Nạn "đạo chích" trang trại: “Hợp tác xã”... ăn trộm

01/03/2010 00:28 GMT+7

Đang vào vụ thu hoạch cá đồng, nhưng bà con ở huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) không vui. Cá bị mất trộm liên tục. Có nơi “đạo chích” còn thành lập hẳn một “hợp tác xã... ăn trộm cá” để hỗ trợ nhau. Nghe đọc bài

Lập quỹ ăn trộm hỗ trợ “xã viên”

Chuyện nghe như... tiểu thuyết, ai ngờ lại có thật! Ông Tạ Văn Tèo cho biết, “hợp tác xã” (“HTX”) này có quỹ hoạt động hẳn hoi, số tiền quỹ đôi khi lên đến vài chục triệu. Nhưng đến giờ, không biết ai là chủ nhiệm mà chỉ biết đó là một nhóm người ở ấp 2, xã Trần Hợi. Họ hoạt động rất “đoàn kết”, kín đáo “sống để vậy chết mang theo”. Số tiền quỹ là để phòng “bất trắc” mang ra xoay xở. Như thể, trong khi đi “làm ăn”, ai không may bị bắt, bị đánh thì “HTX” chi tiền điều trị thuốc thang. “Xã viên” nào xui rủi bị bắt tạm giữ thì “HTX” cũng xuất tiền quỹ lo các khoản chi phí và cả tiền hỗ trợ cho vợ con khi “xã viên” không may đó “vắng” nhà. Nhờ “làm ăn” được nên số quỹ của hợp tác xã ngày càng lớn, nhiều “xã viên” dù không có đất sản xuất, không nghề nghiệp nhưng vẫn ở nhà cao cửa rộng.

Điều lo lắng nhất của bà con hiện nay là trong khi tình trạng trộm cá ngày càng tăng lên thì số vụ bắt được trộm “năm sau lại... ít hơn năm trước”! Ông Trần Minh Đương, Phó công an xã Trần Hợi nói: “Do bọn trộm quá tinh vi, lực lượng chúng tôi quá mỏng nên rất khó bắt. Ngoài chuyện họ dùng điện thoại di động thông tin cho nhau tránh bị phát hiện, bọn trộm còn biết cách... lách luật! Trước kia giá trị tài sản trộm từ 500 ngàn đồng trở lên mới xử lý hình sự, thì họ trộm chừng trên 400 ngàn, lỡ bị bắt cũng chỉ phạt hành chính là cùng. Giờ mức xử phạt hình sự tăng lên 2 triệu đồng nên người nuôi cá đồng càng khổ hơn vì trộm”.

 Nhiều lúc nước mắt tôi chảy dài vì ức. Đêm thì thức trắng canh trộm, lớp muỗi, lớp vắt cắn máu chảy đỏ cả tay chân. Vậy mà khi gặp trộm không dám nói nặng lời, chỉ biết năn nỉ....

Phạm Kim Thoa, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời

Cán bộ cũng phải... treo ao

Ấp 6, xã Trần Hợi (H.Trần Văn Thời) từng được xem là “thánh địa” cá đồng. Trước đây trong ấp có hơn 100 hộ nuôi cá đồng do nguồn lợi mà nó mang lại cao hơn lúa nhiều lần. Thế nhưng hiện nay ở ấp này chỉ còn 17 hộ nuôi cá. Lý do giảm là vì thường xuyên bị... trộm!

Ông Võ Văn Lạc chua chát kể: “Gia đình tôi có 4 ha đất. Thấy bà con xung quanh nuôi cá hiệu quả, tôi liền vay mượn bạn bè và bà con được hơn 30 triệu đồng đầu tư cải tạo ao đìa, mua cá giống... Năm đó, cả xóm ai cũng đoán cá dưới đìa tôi thu ít nhất cũng khoảng 5, 6 chục triệu đồng. Vậy rồi cá cứ bị trộm hoài, cuối cùng tôi chỉ bán được có 6 triệu đồng. 5 năm qua, món nợ nuôi cá tôi vẫn chưa trả dứt”. Theo lời những người hàng xóm kể lại, từ khi bị trộm hết cá, ông Lạc cứ như người mất hồn. Ai nói, ai làm gì thì làm, ông Lạc chỉ im lặng bên cốc rượu với những dòng nước mắt lăn dài...

Ông Võ Văn Đạt (cũng ở xã Trần Hợi) cũng vì bị trộm cá đồng mà mắc nợ mấy cây vàng. Để bảo vệ cá, vợ chồng, con cái ông thay phiên nhau giữ suốt ngày đêm, nhưng chỉ tích tắc ngủ quên, sáng ra xem như mất trắng. Ông Lê Văn Mười (ở ấp 2, xã Trần Hợi) gom góp tiền nuôi cá sặt rằn theo mô hình nuôi công nghiệp. Đêm đầu, bị trộm vào kéo hơn tấn cá. Quen ăn, mấy ngày sau, chúng lại vào tính “thanh toán” nốt hầm còn lại. Bị ông Mười phát hiện, bọn chúng tháo chạy, bỏ lại một đoạn lưới (dài 60 mét) dính đầy cá. Gia đình ông Mười xúm nhau gỡ cá, cân được 120 kg (!). Cứ tưởng thế là xong, nào ngờ sáng ra, một đoạn lưới khác bọn trộm chưa kịp kéo khỏi ao cũng dính đầy cá. Ông Mười chỉ còn biết... kêu trời!

Hộ ông Nguyễn Văn Yên gần đó cũng thế. Sau mấy vụ cá bị mất trộm, nay số nợ lên đến vài chục triệu, khó có khả năng trả hết vì năm nào trộm cũng “viếng” đìa cá. Có lần khi phát hiện trộm kéo cá ở đìa nhà mình, ông Yên cùng gia đình chạy ra, nhưng không ai dám xông vào bắt trộm, chỉ biết đứng nhìn chúng thản nhiên kéo cá, thu dọn “đồ nghề” rồi ung dung ra về. Theo lời những người dân địa phương, ngoài “đồ nghề” bắt cá, bọn trộm còn trang bị gậy gộc để chống trả nếu bị chủ nhà phản ứng. Ông Nguyễn Viết Khởi (ở xã Khánh Bình Tây Bắc) từng phải nhập viện vì “dám” chống lại bọn trộm cá.

Ông Nguyễn Ngọc Sol, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Trần Hợi thừa nhận, cá đồng từng là nguồn thu chính của gia đình mình. Ông Sol nói: “Cá tôi nuôi đầy đìa nhưng chỉ một đêm, trộm kéo mấy tấn cá sặt rằn. Giá cá khi đó là 50 - 60 ngàn đồng/kg, trong khi giá vàng chỉ 5 triệu đồng/lượng. Trắng tay trong một đêm, tôi nản lòng quyết định nghỉ nuôi. Tài sản của mình, trộm vào lấy không dám phản ứng, không dám hé răng, đêm phải thức canh thâu đêm không dám ngủ. Thử hỏi còn ai mà còn tinh thần lao động sản xuất nữa?”.

Ông Lâm Văn Thiền, Bí thư Chi bộ ấp 6, xã Trần Hợi, bất mãn: “Tôi đi vận động bà con tăng gia lao động sản xuất, trong khi gia đình tôi lại không dám tăng gia sản xuất. Trước kia tôi được cấp 4 ha đất, cũng nhờ nuôi cá đồng mà tôi mua thêm được 8 ha đất, kinh tế gia đình khá giả. Nhưng bọn trộm cứ lần hồi bắt, đến giờ tôi cũng như nhiều gia đình khác đành nghỉ nuôi cá. Bởi đã có quá nhiều bà con trong ấp, trong xã tán gia bại sản vì bị trộm cá”.


Cứ chiều xuống ông Võ Văn Lạc lại ra ruộng cá ngồi thẫn thờ  

Bắt được trộm chỉ biết... năn nỉ

Theo lời ông Lâm Văn Thiền, xưa giờ người dân xứ này sống nhờ vào con cá. Vào mùa mưa, nước ngập đồng, người ta không trồng lúa ngay mà để cho cá vào sinh sống và sinh sản. Đến tháng 10 âm lịch, họ mới dọn đất cấy lúa. Với phương thức canh tác lúa - cá như thế, mỗi năm nhà nào cũng có lúa, rồi vài ba tấn cá, đời sống khá giả hẳn lên... Cũng theo lời ông Thiền, trước kia không riêng gì xã Trần Hợi mà các xã Khánh Hải, Khánh Lộc, Khánh Bình Tây Bắc, Khánh Hưng... nhà nhà đều nuôi cá đồng. Nhưng giờ, người dân nản quá, không ai muốn nuôi cá nữa vì trộm.

Ông Tạ Văn Tèo (ấp 6, xã Trần Hợi) kể cho chúng tôi nghe có lần ông bắt được trộm cá ở đìa nhà mình. Chẳng biết làm gì, thế là ông mời tên trộm vào nhà uống nước trà, rồi cho gạo, cho tiền, năn nỉ tên trộm đừng bắt cá của mình nữa! Nhưng sau khi được cho tiền, cho gạo, tên trộm chỉ hứa suông, vài ngày sau lại tiếp diễn. Mà hầu như nhà nào trong xóm này khi bắt được người trộm cá cũng chỉ biết năn nỉ. Bởi có đưa ra chính quyền giải quyết thì cũng chỉ phạt 100 - 200 ngàn đồng là xong chuyện. Ông Lê Ngọc Ánh (ở ấp 6, xã Trần Hợi) có thâm niên nuôi cá trên 20 năm, bức xúc: “Mỗi lần bắt được trộm, báo chính quyền, mình chưa về đến nhà tên trộm đã được thả về trước rồi. Xử như vậy làm sao răn đe được bọn xấu”!

Bà Phạm Kim Thoa, ấm ức: “Nhiều lúc nước mắt tôi chảy dài vì ức. Đêm thì thức trắng canh trộm, lớp muỗi, lớp vắt cắn máu chảy đỏ cả tay chân. Vậy mà khi gặp trộm không dám nói nặng lời, chỉ biết năn nỉ. Rồi khi vào mùa cá xuống đìa, vợ chồng con cái không bao giờ được ngồi ăn chung mâm, bởi chỉ cần vắng chủ 10 phút là trộm vào thu hoạch “giùm” mình rồi”. Ông Lâm Văn Thiên thì đến giờ vẫn còn tức rang vì ngủ với vợ một đêm mà mất trắng cả đìa cá và cái radio mới cáu. Số là cũng vào tháng này 3 năm trước, đêm nào ông cũng phải ở ngoài chòi canh trộm, bỏ vợ ở nhà một mình. Một hôm ông bỗng nghĩ ra một chiêu, là cứ mở radio để đó, vào nhà ngủ, trộm nghe tiếng radio sẽ nghĩ chủ đang thức canh trong chòi. Đêm đầu tiên yên lành, nhưng sau đêm thứ hai, sáng ra cái ao cá... vắng tanh, còn cái radio thì nằm dưới đìa.

Cũng theo lời người dân thì bọn trộm cá bây giờ thường đi thành nhóm, rồi phân công một người “ém” quân ngay cửa để... canh chủ nhà. Khi thấy có động, chúng dùng điện thoại di động thông báo cho đồng bọn tẩu thoát. "Ăn trộm nó rình mình chứ mình có rình được nó đâu. Chúng dùng đủ cách bắt trộm cá, như: câu, giăng lưới, lưới kéo, nhưng đáng sợ nhất là xuyệt điện. Nơi nào mà bị bọn chúng xuyệt qua, coi như bị tận diệt, cá mẹ cá con đều chết hết. Con nào sống sót cũng không còn khả năng sinh sản” - ông Lê Ngọc Ánh nói.

Người dân địa phương khẳng định nếu không bị trộm, họ sẽ nhanh chóng làm giàu với mô hình “lúa - cá”. Bởi con cá đồng nuôi rất dễ, ít bệnh hoạn, không cần cho ăn... Như năm nay giá cá sặt rằn tươi tại ruộng 70 ngàn đồng/kg; cá lóc, trê, rô loại nhất cũng 50 - 60 ngàn đồng/kg, làm lúa sao bằng. Nhưng cá càng có giá thì bọn trộm cá càng lộng hành hơn.

Gia Bách

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.