Năm 2020, GDP bình quân đầu người đạt 3.200 - 3.500 USD

22/03/2016 06:24 GMT+7

Hôm qua (21.3), phát biểu khai mạc kỳ họp cuối cùng QH khóa 13, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh bên cạnh công tác xây dựng pháp luật, xem xét quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, QH còn tập trung thời gian cho tổng kết công tác nhiệm kỳ của các cơ quan nhà nước, QH và Chính phủ.

Hôm qua (21.3), phát biểu khai mạc kỳ họp cuối cùng QH khóa 13, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh bên cạnh công tác xây dựng pháp luật, xem xét quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, QH còn tập trung thời gian cho tổng kết công tác nhiệm kỳ của các cơ quan nhà nước, QH và Chính phủ.

Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp 11 -  Ảnh : Ngọc ThắngToàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp 11 - Ảnh : Ngọc Thắng
Theo chương trình, QH sẽ xem xét, thông qua nhiều dự luật quan trọng, trong đó có luật Tiếp cận thông tin; luật Báo chí (sửa đổi); xem xét Báo cáo về kết quả đàm phán và ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các vấn đề liên quan; dành hơn 1/2 thời gian (từ 31.3 - 12.4) cho việc kiện toàn nhân sự lãnh đạo nhà nước.
Niềm tin vào đồng tiền VN tăng
5 năm 2016 - 2020, Chính phủ đặt mục tiêu
tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 6,5 - 7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 - 3.500 USD
Người phát biểu
Thay mặt Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011 - 2015 và kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2016 - 2020.
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết kinh tế vĩ mô giai đoạn 2011 - 2015 cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát. Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, từ 11,75 (2010) xuống còn 0,6% (2015). Mặt bằng lãi suất giảm, năm 2015 chỉ bằng khoảng 50% so với cuối năm 2011. Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định. Khắc phục được cơ bản tình trạng sử dụng USD, vàng trong giao dịch thanh toán. Niềm tin vào đồng tiền VN tăng lên. Cán cân thương mại được cải thiện; cán cân thanh toán quốc tế thặng dư khá cao. Dự trữ ngoại hối tăng, đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Tổng chi ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 2011 - 2015 bằng khoảng 2 lần so với giai đoạn 2006 - 2010, trong đó chi đầu tư phát triển bằng khoảng 1,7 lần, chi trả nợ bằng khoảng 1,83 lần, chi thường xuyên bằng khoảng 2,53 lần. Trong tổng chi NSNN giai đoạn 2011 - 2015, chi thường xuyên chiếm khoảng 64 - 65% (2006 - 2010 chiếm 55,2%), chủ yếu là tăng chi cho con người, bao gồm cả chi tiền lương và an sinh xã hội; chi đầu tư phát triển giảm mạnh so với các giai đoạn trước từ 30,6% (2001 - 2005) xuống 28,2% (2006 - 2010) và còn khoảng 23,6% (2011 - 2015).
Báo cáo cũng cho biết, cân đối NSNN giai đoạn này gặp nhiều khó khăn do tác động không thuận từ kinh tế thế giới và trong nước, ảnh hưởng đến nguồn thu NSNN, trong khi nhu cầu chi tăng lớn, dẫn đến bội chi NSNN cao hơn mức QH cho phép (năm 2011 mức bội chi là 4,4% GDP, năm 2012 là 5,36% GDP, năm 2013 là 6,6% GDP, năm 2014 là 5,69% GDP, năm 2015 khoảng 6,1% GDP). Đến cuối năm 2015, tỷ lệ nợ công so với GDP khoảng 62,2%, nợ Chính phủ là 50,3%, nợ nước ngoài của quốc gia là 43,1%.
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm đạt trên 5,9%/năm, trong đó năm 2014 đạt 5,98%, năm 2015 đạt 6,68%, đều vượt mục tiêu đề ra. Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục tăng lên; GDP năm 2015 đạt 193,4 tỉ USD, bình quân đầu người khoảng 2.109 USD.
Về kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016 - 2020, Chính phủ đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 6,5 - 7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 - 3.500 USD; tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong GDP khoảng 85%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32 - 34% GDP, trong đó tổng vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN 2.106 tỉ đồng (gồm phát hành trái phiếu chính phủ giai đoạn 2017 - 2020 là 200.000 tỉ đồng).
Áp lực nợ công lớn
Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém như việc kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định nhưng chưa vững chắc. Việc kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế chưa thật bền vững. Cân đối NSNN còn khó khăn, còn thất thu ngân sách. Tổng thu NSNN chưa đáp ứng đủ nhu cầu chi thường xuyên và chi trả nợ; toàn bộ chi đầu tư phải dựa vào nguồn vay nợ của Chính phủ. Cơ cấu chi ngân sách chưa phù hợp, tỷ lệ chi đầu tư tiếp tục giảm sút từ 28% giai đoạn trước giảm xuống 23,4% giai đoạn 2011 - 2015; một số khoản chi chưa được quản lý chặt chẽ, chi thường xuyên tăng nhanh; bội chi ngân sách còn cao, chưa đạt mục tiêu giảm xuống còn 4,5% GDP.
Về vấn đề nợ công, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá tuy vẫn bảo đảm trong giới hạn quy định nhưng nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn; sử dụng vốn vay ở một số dự án kém hiệu quả và còn thất thoát, lãng phí. Tỷ lệ nợ công/GDP vào cuối năm 2015 khoảng 62,2%, nợ Chính phủ/GDP là 50,3%, nợ nước ngoài của quốc gia/GDP 43,1%, từ các mức tương ứng của năm 2011 là 50%, 39,3% và 37,9%.
Theo dõi sát tình hình Biển Đông
Liên quan vấn đề biên giới lãnh thổ, báo cáo của Chính phủ cho biết trước việc Trung Quốc đẩy mạnh triển khai các hoạt động cả trên phương diện chính sách, pháp lý, ngoại giao và trên biển nhằm tiếp tục khẳng định yêu sách “đường chín đoạn”, VN đã theo dõi sát sao diễn biến tình hình, kết hợp triển khai nhiều biện pháp đấu tranh chính trị - ngoại giao, thông qua các kênh đối ngoại Đảng, Nhà nước, QH, nhân dân trên cả hai mặt trận song phương và đa phương.
Theo Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lập trường chính nghĩa của ta trong vấn đề Biển Đông ngày càng được cộng đồng quốc tế ủng hộ; nhiều nước và tổ chức quốc tế đã lên tiếng bày tỏ quan ngại trước các hoạt động lấn lướt của Trung Quốc, kêu gọi các bên liên quan coi trọng an ninh, an toàn hàng hải, hàng không; tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982 (UNCLOS), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Kỷ luật đầu tư công còn lơi lỏng
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu cho biết đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ QH tán thành báo cáo của Chính phủ và cho rằng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, linh hoạt, sáng tạo triển khai các nghị quyết của Đảng, QH. Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra cũng nhấn mạnh có tới 10/26 chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt được. Báo cáo cũng cho biết có ý kiến cho rằng kỷ luật đầu tư công vẫn là vấn đề đáng lo ngại, nhiều công trình đã hoàn thành nhưng sử dụng không hiệu quả, nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng thủy lợi vùng khô hạn, ngăn xâm nhập mặn, cơ sở y tế... chưa đáp ứng kịp thời. Việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản còn chậm, ứng trước vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn lớn.
Theo ông Giàu, tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại đã có bước chuyển biến, cải thiện khả năng chi trả, bảo đảm an toàn hệ thống, nợ xấu ngân hàng giảm dần, đã sáp nhập một số ngân hàng thương mại quy mô nhỏ hoạt động yếu kém. Tuy nhiên, xuất hiện một số ngân hàng thương mại cổ phần quy mô lớn gặp khó khăn phải thay đổi chủ sở hữu, người quản lý từ cơ quan quản lý nhà nước. “Một số ý kiến cho rằng nợ xấu chưa được xử lý triệt để do công tác xử lý và thu hồi nợ của VAMC chưa mang lại hiệu quả”, ông Giàu nhấn mạnh.
Bất bình việc Trung Quốc gia tăng hoạt động phi pháp ở Trường Sa và Hoàng Sa
Báo cáo kiến nghị của cử tri (tổng hợp từ 3.794 ý kiến, kiến nghị) gửi tới kỳ họp 11 QH khóa 13, được Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân trình bày, cho biết cử tri, nhân dân cả nước lo lắng, bất bình trước việc Trung Quốc tiếp tục gia tăng các hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng các công trình trái luật pháp quốc tế; bố trí vũ khí, quân đội tại các đảo, bãi đá thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của VN; hành hung, cướp phá tài sản, ngư cụ của ngư dân làm gia tăng sự bất ổn trong khu vực, đe dọa tự do hàng hải, vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông được ký giữa các nước ASEAN và Trung Quốc (DOC).
Nhiều ý kiến đề nghị Đảng, Nhà nước có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả hơn nhằm giữ vững chủ quyền quốc gia, bảo vệ ngư dân, tăng cường công tác đối ngoại và thông tin kịp thời, đầy đủ trên các phương tiện thông tin đại chúng về diễn biến tình hình Biển Đông.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.