Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cử tri ‘đang có vấn đề’

Lê Hiệp
Lê Hiệp
18/10/2018 08:31 GMT+7

Nhận định này được Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Hà Ngọc Chiến đưa ra, khi nhiều dự án, chủ trương, chính sách triển khai thì dư luận phản ứng rất mạnh.

Cụ thể, tại phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) hôm qua (17.10), góp ý kiến về báo cáo kết quả việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5 vừa qua, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc QH Hà Ngọc Chiến cho rằng việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân “đang có vấn đề”.
Có nhiều dự án, chủ trương, chính sách khi đưa ra để thông qua thì nói rằng đây là nguyện vọng của nhân dân hoặc phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân, phục vụ quyền lợi của nhân dân, nhưng khi triển khai hoặc đang triển khai thì lập tức dư luận phản ứng rất lớn, nhất là trên mạng xã hội
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc QH
Hà Ngọc Chiến

“Trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2018, có nhiều dự án, chủ trương, chính sách khi đưa ra để thông qua thì nói rằng đây là nguyện vọng của nhân dân hoặc phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân, phục vụ quyền lợi của nhân dân, nhưng khi triển khai hoặc đang triển khai thì lập tức dư luận phản ứng rất lớn, nhất là trên mạng xã hội”, ông Chiến nói và đề nghị các báo cáo cần phải đánh giá thêm để trong thời gian tới có giải pháp khắc phục tình trạng này.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại QH Nguyễn Văn Giàu cho rằng theo số liệu từ báo cáo của Ủy ban Dân nguyện thì tại kỳ họp thứ 5 vừa qua và cả từ đầu nhiệm kỳ tới nay, các kiến nghị của cử tri chỉ tập trung vào một số nội dung và một số bộ, ngành như Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB-XH, Bộ NN-PTNT, Bộ GTVT… “Tại sao các cơ quan này lại có nhiều ý kiến như thế?”, ông Giàu nêu vấn đề và khẳng định: "Chúng ta chưa có những giải pháp đáp ứng được nguyện vọng của bà con cử tri".
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại QH, đây là vấn đề cần đi sâu mổ xẻ, xem những kiến nghị của cử tri tồn tại qua nhiều kỳ họp là do chính sách pháp luật hay ở khâu tổ chức thực hiện, từ đó đưa ra biện pháp giải quyết để giảm dần bức xúc của cử tri.
Năm nào cũng nói ổn định, đảm bảo thì chưa thuyết phục
Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri gửi tới kỳ họp 6 của QH do Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN Trần Thanh Mẫn trình bày tại phiên họp cho hay, có 2.976 ý kiến, kiến nghị được tổng hợp, trong đó phản ánh nhiều vấn đề, từ thủ tục hành chính còn rườm rà; việc đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn chậm; thất thoát, tham nhũng, lãng phí vẫn xảy ra ở nhiều doanh nghiệp nhà nước; một số sai phạm, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai chưa được giải quyết thỏa đáng dẫn đến khiếu kiện kéo dài, cho tới những diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm, nạn bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực gia đình; tình trạng buôn bán người, mua bán và chế biến các chất ma túy diễn biến phức tạp; lừa đảo qua mạng, hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi; “bảo kê”, băng nhóm “xã hội đen”, sử dụng “đầu gấu” đòi nợ thuê…
Góp ý thêm, ông Nguyễn Văn Giàu đề nghị quan tâm hơn tới những vấn đề an ninh, trật tự, an toàn xã hội. “Sống trong hòa bình nhưng giấc ngủ chưa bình yên. Tôi thấy bà con rất lo lắng việc này”, ông Giàu nói, đồng thời đề nghị nhà nước cần tập trung để sớm xem xét, giải quyết các trường hợp bà con kéo lên khiếu kiện. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cũng chia sẻ cần có sự đánh giá khách quan, thuyết phục hơn và có sự so sánh để thấy chuyển biến của năm nay với năm trước về tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội. “Đánh giá năm nào cũng nói tình hình an ninh, an toàn xã hội được bảo đảm, ổn định, được giữ vững trong khi thời gian qua có nhiều vấn đề, từ vụ việc gây rối trật tự công cộng hồi tháng 6 cho tới tình hình tội phạm, tai nạn, tệ nạn, cháy nổ vẫn diễn biến phức tạp”, ông Chiến nói.
Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho rằng báo cáo "nói tốt cả thì không nên" và đề nghị Ủy ban MTTQ VN phân tích thêm về việc một số đối tượng kích động người dân biểu tình về dự thảo luật Đặc khu cũng như diễn biến phức tạp của tình hình tai nạn giao thông, tội phạm ma túy, tội phạm xâm hại trẻ em...
Mỗi ngày có 23,6 văn bản ban hành trái luật
Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 5, do Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày tại phiên họp, cho thấy theo báo cáo của Bộ Tư pháp, kiểm tra văn bản do các bộ, ngành, địa phương ban hành trong năm 2017, có 5.639 văn bản trái pháp luật. Tính trung bình 1 ngày làm việc (trừ thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ) có 23,6 văn bản trái pháp luật được ban hành. Theo bà Hải, đây là vấn đề đã tồn tại rất lâu, cử tri kiến nghị rất nhiều, nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện nhiều và đang tiếp tục gây ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân, doanh nghiệp.
Kiến nghị mạnh tay chống tham nhũng
Báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị cử tri từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh chống tham nhũng vặt chưa hiệu quả khi các biểu hiện của tình trạng này ngày càng tinh vi, biến tướng, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng tới đời sống người dân. “Những biểu hiện tiêu cực này người dân thường bắt gặp và đối diện hằng ngày, nhưng lại chỉ được phát hiện thông qua phản ánh, tố giác của người dân hoặc qua báo chí mà không được phát hiện thông qua công tác đấu tranh nội bộ, công tác tự phê bình và phê bình của cán bộ, công chức”, bà Hải nêu và kiến nghị Chính phủ quan tâm, có giải pháp hiệu quả, quyết liệt hơn nữa để chống “tham nhũng vặt”, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Góp ý về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH Lê Thị Nga cho rằng nếu chỉ kiến nghị chống tham nhũng vặt thì chưa đủ, mà bên cạnh chống tham nhũng vặt cần tập trung chống tham nhũng lớn qua hình thức “lợi ích nhóm” và “sân sau”. “Trước đây chúng ta nói rằng chỉ mới nói có dấu hiệu “lợi ích nhóm”, “sân sau” trong các vụ tham nhũng lớn. Nhưng qua các vụ án gần đây phát hiện ra thì đây là sự thực. Do đó, chúng tôi đề nghị kiên quyết chống tham nhũng lớn dưới lợi ích nhóm, sân sau”, bà Nga nhấn mạnh.
L.H
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.