TNO

Năm lý do tiêm kích Su-30 Ấn Độ liên tục rơi

06/06/2015 16:13 GMT+7

(Tin Nóng) Ngày 19.5, một tiêm kích Su-30MKI của Ấn Độ bị rơi ở Assam, và đây là tai nạn thứ 6 liên tiếp trong 6 năm qua với loại chiến đấu cơ hiện đại này.

(Tin Nóng) Ngày 19.5, một tiêm kích Su-30MKI của Ấn Độ bị rơi ở Assam, và đây là tai nạn thứ 6 liên tiếp trong 6 năm qua với loại chiến đấu cơ hiện đại này.

Năm lý do tiêm kích Su-30 Ấn Độ liên tục rơi - ảnh 1
Một chiếc Su-30MKI của Ấn Độ rơi gần Pune tháng 10.2014 - Ảnh: PTI

Trang tin Russia and India Report ngày 4.6 có bài viết đưa ra 5 nguyên nhân vì sao tiêm kích Su-30MKI Ấn Độ liên tục rơi trong 6 năm qua.

Theo trang tin này, tiêm kích Su-30MKI đóng vai trò chủ lưc trong không quân Ấn Độ với hơn 200 chiếc (kế hoạch là trang bị 272 chiếc). Ấn Độ nhận Su-30 từ năm 2002, và năm 2009 bị rơi chiếc đầu tiên, các năm sau năm nào cũng có Su-30 rơi.

So với Trung Quốc có 379 chiếc Su-30 (gồm 150 chiếc mua từ Nga và 229 chiếc lắp ráp tại Trung Quốc) thì nước này chưa báo cáo bị rơi chiếc Su-30 nào.

Còn Nga với 438 chiếc Su-30 cũng chẳng thấy báo cáo thiệt hại về loại am1y bay này khi bay tập.

Với các nước khác có trang bị tiêm kích Su-30 như Việt Nam, Indonesia cũng không ghi nhận chiếc nào bị rơi.

Không quân Ấn Độ chọn Su-30MKI làm chủ lực vì đây là loại máy bay chiến đấu có thể làm bá chủ trên không, tầm bay xa 3.000 km (nếu tiếp dầu trên không sẽ bay xa 8.000 km), trang bị vũ khí hiện đại, có khả năng tác chiến trên bộ và trên biển, trang bị radar tầm xa.

Tuy nhiên từ 2009 đến 2015, không quân Ấn Độ bị rơi 6 chiếc Su-30MKI, trung bình mỗi năm 1 chiếc.

Trang tin RIR đưa ra 5 lý do vì sao Su-30MKI Ấn Độ liên tục rơi.

Tập luyện căng thẳng

Không quân Ấn Độ được cho là liên tục huấn luyện suốt năm, để ứng phó các nguy cơ xung đột xảy ra từ các nước láng giềng như Trung Quốc, Pakistan. Máy bay thường bay hàng ngàn km để huấn luyện, tính chung mỗi phi công có trên 10 giờ bay liên tục với Su-30MKI mỗi khi huấn luyện.

Mật độ tập luyện dày đặc như vậy dễ dẫn đến nguy cơ hỏng hóc máy bay và áp lực căng thẳng với phi công, và cả đội ngũ dưới mặt đất.

Còn không quân Trung Quốc với gần 2.000 máy bay thì có tỉ lệ tai nạn huấn luyện rất thấp, vì thời gian tập luyện ít. “Phi công Trung Quốc không đáng tin cậy cũng như không được đào tạo đúng cách”, theo nhận xét của tạp chí Foreign Policy. Một phi công máy bay chiến đấu Trung Quốc có thể bị khiển trách nếu làm sai lệch kế hoạch bay được các chỉ huy thiết lập, và mất một chiếc máy bay sẽ bị đưa ra tòa án quân sự.

Năm lý do tiêm kích Su-30 Ấn Độ liên tục rơi - ảnh 2
Su-30MKI là thành phần chủ lực của Không quân Ấn Độ, với một số mua từ Nga và đa số là Ấn Độ lắp ráp theo linh kiện và công nghệ của Nga - Ảnh: Jane's

Môi trường khắc nghiệt

Môi trường nhiệt đới khắc nghiệt ở Ấn Độ đủ gây hại cho bất kỳ máy bay nào. Thời tiết và không khí nóng có nghĩa là động cơ máy bay tạo ra ít lực đẩy và cánh máy bay ít tạo lực nâng hơn so với bầu trời châu Âu. Đường băng nóng bỏng cũng ảnh hưởng đến an toàn khi hạ cánh. Đây là những yếu tố mà phi công Không quân Ấn Độ đã phải sống chung với nó.

Chim đâm vào máy bay là một yếu tố rất lớn trong các vụ tai nạn máy bay trên khắp Ấn Độ. Có 10% vụ tai nạn máy bay của không quân Ấn Độ do đâm phải chim. Hầu hết các căn cứ không quân Ấn Độ đặt gần khu vực đông dân cư, nơi có nhiều chim trở nên mối đe dọa thường xuyên.

Tình hình nghiêm trọng này khiến năm 2014 Không quân Ấn Độ phải gọi thầu lắp đặt hệ thống radar giám sát phát hiện chim ở các sân bay quân sự.

Thiếu huấn luyện viên

Theo số liệu Bộ Quốc phòng năm 2013, Không quân Ấn Độ mất phi công tương đương cỡ 1 phi đoàn (18 máy bay) vì các tai nạn trong mỗi 2 năm, lý do là thiếu huấn luyện viên đào tạo phi công.

Các phi công phải được đào tạo cơ bản, rồi đào tạo lái phản lực trung bình, và cuối cùng đào tạo lái phản lực hiện đại, với các chủng loại máy bay huấn luyện phù hợp.

Tuy nhiên tỉ lệ phi công thiệt mạng khi đào tạo lái lái phản lực hiện đại rất cao, khi lái tập với MiG-21. Tình hình này có giảm khi phi công chuyển sang tập với máy bay Pilatus (Thuỵ Sĩ) cho giai đoạn đầu và máy bay Hawk (Anh) cho giai đoạn cuối, nhưng vẫn còn tai nạn.

Bảo dưỡng kém

Việc bảo dưỡng máy bay đốt cháy giai đoạn có thể là nguyên nhân khiến máy bay rơi. Tuy không quân Ấn Độ có chất lượng cao, nhưng đó là ở đội ngũ phi công, còn đội ngũ mặt đất như bảo dưỡng bảo hành thì kém. Không quân Ấn Độ đang xem xét thành lập một bộ phận mặt đất giỏi để bảo dưỡng các máy bay cao cấp.

Thiếu hụt máy bay

Không quân Ấn Độ hiện giảm còn 34 không đoàn với khoảng 600 máy bay chiến đấu so với kế hoạch ban đầu là 42 không đoàn. Với một nước rộng lớn như Ấn Độ, thiếu máy bay nghĩa là các máy bay hiện tại phải hoạt động nhiều hơn, thực hiện nhiệm vụ với tần suất dày đặc và do vậy ít thời gian nghỉ ngơi, bảo dưỡng trong hangar. Do vậy Không quân Ấn Độ đang phải đẩy mạnh chương trình sản xuất tiêm kích nội địa Tejas và đẩy nhanh tiến độ lắp ráp Su-30MKI.

Năm 2009, rơi 1 chiếc Su-30MKI ở Pokhran, lý do là tắt nhầm hệ thống điện tử điều khiển bay.

Tháng 11.2009, một Su-30MKI khác rơi ở vùng Rajasthan vì cháy động cơ.

Tháng 12.2011, một chiếc Su-30MKI rơi ở Pune do trục trặc hệ thống điện tử.

Tháng 2.2013, một chiếc Su-30MKI bị nổ cánh khi bay thử nghiệm ở Pokhran.

Đến tháng 10.2014, vụ rơi Su-MKI thứ 5 xảy ra cũng ở gần Pune do trục trặc hệ thống điện tử. Phía Nga cho là lỗi phi công, nhưng Ấn Độ bác bỏ.

Và mới đây là vụ Su-30MKI rơi ở Assam ngày 19.5.2015.

Trong cả 6 trường hợp, phi công đều nhảy dù an toàn.

Năm lý do tiêm kích Su-30 Ấn Độ liên tục rơi - ảnh 3

Anh Sơn

>> Báo Anh: Việt Nam quan tâm máy bay quân sự của Mỹ, châu Âu
>> Ấn Độ không hài lòng về động cơ tiêm kích Su-30MKI
>> Xem Su-30 Ấn Độ gắn tên lửa diệt hạm BrahMos sẵn sàng thử nghiệm
>> Su-30MKI Ấn Độ rơi là do ‘yếu tố con người’ ?
>> Ấn Độ sẽ đào tạo phi công Việt Nam lái Su-30 trước cuối năm 2015
>> Năm 2015, Quân đội Việt Nam nhận thêm 10 tiêm kích Su-30MK2
>> Ấn Độ đại tu được tiêm kích Su-30
>> Ấn Độ chính thức đào tạo phi công Việt Nam lái tiêm kích Su-30

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.