Nạn "đạo chích" trang trại: Những vườn cao su không yên tĩnh

01/03/2010 23:52 GMT+7

Chưa bao giờ nạn trộm cắp mủ cao su lại hoành hành dữ dội như trong những năm gần đây. Đó là lời kêu than của hầu hết các chủ vườn cao su ở Đắk Lắk.

"Toàn là người ở gần đây..."

Buôn Krum, xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ không khí một ngày đầu tháng 2.2010 có vẻ hội hè, nhộn nhịp. Ở một hàng quán bên đường, khá đông người tụ tập giữa chiều nắng oi nồng, một nhóm bày rượu ra uống, số còn lại quây quanh chiếu chơi "bầu cua tôm cá", một hình thức đánh bạc đơn giản nhưng khá cuốn hút. Anh Ama Noen, một người dân buôn Krum, nói: "Ngó vậy chứ kiểu bài bạc đó cũng khiến nhiều người đổ nợ. Có người trong buôn thua bạc, phải bán cả điện thoại, thậm chí xe máy. Có người túng quá, làm việc xấu như trộm cà phê, cao su, khiến bà con không vui".

Ở gần cuối buôn Krum, ông Ama Ben, chủ trang trại cao su lớn trong vùng, đang ngồi trầm ngâm trước hiên nhà, khuôn mặt hơi căng thẳng. Hỏi ra, Ama Ben cho biết, cách đây hai hôm ông bắt quả tang một vụ trộm mủ cao su trong trang trại của mình, thu giữ tang vật là hai xe đạp, một xe máy cùng gần 2 tạ mủ. Ông buồn vì lẽ, những người đi trộm này ở ngay thôn bên cạnh, lợi dụng gia đình ông đang bận lo đám cưới đã lẻn vào vườn cao su, thu vét mủ đông với số lượng khá lớn. Nhưng ông cũng băn khoăn, không muốn làm to chuyện, sợ xấu mặt người ta...

Ama Ben là người Ê Đê có vườn cao su lớn nhất Đắk Lắk: 85 ha. Những năm 1990, ông đã vay vốn đầu tư của Công ty cao su Đắk Lắk hơn 700 triệu đồng để trồng, chăm sóc diện tích cao su này. Kể từ đó, vườn cây liên kết của ông đã đem lại nguồn lợi lớn cho gia đình (mỗi năm lãi trên dưới 1 tỉ đồng); đồng thời tạo thêm việc làm, thu nhập cho hơn 50 lao động trong buôn và lân cận. "Mình buồn một nỗi là thời gian gần đây, trộm mủ cao su diễn ra nhiều quá. Ngay trong số công nhân cạo mủ là con em trong buôn của mình cũng vi phạm. Mỗi lần cạo, họ giấu một ít, tìm cách đưa về nhà để bán ra ngoài. Đuổi việc thì họ không có việc làm, sinh ra làm bậy nhiều hơn, khó xử lắm" - Ama Ben tâm sự. Ông bảo, từ khi đời sống bà con buôn làng trong vùng khá lên, xuất hiện một bộ phận thanh thiếu niên thích chơi hơn thích làm ăn, thường uống rượu, bài bạc... Khi túng tiền, số người này bỗng biến thành kẻ trộm vặt ở các vườn cây cà phê, cao su, khiến ông đau đầu mỗi khi bắt quả tang. "Mình bắt hàng chục vụ trộm mủ mỗi năm, nhưng không thể nói cụ thể là ai đâu. Toàn là người ở gần đây thôi, thỉnh thoảng cũng có người ở xa đến" - Ama Ben thở dài.

Đủ chiêu trộm cắp

 

Hai chiếc xe đạp tang vật  trong một vụ trộm mủ ở vườn cao su của ông Ama Ben - Ảnh: T.N.Q

Vùng đông bắc H.Cư Mgar có diện tích cao su trang trại khá lớn. Theo ông Nguyễn Văn Lại, Phó giám đốc Trung tâm Đầu tư và phát triển cao su Ea H'Đing (thuộc Công ty cao su Đắk Lắk), ở hai xã Ea H'Đing và Ea Tar có đến 260 hộ trồng cao su với diện tích 1.290 ha. Trang trại lớn nhất là 50 ha của ông Y Vinh; còn lại mỗi hộ có từ 1 đến vài chục héc-ta. Ông Lại cho biết, hầu hết diện tích cao su trong vùng được phát triển theo hình thức liên kết giữa dân và doanh nghiệp, các chủ hộ có đất được trung tâm rót vốn đầu tư chăm sóc, hướng dẫn kỹ thuật để trồng. Riêng hoạt động bảo vệ vườn cây do các chủ hộ tự đảm đương nhưng không phải ai cũng làm tốt. Bọn trộm mủ cao su thường rình rập, nhằm vào những vườn cây ít người canh giữ, ở vị trí xa khu dân cư. Thông thường thì trộm chỉ lấy mủ đọng lại trong chén đã đông, nhưng có lúc liều lĩnh đột nhập trút mủ tươi khi người cạo chưa kịp thu mủ... "Giá mủ cao su đang ở mức khá cao (mủ khô tới 46.000 đồng/kg, các loại mủ đông trên dưới 15.000 đồng/kg), cũng là nguyên nhân kích thích nạn trộm cắp ở các vườn cây" - ông Lại nhận xét.

Ông Phạm Bá Hùng, một chủ vườn cao su 10 ha ở xã Ea H'Đing, cho biết khu vực xung quanh vườn cây của ông khá an ninh, ít có tình trạng trộm cắp "chuyên nghiệp" từ bên ngoài xâm nhập. Thế nhưng, các chủ vườn lại phải vất vả đối phó với chính người làm công của mình. Ông Hùng giải thích: "Vườn cây thì rộng, việc cạo mủ có khi bắt đầu từ 1-2 giờ sáng, khoảng 8 giờ sáng là thu mủ. Trời chưa kịp sáng, người cạo có thể trút mủ tươi vào một hố dưới đất, lấp lá cây lại, vài chục phút sau mủ này đã đông. Sau đó, đợi khi vườn cây vắng người, người làm công quay lại đào lượng mủ này về bán". Ông Hùng cho rằng, hầu hết các chủ vườn đều gặp kiểu trộm "nuôi ong tay áo" này nhưng rất khó bắt quả tang, chỉ nghe công nhân kháo nhau mới biết.

Ngoài ra còn có xảo thuật lấy cắp mủ khá tinh vi: người cạo chỉ cần cho một chút a-xít vào chén đựng mủ tươi, lập tức mủ đông lại dính vào chén, chủ vườn đi kiểm tra thấy chén đã úp, cứ tưởng đã trút mủ tươi. Sau giờ cạo, người làm quay lại vườn gỡ mủ đông trong chén, "thu hoạch" cho riêng mình... Ông Hùng cho rằng, khó có thể đánh giá chính xác lượng mủ của các vườn cao su thất thoát là bao nhiêu, vì khá nhiều đại lý thu mua mủ bất kể phẩm cấp mọc lên trong vùng và hầu như ngày nào cũng có người đến bán số mủ "kiếm chác được".

Trao đổi về hoạt động bảo vệ các vườn cao su, ông Nguyễn Văn Hạnh, Phó chủ tịch UBND xã Ea H'Đing, cho rằng: Mặc dù hằng năm Trung tâm Cao su Ea H'Đing có hợp đồng phối hợp với chính quyền địa phương, nhưng đây là công việc không dễ, bởi địa bàn xã thì rộng, lực lượng công an các thôn, buôn thì mỏng; các vụ trộm cắp mủ cao su thường nhỏ lẻ nên khó xử lý về mặt pháp luật... Ông Hạnh cho biết, trước đây xã đã khuyến khích các hộ đầu tư phát triển cao su, tạo thêm công ăn việc làm cho bà con ở các thôn, buôn. Những người ở địa phương muốn làm nghề cạo mủ cao su trong các vườn cây liên kết đều được xã bảo lãnh, xác nhận. Tuy nhiên, khi xảy ra chuyện trộm cắp mủ, khá nhiều người vi phạm bị các chủ vườn đuổi việc, xã cũng đành "bó tay", không can thiệp được.

Theo chủ vườn cao su Phạm Bá Hùng, giải pháp hạn chế nạn trộm cắp mủ trong chính đội ngũ lao động bằng cách trả lương thỏa đáng, tạo điều kiện cho họ thu nhập thêm bằng tận thu các loại mủ bẩn, mủ phế thải trong vườn cây; giáo dục, động viên khi họ vi phạm. Nếu đuổi việc người có hành vi trộm cắp thì xảy ra vòng luẩn quẩn: trang trại phải tuyển mới lao động, mất công đào tạo nghề; còn người vi phạm thì xin làm việc ở vườn cây khác...

Theo ông Nguyễn Văn Cúc, Trưởng phòng Thanh tra - bảo vệ Công ty cao su Đắk Lắk, nạn trộm mủ cao su diễn ra khá nhiều ở cả vườn cây do doanh nghiệp quản lý cũng như vườn liên kết với dân. Có nơi như ở các nông trường cao su Cư Kpô, Cư Mgar, kẻ trộm giữa ban ngày dùng hung khí đe dọa công nhân để cướp mủ tươi. Ông Cúc lý giải: trước đây, mủ được giao cho doanh nghiệp cao su quản lý, ai mua bán mủ đều phải chứng minh nguồn gốc số mủ của mình. Hiện nay, mủ cao su được xem là mặt hàng nông sản bình thường nên khó kiểm soát, những người thu mua đến tận các thôn, buôn mua từng ký mủ đông, kể cả mủ chất lượng xấu, vô hình trung "khuyến khích" nhiều người tìm cách có mủ để bán, kể cả việc trộm trong vườn cây người khác.

Ngọc Quyền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.