Năm học mới, nỗi lo cũ

03/09/2010 23:20 GMT+7

Năm học mới bắt đầu nhưng vẫn còn đó những nỗi lo cũ như nạn lạm thu tiền trường, chuyện dạy thêm học thêm, những quy định quá mức cần thiết về dụng cụ học tập, đồng phục...

Từ tiền trường...

Ở TP Phan Thiết (Bình Thuận), trong những ngày tháng 8 khi học sinh (HS) mới vừa tựu trường thì nhiều trường đã “hoàn thành” thu tiền cả năm học. Thậm chí có trường thông báo luôn số tiền phải nộp cho hội phụ huynh và thu đủ ngay từ đầu năm dù chưa tổ chức họp phụ huynh. Đáng chú ý là dù chưa có quy định nào của UBND tỉnh về mức học phí mới nhưng một số trường THCS đã tự ý thu mức học phí là 360.000 đồng/9 tháng (trong khi mức học phí hiện hành là 180.000 đồng/9 tháng).

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Minh Trí - Trưởng phòng Giáo dục TP Phan Thiết - cho rằng: “Mức thu mới chưa được UBND TP ban hành, nhưng nhiều trường “mau mắn” thu với mức thu mới vì sợ sau này thu lần hai khó khăn. Chúng tôi yêu cầu các trường thu theo từng học kỳ để bớt khó khăn cho phụ huynh”.

...đến sách vở

Trong những ngày đầu, con của chị Hương (ở Q.Gò Vấp, TP.HCM) đến lớp, cô giáo bắt HS phải mang hết tất cả sách vở và đồ dùng học tập để kiểm tra. Kết quả bé Hưng - con trai chị - còn thiếu tập thủ công và 2 cây bút chì. Nhiều trường tiểu học tại TP.HCM đều áp dụng quy định này. Với lý do tạo thuận lợi trong suốt năm học nên các giáo viên yêu cầu HS phải có đầy đủ những thứ cần thiết trong cặp để khi cần là dùng ngay. Chị Hương phải lùng sục khắp các nhà sách để tìm mua bằng được quyển tập thủ công. Chị bức xúc: “Danh mục sách giáo khoa của NXB Giáo dục có bao nhiêu thì tôi đã mua hết, không biết có thêm tập thủ công. Khi cô giáo thông báo thì trường đã bán hết, ở nhà sách cũng không còn. Con tôi nhất định không chịu đi học khi không có sách. Trẻ con lớp 1 không biết gì, nghe cô giáo nói thiếu nên sợ”.

“Không thể thiếu bất kỳ loại đồ dùng học tập nào trong danh mục mà cô giáo yêu cầu. Tất cả phải sẵn sàng để bắt đầu năm học mới”, đó là lời dặn dò mà năm học nào Quỳnh - HS lớp 5 trường Tiểu học Nguyễn Việt Hồng (Q.3, TP.HCM) - cũng nói với mẹ sau buổi học đầu tiên. Năm nay cũng là năm thứ 5 vợ chồng chị Chưởng phải vất vả để đảm bảo ngày đầu tiên đến lớp của con gái được “hoàn hảo”. “Những loại sách đến học kỳ 2 mới sử dụng như Toán, Tiếng Việt tập 2... vẫn bị giáo viên nhắc nhở phải có. Những người lao động như chúng tôi kiếm ăn từng bữa thì sao có đủ tiền để mua trọn bộ sách được. Nhà trường chỉ biết lo công việc của mình trôi chảy mà không nghĩ đến hoàn cảnh của người nghèo như chúng tôi”, một phụ huynh bán rau củ tại chợ Bà Chiểu nói.

Trong khi đó, bà Trần Thị Hạnh - Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Việt Hồng, Q.3 - lý giải: “Quy định của nhà trường là ngày đầu tiên đến lớp, các cô phải kiểm tra đồ dùng học tập của HS mới bắt đầu học. Điều này là cần thiết để việc dạy và học không bị gián đoạn vì thiếu sách vở trong quá trình giảng dạy. Việc bắt buộc phải có đầy đủ các loại đồ dùng, sách giáo khoa cho học kỳ 2 có thể là do các giáo viên quá cẩn thận". Cô Lê Thị Liên Tâm - giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.4 - thừa nhận: "Việc có đầy đủ đồ dùng học tập đầu năm học là cần thiết vì nhiều phụ huynh ở khu lao động nghèo cũng ít quan tâm đến việc học hành của con cái. Mỗi đầu năm học, chúng tôi thường phải kiểm tra sách vở, đồ dùng học tập. Nếu gia đình nào quá khó khăn không chuẩn bị đủ, trường sẽ có kế hoạch hỗ trợ sách cũ của các năm học trước để đảm bảo việc học hành các cháu được suôn sẻ. Những loại sách vở ở học kỳ 2 không cần thiết phải có ngay nhưng chúng tôi vẫn kiểm tra, nếu thiếu sẽ theo dõi và nhắc nhở phụ huynh mua khi chuẩn bị dùng đến".

Đành rằng mục đích của việc có đầy đủ đồ dùng học tập, sách giáo khoa... trong năm học mới là tích cực. Tuy nhiên, quy định gần như ép buộc này gây tâm lý căng thẳng không đáng có cho cả phụ huynh lẫn HS. Những gia đình bình thường thì không vấn đề gì, nhưng với người nghèo thì bao nhiêu cũng là nhiều nên chắc chắn sẽ gặp khó khăn. Và cũng lưu ý rằng để chuẩn bị cho con vào năm học mới, phụ huynh phải tốn kém nhiều khoản, chứ đâu chỉ khoản sách giáo khoa hay đồ dùng học tập. Đó là chưa kể nhiều trường còn đưa ra quy định ngặt nghèo về nhiều loại đồng phục, trong đó có cả đồng phục cặp, đồng phục giày...

Quế Hà - Phi Loan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.