Năm 2020 bạn kiếm bao nhiêu tiền: Chợ Bến Thành vắng 'xuyên' từ cửa Tây qua Đông

Thanh Khương
Thanh Khương
26/12/2020 12:13 GMT+7

Sau Tết Canh Tý, mỗi lần nghe loa phát thông tin về ca nhiễm Covid-19 mới, các tiểu thương chợ du lịch Bến Thành lại não nề vì không biết cảnh đìu hiu sẽ còn tiếp diễn đến bao giờ.

Tiểu thương ngồi chơi vì vắng khách

Tham quan, mua sắm ở chợ Bến Thành - ngôi chợ sở hữu lối kiến trúc cổ xưa từ lâu đã nằm trong lịch trình khám phá TP.HCM của các du khách. Kể từ khi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khu chợ sầm uất trở nên thưa thớt đến lạ thường.
Bước vào nhà lồng chợ từ cửa Nam, Bắc, Đông, Tây hay các cửa phụ khác trong những ngày này không cần phải chen lấn vì… vắng người. Đứng ở cửa Tây có thể nhìn xuyên tới cửa Đông, đó là điều khó... thấy vào những ngày thường.

Nếu là ngày thường thì khó mà nhìn xuyên qua tới cửa Đông khi đứng ở cửa Tây.

ẢNH: THANH KHƯƠNG

Các tiểu thương cả năm 2020 ngồi chơi nhiều hơn đứng bán vì thỉnh thoảng mới có khách. Trò chuyện với PV Thanh Niên, ông Cường (46 tuổi, ngụ Q.1) bán chè, nước ở sạp 1038 cho biết: “Lúc trước khách đến ngồi chật kín, khách đến còn không có chỗ ngồi. Nào là khách du lịch, nào là bạn hàng, làm còn không kịp thì lấy đâu ra thời gian nói chuyện như bây giờ. Thời điểm chưa có dịch bệnh thì 6 giờ tối còn tấp nập, giờ là đã vắng hoe từ buổi trưa. Cả năm nay như vậy, riết cũng quen”.
Bà Oanh (44 tuổi, vợ ông Cường) đứng bán sạp kế bên, uể oải nói: “Đi làm bên ngoài mười mấy triệu còn có ngày nghỉ, bán ở đây 1 ngày mấy trăm ngàn đã “trầy vi tróc vẩy” rồi, nhưng không dám nghỉ vì nghỉ rồi thì biết làm cái gì. Tôi chỉ biết thắt chặt chi tiêu của cả gia đình và đợi dịch qua đi”.
Tiểu thương chợ Bến Thành than trời vì Covid-19: ‘Năm nay ăn chay chứ không ăn Tết’

Bạn hàng, các tiểu thương ở xung quanh ủng hộ lẫn nhau trong mùa dịch.

ẢNH: THANH KHƯƠNG

"Đây giờ thành cái nhà chứ không phải chợ"

Gia đình bà Xuân (50 tuổi, ngụ Q.4) có đến 6 sạp bán đồ ăn nằm kế nhau trong chợ Bến Thành với khoảng 20 con cháu trong nhà phụ giúp. Nhưng vì dịch bệnh nên phải đóng cửa đến 4 sạp. Hiện giờ chỉ có 3 người cháu phụ để cố gắng duy trì 2 sạp là bún phở, chè nước.
Nhìn xung quanh, cứ cách 1 sạp lại có vài sạp được che đậy kín mít và phủ bên trên lớp bụi dày chứng tỏ đã đóng cửa từ lâu.
Tiểu thương chợ Bến Thành than trời vì Covid-19: ‘Năm nay ăn chay chứ không ăn Tết’

Bán buôn ế ẩm nên nhiều sạp đành đóng cửa chờ qua dịch.

ẢNH: THANH KHƯƠNG

“Vừa giãn cách xã hội xong là đóng cửa một loạt 4 sạp vì ế quá chừng. Các cô các dì nghỉ bán ở chợ thì về bán trước nhà cũng có đồng ra đồng vô. Còn khu nhà tôi là xóm lao động nên bán ai mà ăn. Số lượng khách giảm đến 90%, nhưng tôi vẫn cố gắng duy trì để vừa giữ chân bạn hàng, vừa gánh thuế bớt cho mấy sạp đã đóng cửa”, bà nói.
Bà Xuân nói thêm, thu nhập trước và trong dịch chênh lệch lớn lắm, chẳng hạn trước đó bán được 5 triệu đồng/ngày thì giờ chưa được 1/10, trừ thuế má, hoa chi, tiền chợ búa, tiền rác, tiền điện còn lỗ”.
“Ở đây giờ thành cái nhà chứ không phải cái chợ. Bán buôn mà không có khách nên rất oải, năm nay định rằng ăn chay chứ không còn là ăn Tết”, bà hài hước nói.
Tiểu thương chợ Bến Thành than trời vì Covid-19: ‘Năm nay ăn chay chứ không ăn Tết’

Chợ Bến Thành vắng khách

ẢNH: THANH KHƯƠNG

Cửa hàng bán đồ tơ lụa trên con đường Lê Thánh Tôn gần đó cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch. Bà Tuyết Lan (50 tuổi, ngụ Q.10) - chủ cửa hàng chia sẻ: “Năm nay giảm khoảng 50% doanh thu từ khách du lịch, giờ giữ được khoảng 50% khách là người nước ngoài làm việc ở đây là mừng lắm rồi. Tiểu thương ngoài chợ nếu nhờ mỗi khách du lịch không thôi thì chẳng sống nổi đâu”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.