Năm 2019, ngân hàng cho vay vào các lĩnh vực ưu tiên

Anh Vũ
Anh Vũ
08/01/2019 06:55 GMT+7

Năm 2019, Ngân hàng cho vay lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, xuất khẩu, công nghệ cao.

Dòng vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng năm 2019 sẽ được điều tiết giảm hơn so với năm 2018, buộc các ngân hàng phải tính toán mở rộng mảng dịch vụ, hạn chế chia vốn vào chứng khoán, bất động sản, "bơm" tiền vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

“Quota” chỉ được tối đa 14%

Thông tin cuộc họp báo “Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2019” do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức sáng 7.1, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc NHNN, cho biết đầu năm 2018 tăng trưởng tín dụng NHNN đặt mục tiêu tăng 18%, tuy nhiên tính đến hết năm, toàn hệ thống đạt 14% so với cuối 2017. Trong đó, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy hải sản tăng 8,88%, chiếm tỷ trọng 9,56%; ngành công nghiệp và xây dựng tăng 12,1%, tỷ trọng 31%. Riêng ngành thương mại và dịch vụ tăng 15,9%, tỷ trọng 59,4%; trong đó, dư nợ ngành bán buôn, bán lẻ và sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác có tốc độ tăng 26% và chiếm 34% ngành này.
Một điểm đáng chú ý, năm nay, dù tín dụng giảm song hỗ trợ khá tốt cho tăng trưởng GDP đạt mức 7,08%. Nguyên nhân, do dòng tiền đã chảy vào các lĩnh vực ưu tiên tăng khá như tam nông tăng 15,5%, chiếm tỷ trọng 24%; doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 13,5%, tỷ trọng 18%; xuất khẩu tăng 3,5%; công nghiệp hỗ trợ tăng 17%; ứng dụng công nghệ cao tăng 0,3%.
Lý giải thêm nguyên nhân vì sao mục tiêu từ đầu năm là tín dụng tăng 17 - 18% nhưng cuối năm chỉ đạt 14%, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, để hỗ trợ cho tăng trưởng thì nguồn vốn cho nền kinh tế có nhiều nguồn như ngân sách, vốn nước ngoài nhưng kênh tín dụng ngân hàng vẫn là chủ đạo. “Mức tăng 14% là phù hợp với bối cảnh hiện nay khi mà quy mô tín dụng của VN đã trên 130% GDP. Đây là mức mà nhiều tổ chức quốc tế khi đánh giá xếp hạng tín nhiệm VN đã khuyến cáo”, bà Hồng nói.
Về điều hành tín dụng năm 2019, lãnh đạo NHNN cho biết, trên cơ sở chỉ tiêu tăng trưởng GDP và lạm phát, Thống đốc đưa ra chỉ tiêu 2019 tăng tối đa 14%. Phương châm là sẽ mở rộng tín dụng nhưng đi đôi với an toàn hiệu quả, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, xuất khẩu, công nghệ cao. Hiện NHNN cũng đã giao chỉ tiêu tín dụng tới từng ngân hàng. Với mức tăng này, các tổ chức tín dụng sẽ phải tính toán cho vay vào các lĩnh vực ưu tiên kể trên và hạn chế "bơm" vốn vào lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản.
Riêng về diễn biến lãi suất cuối năm có tăng, bà Hồng giải thích, cuối năm thì nhu cầu vốn tăng, các tổ chức tín dụng phải cân đối đáp ứng thanh khoản cho nền kinh tế, tuy nhiên mức tăng không cao. “Đầu năm 2018, mặt bằng lãi suất tăng thấp, nhiều tổ chức tín dụng thậm chí còn giảm lãi suất nên cuối năm có tăng. Xét chung cả năm thì lãi suất chỉ tăng một chút”, bà Hồng thông tin.

Số lượng giao dịch tài chính qua internet tăng 33%

Về hoạt động của mạng lưới ATM, POS... theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN, theo thống kê, trên toàn quốc đang có khoảng 18.173 máy ATM và khoảng 294.500 máy POS (tăng tương ứng 4,5% và 13% so với cùng kỳ năm 2017) được lắp đặt.
Trong 9 tháng năm 2018, số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ đạt gần 167 triệu giao dịch (tăng 21% so với cùng kỳ năm 2017) với giá trị giao dịch đạt 442.000 tỉ đồng. Cùng với đó, thanh toán điện tử qua internet, điện thoại di động đạt được kết quả đáng ghi nhận, thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng.
Trong 9 tháng năm 2018, số lượng giao dịch tài chính qua kênh internet là hơn 178 triệu giao dịch với giá trị giao dịch khoảng 11 triệu tỉ đồng (tăng tương ứng 33% và 18% so với cùng kỳ năm 2017); số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động là gần 122 triệu giao dịch với giá trị giao dịch gần 1,1 triệu tỉ đồng (tăng tương ứng 29% và 128% so với cùng kỳ năm 2017)...
Không in tiền mới dưới 10.000 đồng vào dịp tết
Liên quan đến cung ứng tiền mới dịp tết năm 2019, ông Phạm Bảo Lâm, Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ (NHNN), cho biết tiền mới mệnh giá nhỏ thường có xu hướng được sử dụng nhiều hơn trong các dịp lễ, tết, đặc biệt mệnh giá dưới 10.000 đồng. Song để thực hiện chủ trương tiết kiệm ngân sách của Chính phủ, trong tháng 12.2018 và tháng 1.2019, cơ quan tiếp tục không phát hành tiền mới mệnh giá dưới 10.000 đồng. Ông Lâm cho biết, chủ trương này giúp ngân sách tiết kiệm được 390 tỉ đồng trong năm 2019. Nếu tính từ năm 2013 đến nay, tiết kiệm được 2.590 tỉ đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.