - 1.500 USD, tùy từng hãng bay sẽ phải transit qua một điểm đến thứ ba là Seoul, Singapore, Taiwan hay Moscow…
“Khách du lịch VN đi Mỹ rất nhiều do giá tour ngày càng hợp lý hơn, nếu trước đây khoảng 80 - 100 triệu đồng/tour/người thì bây giờ khách có thể lựa chọn mức tour từ 40 - 60 triệu đồng, như tour đi bờ Tây 7 ngày 6 đêm chỉ có mức giá hơn 40 triệu, đi cả bờ Tây và bờ Đông 11 ngày có giá hơn 60 triệu đồng”, bà Huyền thông tin.
Cũng theo bà Huyền, thị trường Mỹ được đánh giá là có tiềm năng khai thác rất lớn, song việc quá cảnh phần nào gây e ngại cho khách hàng. Ví dụ tour đi bờ Tây 6 ngày 5 đêm thì thực tế khách hàng đã phải dành hơn 2 ngày cho việc bay đi bay về, ở Mỹ chỉ còn 4 ngày 4 đêm. “Nếu VN mở đường bay thẳng tới Mỹ rất thuận lợi cho khách hàng. Mỹ sẽ là điểm trung chuyển vì hiện Mỹ rất phát triển mạng lưới đường bay, visa đi Mỹ cũng rất có giá trị, từ Mỹ khách hàng có thể thuận lợi đến Cuba, Canada và các nước Nam Mỹ. Với đường bay thẳng thì khách hàng “chạm” đến châu Mỹ sẽ rất thuận lợi”, bà Huyền cho biết.
Theo một chuyên gia trong ngành hàng không, có hai điểm đến tại Mỹ được phía VN cân nhắc mở đường bay thẳng là San Francisco hoặc Los Angeles. Với các yếu tố thuận lợi về mặt kỹ thuật, rất có thể tới cuối năm 2019 hoặc đầu 2020, hành trình bay thẳng sang Mỹ sẽ trở thành hiện thực.
Mai Hà
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.